Xây dựng ngân hàng mắt ở Việt Nam
Ngân hàng mắt đầu tiên có năng lực cung cấp 200 giác mạc mỗi năm đang được xây dựng tại Hà Nội. Đây là một phần của Dự án Xây dựng ngân hàng mắt do tổ chức ORBIS hỗ trợ, trị giá 500.000 USD, thực hiện từ năm 2004 đến năm 2009.
Một ca phẫu thuật mắt (Ảnh: ORBIS) |
Nội dung của dự án bao gồm việc cung cấp trang thiết bị, dụng cụ cấy ghép, bảo quản mắt; cấp 9
suất học bổng đào tạo ở nước ngoài cho bác sĩ, kỹ thuật viên và giám đốc; tổ chức tập huấn cho phẫu thuật viên về phương pháp cấy ghép giác mạc, lấy giác mạc và bảo quản.Tổ chức này cũng sẽ hỗ trợ công tác truyền thông về các bệnh của mắt, nhất là các bệnh liên quan đến giác mạc. Dự án còn xây dựng một mạng lưới thu thập giác mạc do chính người Việt Nam hiến tặng; lập kế hoạch và quản lý hoạt động ngân hàng mắt.
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhu cầu cấy ghép giác mạc ở Việt Nam khá cao. Theo ước tính của Viện Mắt Trung ương, cả nước hiện có khoảng 300.000 người cần được ghép giác mạc, chưa kể hàng năm phát sinh hàng chục nghìn người mắc những bệnh về mắt.
Việc ghép giác mạc ở Việt Nam đã được Viện mắt Trung ương thực hiện từ những năm 1954-1955, từ đó đến nay, việc ghép giác mạc không thực hiện được liên tục do nguồn giác mạc để ghép chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng mắt nước ngoài. Hiện Viện Mắt Trung ương đang có khoảng 100 người trong danh sách chờ thay giác mạc.
Từ năm 1996 đến nay, ORBIS đã hỗ trợ Việt Nam triển khai có hiệu quả một số dự án về chăm sóc mắt nông thôn, phòng chống mù loà ở trẻ em và nâng cao năng lực cho Bệnh viện Mắt Trung ương và một số bệnh viện tuyến cơ sở.
-
Theo TTXVN