WHO: H5N1 vẫn chưa đột biến
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hôm 29/6 nguy cơ bùng nổ đại dịch cúm gia cầm là rất thấp vì virus H5N1 vẫn chưa đột biến.
Cho tới nay đã có hơn 50 người tử vong do H5N1. |
Một nhóm các chuyên gia từ Anh, Hồng Kông, Nhật Bản và Mỹ đã rời Việt Nam hôm 28/6 sau khi đánh giá rằng mối đe doạ của H5N1 đối với người thấp hơn so với dự đoán. Nghiên cứu của họ tại Việt Nam cho thấy virus vẫn chưa biến đổi. Ông Hans Troedsson, đại diện của WHO tại Việt Nam, cho biết: ''Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể loại trừ rằng có một đại dịch đang tới gần. Do virus vẫn lây truyền rộng rãi nên nguy cơ vẫn còn song không cận kề như chúng ta đã nghi ngờ''.
Mặc dù đưa ra tin tức đáng mừng như thế song WHO vẫn khuyên cộng đồng quốc tế cảnh giác vì các virus cúm có xu hướng thay đổi thường xuyên. Việt Nam đã khẳng định thêm một người nhiễm cúm, nâng tổng số người nhập viên do nhiễm H5N1 lên 60 người kể từ tháng 12/2004 cho tới nay. Tổng cộng đã có 54 người tử vong do H5N1 trong vùng, trong đó có 38 người Việt Nam, 12 người Thái Lan và 4 người Campuchia.
Trong khi đó, Trung Quốc đang yêu cầu nước ngoài trợ giúp để ngăn chặn đợt dịch cúm gia cầm lớn đầu tiên ở các loài chim hoang dã - một đợt dịch có nguy cơ lan rộng hàng nghìn kilomet vào tháng tới khi chim bắt đầu di trú. Mỗi ngày, trung bình có 20 con chim hoang dã ở hồ Thanh Hải bị chết do một chủng virus bí hiểm. Còn các chuyên gia thì ngày càng lo ngại hơn về việc 100.000 chim di trú từ vùng hồ này có thể mang virus tới những nơi mới và cuối cùng lây lan sang người. Khoảng 20.000 gia cầm đã bị tiêu huỷ trong bán kính 20km song chim di trú thì không vì đây là những loài hiếm.
Các chuyên gia tại đây đang chạy đua với thời gian để xét nghiệm và giám sát hàng nghìn con chim trước khi chúng di trú vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Tuy nhiên cho tới nay, mới chỉ có vài chục con được xét nghiệm. Trong tổng số 189 loài chim hoang dã ở vùng hồ này, 184 loài chưa được kiểm tra. Nhiều loài có thể là vật mang virus cúm thầm lặng, lây lan virus tới những loài chim hoang dã khác và vật nuôi song không bộc lộ triệu chứng nhiễm bệnh. TS Julie Hall, chuyên gia kiểm soát bệnh dịch của WHO tại Bắc Kinh, nói: ''Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy chim di trú chết do cúm gia cầm với số lượng lớn đến vậy. Rõ ràng là virus đã biến đổi để lây nhiễm mạnh hơn sang động vật. Chúng tôi không biết điều đó có ý nghĩa gì đối với con người''.
Các cuộc xét nghiệm sơ bộ cho thấy chim hoãng dã chết do H5N1. Trung Quốc vẫn chưa cung cấp bộ gien chính xác của virus này cho WHO mặc dù một phòng thí nghiệm đã phân lập và xác định được virus. WHO nói rằng tổ chức này muốn có thông tin về bộ gien virus càng sớm càng tốt để điều tra liệu virus lây lan tới Trung Quốc từ Việt Nam, Thái Lan hay các nguồn khác. Mặc dù phần lớn các ca tử vong do cúm gia cầm xảy ra ở Việt Nam song WHO lại lo ngại về Trung Quốc bởi hàng triệu nông dân nước này nuôi gia cầm ngay ở sân nhà.
Henk Bekedam, trưởng đại diện WHO tại Trung Quốc, cho biết một đợt dịch cúm nữa có lẽ đã bùng phát trong tháng này, ảnh hưởng tới hơn 2.000 con ngỗng ở Tân Cương. Tuy nhiên, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa cho WHO tới địa điểm này. Hôm 29/6, WHO cũng tiết lộ đại dịch đã tiêu diệt 5.000 con ngỗng và các loài chim hoang dã khác ở Thanh Hải, lớn gấp 5 lần con số mà Trung Quốc đã công bố.
-
Minh Sơn (Theo CBCNews, Globe and Mail)