Chưa phát hiện nước tương tại VN có chứa độc tố 3-MCPD!
(VietNamNet) -Ngay sau khi Saigon COOP MART công bố công nghệ mới sản xuất nước tương "sạch", chiều 17/5, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Dược sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, về vấn đề này xung quanh vấn đề nước tương có chứa độc tố 3-MCPD.
Dược sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. |
-PV: Được biết, từ năm 2001, đã có nước báo động về sự hiện diện của 3-MCPD trong nước tương nhưng mãi đến gần đây, Bộ Y tế mới có Quyết định 11/2005/QĐ-BYT ngày 25/3 về giới hạn tối đa của hàm lượng 3-MCPD không vượt quá 1mg/kg trong xì dầu, nước tương và dầu hào... ?
DS Nguyễn Thanh Phong: Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu nước tương, xì dầu, dầu hào tại Việt Nam. Trước khi xây dựng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với một loại thực phẩm nào đó, chúng tôi đều phải tham khảo tiêu chuẩn của các nước trong khu vực cũng như căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Đối với nước tương, xì dầu và dầu hào, chúng tôi đã tham khảo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Australia và một số nước trong khu vực như Thái Lan. Chẳng hạn, trong năm 2004, Thái Lan đã xây dựng quy định về 3-MCPD không quá ngưỡng 1mg/kg.
Các nghiên cứu trên chuột cống cho thấy nếu cho chúng uống liên tục chất 3-MCPD với liều lượng mỗi ngày là 1mg/1kg trọng lượng cơ thể, lượng tinh trùng của chuột đực giảm khả năng hoạt động, kéo theo sự sụt giảm khả năng sinh sản. Còn uống liều cao hơn nữa thì sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương và thận. Nói cách khác, nếu một người nặng 50kg uống 50 kg nước tương/ngày, trong nhiều ngày liên tục, thì mới ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vì lượng nước tương mà một người sử dụng mỗi ngày là rất ít nên hàm lượng 1mg/kg là an toàn đối với người tiêu dùng.
-Chất 1,3-DCP (1,3-dieloro-2 propanol) cũng tồn tại trong các loại sản phẩm trên và nếu ở mức quá cao thì sẽ gây hại cho sức khoẻ. Thế nhưng Bộ Y tế lại không quy định hàm lượng tối đa của chất này?
Trên thực tế hàm lượng 1,3-DCP liên quan tới 3-MCPD. Hàm lượng 3-MCPD cao thì mới có 1,3-DCP. Trong khi đó, việc thử 1,3-DCP rất khó khăn và Việt Nam chưa làm được. Chính vì vậy mà khi phát hiện 3-MCPD quá ngưỡng cho phép thì cũng có thể kết luận là có 1,3-DCP và có thể thu hồi sản phẩm.
-Quyết định đã có hiệu lực vậy, khi nào Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm sẽ triển khai kiểm tra việc này trên toàn quốc?
Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm trên toàn quốc được tiến hành theo quy trình hậu kiểm, nghĩa là nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nước tương, xì dầu, dầu hào phải tuân thủ Quy định 11/2005/QĐ-BYT. Còn cơ quan y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, Viện Dinh dưỡng, ba trung tâm của Tổng Cục Đo lường chất lượng, Viện Pasteur Nha Trang...) sẽ lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất để kiểm tra trong phòng labo. Nếu có vấn đề gì thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Cho tới nay, nhiều mẫu nước tương, xì dầu và dầu hào đã được lấy để xét nghiệm song chưa phát hiện mẫu vượt quá ngưỡng cho phép. Còn các sản phẩm nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn tại Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm. Sau khi được Cục cấp phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng thì sản phẩm nhập khẩu đó mới được lưu hành trên thị trường Việt Nam.
-Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nước tương, xì dầu và dầu hào không đạt tiêu chuẩn như quy định thì chế tài xử phạt như thế nào? Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm có bắt buộc cơ sở sản xuất kinh doanh phải ghi hàm lượng 3-MCPD trên nhãn sản phẩm?
Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như quy định đều bị các cơ quan y tế, quản lý thị trường và các ngành liên quan thu huỷ để tiêu huỷ. Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đó sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nếu gây hậu quả nặng và nghiêm trọng thì sẽ bị truy tố theo pháp luật. Hiện chưa có quy định về việc ghi hàm lượng 3-MCPD trên nhãn sản phẩm ở Việt Nam, mà chỉ có quy định ghi chất phụ gia mà thôi. 3-MCPD chỉ là một trong rất nhiều chất ô nhiễm, do vậy không thể ghi tất cả những chất này lên nhãn.
-Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm đã và sẽ có biện pháp tuyên truyền như thế nào về vấn đề này để cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng?
Mọi vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và chất 3-MCPD nói riêng đều được Cục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người kinh doanh thực hiện đúng theo quy định. Người tiêu dùng nên mua sản phẩm còn hạn sử dụng, do những cơ sở có tên, địa chỉ rõ ràng sản xuất cũng như đã được công bố tiêu chuẩn ở các cơ quan y tế có thẩm quyền.
3-MCPD và 1,3-DCP thuộc nhóm chlorapropanols. Chúng xuất hiện do phương pháp sản xuất nước tương. Hiện có ba phương pháp chính để sản xuất nước tương: lên men (fermented soy sauce), axít thủy phân protein acid hydrolysed protein), và phương pháp tổng hợp giữa acid thủy phân và lên men. Ở phương pháp axít thủy phân, chất chloride hợp với chất béo (lipids) dưới nhiệt độ cao tạo thành nhóm chloropropanols ở trên. Trong chloropropanols, hàm lượng nhiều nhất là 1,3-DCP, 2,3-DCP và 3-MCPD. Sau một thời gian nghiên cứu tác dụng của chúng trên sức khỏe, Uỷ ban khoa học thực phẩm của Uỷ ban châu Âu đã xếp 3-MCPD và 1,3-DCP vào loại gây ra ung thư.
Còn phương pháp làm nước tương bằng cách lên men (enzymatic fermentation) của một hợp chất giữa đậu nành với bột mì rang vàng thì không gây ra hai chất độc kể trên, nên an toàn cho người tiêu thụ. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian dài khoảng 5,6 tháng cho tới cả năm, thì sản phẩm mới được tiêu thụ. Do đó, nhiều cơ sở chế biến liền thay thế bằng axít thủy phân protein để rút ngắn thời gian và thu nhiều lợi nhuận hơn. Cũng từ đó, hai chất độc trên mới có. Dù phương pháp chế biến nước tương bằng cách lên men không có 3-MCPD và 1,3 -DCP, nhưng lại có những độc chất khác qua những khâu như khâu lên men, chọn men, ủ men, điều kiện chế biến và giai đoạn ủ thành tương. Vì thế, cũng cần phải hiểu rõ quy trình chế biến của mỗi loại mà lựa chọn và tiêu thụ, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài ra, hàm lượng chất độc có trong nước tương tùy theo mỗi đợt sản xuất, không phải thẩm định một lần có nghĩa là từ đó về sau chúng không có chất độc nào hết. (Nguồn: Tổng hợp từ Internet) |
-
Minh Sơn thực hiện