WHO phàn nàn các nước thiếu hợp tác về cúm gia cầm
Các chuyên gia WHO lo ngại nỗ lực giám sát cúm gia cầm tại châu Á đang bị cản trở do các nước bị ảnh hưởng miễn cưỡng cung cấp mẫu bệnh phẩm cho cơ quan này.
Virus H5N1 đang đột biến song WHO vẫn chưa biết liệu sự đột biến đó có tăng tính truyền nhiễm hay không do có quá ít thông tin được cung cấp cho mạng lưới các phòng thí nghiệm của cơ quan này. |
Tạp chí Nature đưa tin hôm 11/5: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ thu thập được 6 mẫu virus H5N1 ở những người nhiễm bệnh từ đầu năm 2005 tại Việt Nam. Trong số này có một số mẫu chứa chủng H5N1 đột biến. Theo ông Klaus Stöhr, điều phối viên Chương trình cúm của WHO, với quá ít mẫu như vậy, WHO không thể đưa ra kết luận đột biến đó có làm thay đổi khả năng truyền nhiễm và tính nguy hiểm của H5N1 hay không. Muốn biết điều đó cần có thông tin di truyền của hàng trăm virus cũng như dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân.
Ngoài ra, WHO cũng không nhận được mẫu bệnh phẩm nào từ gia cầm trong vòng 8 tháng qua. Những dấu hiệu đột biến đầu tiên của virus có thể dò thấy ở mẫu bệnh phẩm gia cầm. Do vậy, WHO không biết virus H5N1 đang biến đổi ra sao ở gia cầm. Theo Michael Perdue thuộc Chương trình cúm của WHO, mặc dù WHO và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) được cho là hợp tác chặt chẽ với nhau song FAO ''vẫn chưa'' chia sẻ'' các mẫu virus H5N1 mà tổ chức này thu thập được.
Còn ông Joseph Domenech thuộc FAO cho biết FAO đã thành lập một mạng lưới các phòng thí nghiệm để thu thập mẫu bệnh phẩm từ động vật trong năm ngoái song cũng chưa nhận được các mẫu bệnh phẩm nào trong những tháng qua. Nguyên nhân là một số nước có dịch cúm gia cầm thiếu nguồn lực để thu thập và gửi mẫu ra nước ngoài. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các quốc gia này đã thu thập được mẫu rồi song lại để mẫu trong phòng thí nghiệm. Họ không muốn các nhóm bên ngoài cũng như báo chí đưa tin mà không có sự kiểm tra của bộ y tế hoặc bộ nông nghiệp. Các nhà khoa học tại những nước đó cũng muốn là người đầu tiên nghiên cứu virus phân lập được để bào chế vắc-xin.Tình trạng thiếu hợp tác như trên quả là đáng ngại khi mà các ca bệnh ở người đang bắt đầu xuất hiện theo nhóm, người cao tuổi cũng nhiễm virus và tỷ lệ tử vong giảm. Những xu hướng này cho thấy virus đang trở nên ít nguy hiểm hơn song lại lây nhiễm dễ dàng hơn - hai đặc trưng tiêu biểu cho các chủng cúm gây đại dịch. Trước tình hình này, FAO và Tổ chức sức khoẻ động vật (OIE) đang soạn thảo một tài liệu quy định rõ những điều kiện sử dụng mẫu bệnh phẩm cúm gia cầm và bản quyền của các nước cung cấp chúng.
Còn các đại diện của WHO cũng đã gặp các quan chức chính phủ từ những nước bị ảnh hưởng, yêu cầu gửi các mẫu bệnh phẩm của gia cầm trực tiếp cho WHO. Tin đáng mừng là gần đây Việt Nam đã đồng ý gửi một lượng lớn mẫu bệnh phẩm cúm gia cầm trực tiếp cho một trung tâm của WHO tại Mỹ. WHO hy vọng những nước khác cũng sẽ làm theo Việt Nam. Nghiên cứu mẫu H5N1 và theo dõi sự biến đổi di truyền của chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các nhà khoa học lo ngại virus có thể đột biến thành một chủng nguy hiểm hơn, gây đại dịch toàn thế giới với tiềm năng giết hàng triệu người. Kể từ cuối năm 2003 tới nay, H5N1 đã cướp đi sinh mạng của 36 người tại Việt Nam, 12 người ở Thái Lan và 4 người ở Campuchia.
-
Minh Sơn (Theo Nature, Reuters)