Cúm gia cầm: cuộc chiến đang tiếp diễn...
Tin cúm gia cầm xuất hiện tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên hồi mới đây đã khiến cả thế giới phải một lần nữa nhìn lại công tác phòng chống cúm.
- Tăng cường kiểm sóat gia cầm vùng biên
Gà và các lọai gia cầm khác vẫn đang gây ra mối quan ngại tòan cầu (Ảnh: BBC) |
Sau khi dịch bệnh cúm gia cầm bùng phát tại Pyongyang, CHDCND Triều Tiên, hàng trăm nghìn gia cầm ở đây đã bị tiêu hủy. Nước giáp ranh với Triều Tiên là Trung Quốc hiện đang tiến hành biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm gà lây lan từ CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc đã tiến hành tiệt trùng ô tô đến từ CHDCND Triều Tiên và tiêm chủng một số gia cầm ở vùng giáp ranh. Tuy nhiên, chính quyền nước này vẫn lo ngại do khó kiểm soát chuyển động của chim di trú. Đồng thời, dân cư vùng biên giới đã nhận được lệnh cấm vận chuyển gia cầm ra vào đất nước. Gia cầm dọc biên giới nước này đã đều được tiêm vắc-xin. Có lẽ nhờ những biện pháp kiên quyết trên mà đến nay, Trung Quốc chưa phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm nào.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh biện pháp kiểm dịch gần biên giới và tại các trang trại nuôi gia cầm gần biên giới với CHDCND Triều Tiên.Vào đầu tháng Tư, tổng thống Mỹ George W. Bush ban hành chỉ thị yêu cầu chính phủ áp lệnh kiểm dịch khi cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm tại Đông Nam Á. Theo đó, Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ được phép ngăn chặn hoặc cách ly bất cứ người nào vào nước Mỹ bị tình nghi mắc cúm gia cầm. Trước đây, Mỹ từng áp dụng biện pháp kiểm dịch và cách ly khách đến Mỹ khi dịch bệnh đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát năm 2003.
-
Các nước hợp tác phòng chống cúm
Nhân viên y tế Hàn Quốc đang phun thuốc tẩy. Hàn Quốc đã đề nghị giúp đỡ CHDCND Triều Tiên dập dịch cúm gia cầm. (Ảnh: CNN) |
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cử nhóm hành động đặc biệt sang hỗ trợ CHDCND Triều Tiên. Còn đầu tuần này, Nhật Bản đã cấp 30 xe máy cho Campuchia giúp nước này dập dịch cúm gia cầm. Những xe máy này sẽ dùng để tiến hành những hoạt động giám sát chợ, thôn xã và các trang trại ở mọi tỉnh thành nhằm kiểm soát không cho dịch cúm gia cầm lây lan. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 50.226 USD cho dự án khẩn cấp chống cúm gia cầm tại Campuchia.
Không chỉ có Nhật và Trung Quốc, Hans Wagner, nhân viên tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cũng đã bay đến CHDCND Triều Tiên để đánh giá đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đầu tiên ở nước này. Wagner cho hãng tin Reuters biết, CHDCND Triều Tiên đã tiêu huỷ hàng trăm nghìn gia cầm và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm. Sắp tới, hai nhân viên tư vấn của FAO ở Trung Quốc và Australia thuộc mạng lưới chống virus H5N1 của châu Á sẽ tới CHDCND Triều Tiên hỗ trợ Hans Wagner. Các chuyên gia sẽ lưu lại CHDCND Triều Tiên đến hết tuần này.
Trong khi đó, từ 5-8/4, đại biểu từ các nước Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đến Thái Lan dự cuộc hội thảo diễn ra trong ba ngày nhận định về tình hình dịch cúm gia cầm. Hội thảo do Bộ Y tế Thái Lan, ban thư ký ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tổ chức. Các đại biểu sẽ bàn về phương pháp mới kiểm soát dịch bệnh.
-
Dành 1,4 tỷ đô la bào chế loại vắc-xin tốt hơn chống cúm
Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ có thể là tâm điểm nếu xảy ra dịch cúm gia cầm ở quy mô lớn. Mới đây, Tập đoàn môi giới, ngân hàng và đầu tư vốn cổ phần CLSA (Credit Lyonnais Securities Asia) tại Hồng Kông đã đưa ra dự báo như trên. CLSA cũng dự đóan, trong trường hợp nói trên, các nền kinh tế bị thiệt hại nhiều nhất sẽ là Hồng Kong, Singapore và Trung Quốc. Vẫn theo CLSA, trong thời gian qua, thiệt hại do dịch cúm gia cầm ở châu Á gây ra đã lên tới khoảng 8 đến 12 tỷ đô la.
|
Theo Tiến sỹ Klaus Stohr, chuyên gia cúm hàng đầu của tổ chức Y tế Thế giới (WTO), chính phủ các nước phải trích 5% khoản tiền dùng tiêm chủng vắc-xin cúm để chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch cúm sắp tới. Tiến sỹ Stohr ước tính chính phủ 40 nước chi khoảng 28,3 tỷ USD trong vòng 10 năm tới cho tiêm chủng phòng cúm. Như vậy nếu dành ra 5% khoản tiền này (1,4 tỷ USD) sẽ có thể cấp vốn cho việc bào chế loại vắc-xin tốt hơn chống cúm, loại vắc-xin này phải được sản xuất nhanh chóng và có thể phòng nhiều loại cúm, đặc biệt là cúm gia cầm - dịch bệnh có nguy cơ giết chết hàng trăm triệu người trên toàn cầu nếu virus này biến đổi và lây từ người sang người.
Còn các chuyên gia tham dự cuộc họp do Viện Dược phẩm ở Washington (Mỹ) nhận định cần tiến hành thêm nghiên cứu về những đối tượng có khả năng miễn dịch tự nhiên với bệnh cúm gia cầm và như vậy nghiên cứu này có thể hỗ trợ việc kháng cự virus cúm gia cầm.
Hiện Mỹ đang thử nghiệm vắc-xin H5N1 trên cơ thể người. Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản và các nước khác sẽ sớm tiến hành thử nghiệm vắc-xin cúm gia cầm. Các nước khác đang dự trữ Tamiflu, loại thuốc có thể phòng và chữa các loại cúm trong đó có cúm gia cầm.
-
Thụy Vũ (Tổng hợp từ các nguồn Trung Hoa nhật báo/Nhân dân nhật báo/Japan today/Tân Hoa Xã/Platinum today/AngolaPress/Kyodo/BBC/Taipei Times/CNN)