,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
567008
VN thử nghiệm sản xuất vắc-xin phòng cúm H5N1
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

VN thử nghiệm sản xuất vắc-xin phòng cúm H5N1

Cập nhật lúc 21:10, Thứ Hai, 17/01/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ngày 17/1, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thử nghiệm tiêm vắc-xin cúm H5N1 trên chuột, sau đó sẽ tiếp tục với gà, khỉ.  

Phòng nghiên cứu vắc-xin H5N1 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Hoa Dung

Vắc-xin này được nghiên cứu từ tháng 4/2004 tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Dự kiến, nếu thành công vắc-xin này có thể tiêm phòng cho cả gia cầm và người. 

Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phụ trách nhóm nghiên cứu lần này, cho biết: ''Loại vắc-xin này được nuôi cấy virus trên tế bào thận khỉ. Khác với các lần nghiên cứu trước đây thường nuôi cấy trên trứng gà có phôi''. 

Được biết, bản thân GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên cũng đã nghiên cứu làm vắc-xin từ năm 1957, khi đang đi học ở Berlin, Đức. Tuy nhiên, virus cúm hiện nay đã thay đổi nhiều và khoa học công nghệ cũng đã có những bước phát triển vượt bậc.  

Loại vaccine cúm mà Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nghiên cứu có 2 điểm nổi bật. Đó là giống virus cúm gây bệnh cho gia cầm và người hiện nay (H5N1) có độc lực rất cao. Theo yêu cầu của WHO, không được dùng giống virus có độc lực cao này để trực tiếp làm ra vắc-xin mà phải làm cho nó giảm độc lực hoặc mất đi độc lực. Nếu không sẽ nguy hiểm cho những người trực tiếp nghiên cứu vắc-xin hoặc nguy hại đến cộng đồng khi trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm không bảo đảm được an toàn sinh học.  

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu được tiến hành trên khỉ sẽ cho năng suất cao và sạch hơn bởi không lẫn tạp chất như trên trứng gà có phôi. Trong thời gian qua, số virus thu được rất nhiều. Các nhà khoa học đã gặt được hàng lít virus, trên bề mặt chúng có nhiều kháng nguyên H5 và N1. Hiện Viện đang làm tinh khiết số virus này thông qua qúa trình siêu lọc. 

GS.TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên cho biết thêm: Sở dĩ chọn khỉ, gà và chuột để nghiên cứu là do chuột là động vật thông thường vẫn sử dụng thử nghiệm. Khỉ là loại động linh trưởng có những đặc điểm sinh học gần giống với người. Còn gà thì đang diễn ra dịch cúm gia cầm nên cần thử nghiệm trực tiếp mới có hiệu quả''.  

Hôm nay vắc-xin này được thử nghiệm với chuột, cuối tháng 1 thực hiện trên gà và đến đầu tháng 3 sẽ tiến hành trên khỉ. Sau đó là trên người và nếu thành công việc phối hợp sản xuất vắc-xin giữa các ngành liên quan sẽ được bàn tới.

GS.TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên khẳng định: ''Giá thành của vắc-xin này sẽ rất rẻ nên người dân có thể sử  dụng cho gia cầm và bản thân''.

  • L.Hà

,
,