Thái Lan: Cúm gia cầm bó tay khi quan chức vào cuộc
Phó Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Uỷ ban chống cúm gia cầm, khẳng định nước này đã kiểm soát thành công dịch bệnh trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, ông thừa nhận khả năng virus H5N1 đã đột biến để lây lan từ người sang người.
Ông Chaturon nói: ''Tốc độ lây lan của virus cúm trong 30 ngày qua đã giảm nhanh so với trước đây, và chúng ta đã kiểm soát được là nhờ các quan chức kịp thời hành động. Trên một triệu tình nguyện viên và quan chức đã tới từng nhà để kiểm tra trên phạm vi toàn quốc. Có thể coi chiến dịch đã thành công''. Ông cũng biểu dương thống đốc của 76 tỉnh trên toàn quốc nhờ đã tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân địa phương về virus cúm gia cầm cũng như vận động họ tiến hành các biện pháp phòng ngừa.
Kết quả là chỉ có thêm một bệnh nhân nhiễm virus, nhưng là từ phân gia cầm chứ không phải là từ gà nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông Chaturon khuyến cáo về khả năng dịch bệnh gia tăng trong những tháng mùa đông, kể từ nay tới tháng Hai năm sau. ''Thống đốc các tỉnh phải tăng cường kiểm soát cúm gia cầm, vận động nhiều dân làng hơn để họ trở thành tình nguyện viên trong công tác này'' - ông nói. Dân làng không được thả rông mà phải nhốt gà trong chuồng hoặc khu vực có rào kín. Họ cũng nên rửa tay thường xuyên.
Nhằm chống cúm gà, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Mông Cổ đã thành lập một mạng lưới giám sát và thí nghiệm chẩn đoán giữa bốn nước. Phòng thí nghiệm chính của mạng lưới sẽ nằm ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, đông bắc Trung Quốc. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đã tài trợ 400.000 đôla cho dự án này. Mục đích là chia sẻ kết quả nghiên cứu về cúm gia cầm và cung cấp hướng dẫn cho các quốc gia khác trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng. FAO cũng đã thiết lập một mạng lưới tương tự tại Đông Nam Á. Một mạng lưới nữa cũng sẽ sớm được triển khai ở Nam Á. |
Các biện pháp giám sát cúm gia cầm chặt chẽ sẽ được tiếp tục trong mùa đông tới. Những biện pháp đó được tiến hành theo lệnh của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người tỏ rõ sự bất bình về việc các quan chức không nỗ lực kiểm soát sự lây lan của cúm gia cầm. Theo đó, thống đốc tỉnh phải đi đầu trong công tác kiểm tra dịch bệnh ở địa phương. Quan chức phải ra khỏi văn phòng để tìm kiếm các ca nghi ngờ nhiễm cúm. Mọi gia cầm có triệu chứng giống cúm gà đều bị tiêu huỷ, không cần phải chờ kết quả từ phòng thí nghiệm.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tháng trước các quan chức đã phát hiện được 489 điểm dịch bệnh tại 43 tỉnh. Khoảng 1,9 triệu gia cầm đã bị tiêu huỷ hoặc chết vì virus, trong đó gần 50% là vịt. Ông Yukol Limlamthong, giám đốc Cục Chăn nuôi, cho biết xét về khía cạnh lây lan của cúm gia cầm, 76 tỉnh của Thái Lan được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 26 tỉnh không có dịch bệnh. Nhóm thứ hai gồm 29 tỉnh có các ca cúm gà rải rác và nhóm thứ ba gồm các tỉnh còn lại, chủ yếu nằm ở miền Trung. Các tỉnh thuộc nhóm thứ ba bị ảnh hưởng thường xuyên, ít nhất là 5 lần kể từ khi cúm gia cầm lần đầu tiên được phát hiện tại Thái Lan. Được biết hệ thống chăn nuôi khép kín đã được áp dụng tại miền Trung.
Theo ông Chaturon, Uỷ ban Chống cúm gia cầm Thái Lan vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào về cúm gia cầm ở vịt. Tuy nhiên, ông quả quyết chính phủ sẽ bồi thường cho nông dân trong trường hợp phải tiêu huỷ vịt. Ông hy vọng sẽ có một kết luận rõ ràng về vấn đề này trong vòng hai tuần tới. Phó thủ tướng xác nhận khả năng H5N1 lây nhiễm từ người sang người vì cho đến nay, có hai phụ nữ đã tử vong do nhiễm virus từ con gái và cháu trai của họ.
TS Khamnuan Ung-Chusak, giám đốc Cục Dịch tễ, cho biết người dân Thái Lan đang phải đối mặt với ba nguy cơ nhiễm cúm gà. Qua nghiên cứu 17 bệnh nhân, ông phát hiện 9 người nhiễm virus do tiếp xúc với gà bị bệnh, 6 người không tiếp xúc song sống gần các khu vực có dịch và số còn lại có lẽ là do lây nhiễm giữa người và người.
(Minh Sơn - Theo BangkokPost, MCOT)