Thuốc chống cúm Tamiflu của hãng Roche AG đã được chứng minh là hiệu quả trong việc tiêu diệt H5N1 - virus cúm gia cầm mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại có thể gây ra đại dịch cúm ở người.
|
Thuốc Tamiflu. |
Các chuyên gia tại Bệnh viện Queen Mary (London) cho biết: ''Đây là dữ liệu đầu tiên cho thấy oseltamivir hiệu quả trong việc chống lại dạng virus lây lan cao này. H5N1 không ngừng đột biến và đang lây truyền tại Việt Nam và Thái Lan''. Oseltamivir được Roche bán dưới nhãn hiệu Tamiflu. Nó thuộc về dòng thuốc A, hay còn gọi là chất ức chế neuraminidase, phong toả hoạt động của enzyme virus.
Tamiflu đã được chứng minh là hiệu quả trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm H7N7 tại Hà Lan năm 2003. Nó được phép bán tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu để điều trị cúm týp A và B. Tháng 1/2004, khi dịch cúm gà hoành hành tại châu Á, Roche cho rằng Tamiflu có thể chống được H5N1, và WHO đã lựa chọn Tamiflu là thuốc chống cúm gia cầm.
Hôm 31/10, WHO khuyến cáo rằng thế giới đang tiến gần tới một đại dịch cúm có khả năng giết chết hàng triệu người, và chắc chắn virus H5N1 là thủ phạm. Các đại dịch cúm xảy ra theo chu kỳ trung bình 27 năm/lần do virus cúm đột biến gây nên. Đại dịch cuối cùng xảy ra vào năm 1968. Kể từ đầu năm tới nay, các chuyên gia đã phát hiện 44 người nhiễm H5N1 và 32 người trong số này đã tử vong.
Trước tình hình này, ông Klaus Stoehr, Giám đốc Chương trình cúm của WHO, kêu gọi các nước tăng cường công tác chuẩn bị nhằm tránh một cuộc khủng hoảng. Cụ thể hơn, WHO muốn huy động các chính phủ, công ty dược và giới khoa học đẩy nhanh việc sản xuất vắc-xin chống cúm gà. Tổng công suất sản xuất vắc-xin cúm của thế giới là 300 triệu liều, và sẽ phải mất ít nhất 6 tháng mới phát triển được một loại vắc-xin mới chống virus cúm.
Ông Stoehr cho biết: ''Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, chúng ta sẽ không có sẵn vắc-xin, chứ chưa nói gì tới thuốc chống virus, khi đại dịch bắt đầu xảy ra''. Theo ước tính, mỗi năm dịch cúm giết chết khoảng 36.000 người tại Mỹ và 1 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hàng triệu người có thể tử vong khi một dạng virus cúm nào đó biến đổi nhanh tới mức ít ai kịp hình thành khả năng miễn dịch đối với chúng.
Hiện nay, Mỹ đang thiếu vắc-xin trầm trọng do một trong hai công ty chính cung cấp vắc-xin cúm của quốc gia này đóng cửa. TS Wendy Keitel thuộc ĐH Y Baylor (Mỹ) cho biết: ''Chúng ta cần suy nghĩ về những vấn đề này. 90% vắc-xin được sản xuất tại 10 nước, trong khi những nước đó chỉ chiếm 10% dân số thế giới''.
Hiện thế giới đã phát hiện được 3 chủng virus cúm gia cầm: chủng H5N1 xuất hiện ở Hồng kông năm 1997 làm 6 người chết và trong năm nay lại xuất hiện ở các nước châu Á làm 32 người chết; chủng H9N2 xuất hiện năm 1999 cũng ở Hồng kông và một số địa phương của Trung Quốc làm 2 người thiệt mạng trong năm 2003; và chủng H7N7 xuất hiện ở Hà Lan năm 2003.
|