Châu Á đối phó đại dịch cúm gia cầm!
Mới đây, Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố đã thành lập một nhóm chuyên gia nhằm ngăn chặn và điều trị các loại bệnh cúm. Trong khi đó, Pakistan và Indonexia cũng đang tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó với nguy cơ cúm gia cầm tái phát
Trung Quốc: xây dựng chương trình chống cúm quốc gia
Một nông dân tẩy uế vịt chết tại Thái Lan. |
Nhóm chuyên gia tại Trung Quốc sẽ hoạt động trong ba năm. Nhiệm vụ của họ là cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho các cán bộ y tế địa phương về giám sát dịch cúm. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ xuống hiện trường trợ giúp chống cúm khi dịch bệnh xảy ra, tham gia xây dựng chương trình chống cúm quốc gia của Trung Quốc mà hiện đang được soạn thảo.
Việc thành lập nhóm chuyên gia trên cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường khả năng đối phó với cúm gia cầm, đặc biệt là khi mùa đông đang tới gần. Trước đó, vào đầu năm 2004, cúm gà đã hoành hành tại 16 tỉnh, khu tự trị và thành phố ở Trung Quốc cũng như nhiều nước châu Á khác. Các ca nhiễm H5N1 ở người cũng được phát hiện tại Việt Nam và Thái Lan, làm cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo một dịch cúm toàn cầu rất có khả năng xảy ra và kêu gọi các quốc gia cần cảnh giác cao độ.
Trong khi đó, Trung Tâm Bảo vệ Sức khoẻ Hong Kong đã tiến hành chiến dịch vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân về cúm. Đồng thời, Hong Kong cũng dự trữ vắc-xin nhằm đối phó với nguy cơ cúm gia cầm bùng phát. Giám đốc Trung tâm Leung Pak-yin cho biết nguy cơ bùng phát cúm gia cầm ở Hong Kong là rất nhỏ. Tuy nhiên, ông khuyến cáo nguy cơ vẫn tồn tại do cúm gia cầm đang hoành hành ở một số nước trong khu vực và có nghi ngờ về một số ca lây nhiễm giữa người và người.
Theo ông Leung, các cuộc họp liên ngành và các diễn đàn công khai sẽ được tổ chức tại Hong Kong. Mục đích là giúp các chuyên gia y tế cũng như công chúng đánh giá được nguy cơ và vạch ra cách phản ứng. Trung tâm đã kêu gọi người dân Hong Kong cải thiện các điều kiện môi trường và vệ sinh. Ngành gia cầm sẽ thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ việc tiêm chủng cũng như giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người và gia cầm. Trung Tâm Bảo vệ Sức khoẻ Hong Kong, mới được thành lập vào tháng 6 vừa qua, hiện cũng đã được tăng cường các khả năng giám sát và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Pakistan: lo ngại mùa chim di trú
|
Các nhà chức trách Pakistan cũng đang chuẩn bị đối phó với cúm gà khi mùa chim di cư trước đông bắt đầu. Raja Rafaqar Hussain thuộc Bộ Nông nghiệp và thực phẩm Pakistan cho biết: ''Khó có thể chặn trước dịch cúm gà. Nguyên nhân là chim di cư trong mùa đông gây nguy cơ cao đối với gia cầm ở Pakistan''.
Syed Ali Hasnain, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) tại Pakistan, cho biết có khoảng 5,5 triệu con chim di cư từ các vùng lạnh hơn tại Trung Á tới Pakistan mỗi năm để tránh đông. Chúng thường ở miền Nam nước này và các vùng lân cận tại Ấn Độ cho tới tháng 1. Mặc dù các chuyên gia tin rằng chim di cư từ Trung Á hiện không mang virus cúm song mối lo ngại là chúng sẽ nhiễm virus từ các loài chim khác rồi lây truyền.
TS Mohammad Afzal thuộc Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp Pakistan cho biết hiện đã tìm thấy cúm gà H-7 và H-9 tại Pakistan. Các loài chim di cư dễ dàng nhiễm và lây truyền chúng. H-7 và H-9 đang lưu hành tại Mansehra và Abbotabad. Nguy cơ lây lan sẽ tăng lên trong mùa di cư. H-7 và H-9 là biến thể ít nguy hiểm hơn của H5N1. Mặc dù H-7 và H-9 không gây chết người song chúng đã làm chết 3,5 triệu gia cầm quanh Karachi vào năm ngoái, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Afzal cho biết chương trình tiêm chủng cho gia cầm đang được tiến hành trên toàn Pakistan. Tuy nhiên, chỉ có những nông dân bị thiệt hại vào năm ngoái mới coi vấn đề này là nghiêm túc. Kết quả là trong khi nông dân ở Karachi tiêm chủng cho gia cầm thì các nông dân ở khu vực khác vẫn tránh né nhằm tiết kiệm tiền.
Indonesia: tiêm chủng gia cầm trên toàn quốc
Còn tại Indonesia, hãng thông tấn quốc gia Antara đưa tin hàng nghìn gia cầm trên đảo Java của Indonesia đã chết do cúm gà trong tháng qua. Dịch bệnh xảy ra ở huyện Pandeglang đã buộc các nhà chức trách địa phương ra lệnh tiêm chủng cho gia cầm. Cahyan Sofyan, giám đốc văn phòng chăn nuôi của huyện cho biết: ''Có thể kết luận rằng gà và các gia cầm khác chết do cúm''. Tuy nhiên, ông không cho biết thủ phạm là loại virus nào.
Cân gà tại Jakarta. |
Đầu tháng này, WHO cho biết dạng viurs cúm ở Indonesia có tiềm năng gây chết người. Tuyên bố trước đây của một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia (virus là loại không gây chết người) là không chính xác.
Hồi đầu năm nay, hàng triệu gia cầm đã chết do cúm gà tại Indonesia song không có người nào tử vong. Các quan chức cho hay virus tái xuất hiện do nông dân không tuân thủ các thủ tục ngăn ngừa, sử dụng vắc-xin bất hợp pháp và khôi phục đàn gia cầm quá sớm.
WHO cho biết, các biện pháp kiểm soát quan trọng nhất là nhanh chóng giết mọi gia cầm nhiễm bệnh, tiêu huỷ xác đúng cách, cách ly và tẩy uế trang trại.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)