,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
535814
Có cần tồn tại danh mục thuốc BHYT?
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Có cần tồn tại danh mục thuốc BHYT?

Cập nhật lúc 06:59, Thứ Sáu, 22/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Có cần danh mục thuốc BHYT nữa hay không, hay cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán theo bình quân giường bệnh. Phần dư, người bệnh sẽ trả? Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Xuân Cẩm đặt vấn đề tại Hội nghị sơ kết công tác dược, tổ chức vào ngày  21/10 với sự tham dự của các cơ sở y tế của TP.HCM và các công ty, xí nghiệp sản xuất dược phẩm.

Soạn: AM 176810 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Mời các GS trong và ngoài nước để tổ chức các buổi giới thiệu thuốc như thế này là hoạt động thường xuyên của công ty dược nước ngoài.

Phó giám đốc Cẩm cho biết, ông đặt vấn đề này ra để mọi người cùng suy nghĩ. Tại sao không đơn giản đi. Cứ phải có kho thuốc, sổ sách giấy tờ, con người... riêng của bảo hiểm làm xanh đỏ đủ thứ trong hệ thống y tế".

Dược sĩ Chuyên, BV Bình Dân cũng có ý kiến về chuyện danh mục thuốc. Tại BV ông, khi cho thuốc điều trị nhiễm trùng niệu, một viên thuốc ngoại mười mấy ngàn thì bảo hiểm thanh toán, còn cho thuốc nội giá chỉ vài trăm đồng thì lại không chi vì không có tên trong danh mục. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm y tế chỉ chấp nhận các toa thuốc ghi đúng tên biệt dược đã được thỏa thuận, điều này cũng dẫn đến việc không thực hiện nghiêm túc yêu cầu kê đơn thuốc đúng với tên gốc.

Ngoài việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến danh mục thuốc BHYT, đại diện các cơ sở y tế trong thành phố còn quan tâm đến việc tại sao thuốc nội vào trong bệnh viện còn thấp. Qua kiểm tra 9 BV thì thấy thuốc nội chỉ chiếm từ 12-20% theo giá trị tiền và 20-30% theo mặt hàng mặc dù Sở Y tế đã "bật đèn xanh" bằng cách tính điểm thi đua. Lý do: Mẫu mã, chất lượng, mặt hàng không đáp ứng nhu cầu. Các đại biểu minh họa: Trong 107 mặt hàng của một công ty thì có BV chỉ mua được 2 mặt hàng. Ống thuốc của nước ngoài chỉ cần bẻ nhẹ là gãy, còn của VN thì phải dùng dao kéo để cắt. Hoặc nếu bẻ được ống thuốc thì thế nào cũng bị... đứt tay.

Bên cạnh, mảng marketting còn rất yếu kém và không bài bản. BV Thủ Đức nêu ý kiến, năm 2003, BV tổ chức xét giá một số mặt hàng thuốc, rất ưu tiên cho thuốc nội. Nhưng kết quả, có vẻ các công ty dược trong nước còn thờ ơ, cứ thảy đó, được hay không chẳng cần quan tâm. Năm nay, BV tổ chức hội thảo giới thiệu tác dụng của thuốc, các công ty dược của TP.HCM không thấy đâu, chỉ có sự tham gia của một đơn vị tỉnh bạn.

Qua kiểm tra các bệnh viện của Sở Y tế, cho thấy vấn đề thông tin thuốc còn hạn chế. Các cơ sở còn ít sử dụng dược thư quốc gia để tra cứu thông tin thuốc, chưa phân biệt được thông tin thương mại và thông tin khách quan. Còn 4/9 đơn vị còn nợ tiền thuốc với mức cao nhất là 10 tỷ đồng và thấp nhất là 1,4 tỷ. Đây là một vấn đề khó khăn khi tiến hành triển khai nghị định 10 tại các BV. Sở cũng phát hiện có hiện tượng một số bác sĩ tập trung kê đơn vào một số loại thuốc của những công ty dược phẩm phân phối độc quyền hay kê đơn quá số ngày. Có BS kê một lần tới 500 viên thuốc cho bệnh nhân.

Riêng Phó giám đốc Cẩm thì dẫn chứng tại chỗ: Ngay tại hội nghị này, các công ty dược trong nước chỉ dừng lại phát brochure, thuốc... miễn phí mà "không có một công ty nào có chiếu slide ngắn để quảng cáo về đơn vị mình cả. Trong khi đó, các công ty nước ngoài, trong những hội nghị, họ rất tranh thủ xin năm mười phút để "tiếp thị" với các đại biểu. Khu vực điều trị biết quá ít về các công ty, xí nghiệp dược trong nước. Tại sao các công ty dược nội không tìm cách để tiếp thị mình bằng cách tổ chức các buổi giới thiệu tác dụng của thuốc, không điều tra nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng để sản xuất. Mặt hàng Viagra chưa có phép vào Việt Nam nhưng đã có một khảo sát rất lớn được thực hiện tại TP.HCM để khi nào được cấp phép là họ (công ty sản xuất Viagra - NV) nhảy vô liền".

Một đại diện của Mediphar thừa nhận: Hiện tại các nhà sản xuất mặc dù đạt tiêu chuẩn GMP nhưng chưa phân ly làm những mặt hàng riêng biệt mà còn sản xuất nhiều loại mặt hàng nên không đáp ứng nhu cầu. Công tác thị trường còn dở, không biết cách nên không vào bệnh viện được, chủ yếu chỉ phục vụ cho đối tượng "tự làm bác sĩ" là chính.

  • Vân Điển
,
,