,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
509710
Việt Nam: Tỷ lệ viêm gan B cao so với các nước
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Việt Nam: Tỷ lệ viêm gan B cao so với các nước

Cập nhật lúc 00:49, Thứ Sáu, 10/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Viêm gan B, ung thư gan nguyên phát, gan nhiễm mỡ không do rượu là ba vấn đề lớn về gan mật mà người bệnh phải đối phó hiện nay. Đó cũng là những nội dung chính của Hội nghị Gan mật toàn quốc lần 2, được tổ chức tại TP.HCM từ 9/9 đến 10/9.

Không phải bệnh nhân bị ung thư gan nào cũng được phẫu thuật cắt khối u nếu vào BV quá trễ.

Theo GS TS Hà Văn Mạo, chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, viêm gan B được xem là một vấn đề xã hội và y tế nghiêm trọng ở Việt Nam với tần suất nhiễm cao và biến chứng hay gặp.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao trên thế giới, tỷ lệ nhiễm virus gây viêm gan siêu vi B (HBV) trong các bệnh viêm gan cấp từ 37,8-43,5%. Bệnh này lây truyền chủ yếu qua bốn đường chính: Đường máu (tiêm chích phải máu và các vật phẩm từ máu bị nhiễm HBV); quan hệ tình dục; mẹ con (đại đa số những trẻ em bị nhiễm HBV ở lứa tuổi rất bé sẽ trở thành mạn tính); lây do sự chung đụng gần gũi trong nhà (tiếp xúc những vật dụng như dao cạo, bàn chải đánh răng, kim châm cứu).

Hiện nay, điều trị bệnh nhân HBV mạn cơ bản dựa theo các hướng dẫn của các Hội nghị đồng thuận châu Á-Thái Bình dương, chủ yếu bằng thuốc Lamivudin, Interferon hoặc kết hợp với Thymosin. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chữa bằng một số thuốc y học cổ truyền: các thuốc sử dụng chủ yếu từ cây răng cưa chó đẻ (Phyllantus amarus).

Tuy nhiên, chương trình quốc gia tiêm chủng phòng HBV mở rộng cho trẻ em là khâu chủ yếu trong chiến lược phòng, chống HBV hiện nay. Trong giai đoạn 1997-2002, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cung cấp một triệu liều vắc-xin mỗi năm chống HBV làm từ huyết tương người, được quốc tế xác nhận chất lượng, cộng với số vắc-xin hỗ trợ của Tổ chức Tiêm chủng Quốc tế (GAVI). Từ năm 2004, Viện đã sản xuất được vắc-xin tái tổ hợp để tiêm chủng cho tất cả trẻ em dưới 18 tháng. GS Mạo hy vọng với chương trình tiêm chủng quốc gia này, tần suất HBV sẽ được giảm trong mười năm tới xuống dưới 1%.

Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu do viêm gan virus B, C mạn tính, nghiện rượu lâu năm, nhiễm nấm mốc và cả thuốc trừ sâu và diệt cỏ... Tỷ lệ mắc ở TP.HCM cao hơn Hà Nội và các nước trong khu vực, đặc biệt là ung thư tế bào gan. Ở TP.HCM, đây là loại ung thư đứng hàng đầu ở nam giới và thứ hai cho cả hai giới. Ở Hà Nội, đứng hàng thứ ba ở nam và đứng hàng thứ sáu ở nữ. "Căn bệnh này đang thực sự trở thành một bệnh xã hội với tiên lượng rất xấu, thường phát hiện bệnh muộn và điều trị rất khó. Là sự lo lắng lớn cho cán bộ y tế  và người dân." - GS Mạo nói.

PGS BS Văn Tần, BV Bình Dân TP.HCM thì trăn trở cho biết: Trong 2464 bệnh nhân vào BV Bình Dân điều trị từ năm 1991 đến cuối năm 2003, có hơn phân nửa trường hợp quá chỉ định hay buộc phải từ chối mổ. Chỉ có 1/3 số trường hợp là cắt được phần gan có khối u. Để điều trị ung thư gan, các BS có thể tiêm thuốc diệt tế bào ung thư vào ổ ung thư, cắt bỏ khối u hay làm tắc động mạch gan bằng hóa chất. Ngoài ra, còn có biện pháp ghép gan, đây là kỹ thuật khó và đắt tiền, chỉ mới bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 2004.

Riêng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở Việt Nam nhưng nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị cùng nhiều điểm liên quan vẫn chưa được xác định rõ.  Người ta hiện chỉ nghi ngờ đây là kết quả của nhiều rối loạn chuyển hóa trên cơ sở những bất thường về gen.

Những khía cạnh liên quan đến ba vấn đề trên đã được trình bày tại Hội nghị Gan mật toàn quốc lần II. Ngoài ra, còn có một số nội dung khác về gan mật như bệnh tụy, sỏi mật, ghép gan... cũng được báo cáo tại hội nghị. Đây cũng là cơ hội để các bác sĩ trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu những tiến bộ mới của thế giới về lĩnh vực này qua những công trình nghiên cứu khoa học của các chuyên gia trong nước cũng như của các chuyên gia gan mật nổi tiếng đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Ý, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan,...

  • Vân Điển
,
,