,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
501474
Trầm cảm sau sinh: Chẳng phải cơn buồn thoáng qua
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Trầm cảm sau sinh: Chẳng phải cơn buồn thoáng qua

Cập nhật lúc 14:40, Thứ Năm, 19/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mắc bệnh trầm cảm sau một cuộc "vượt cạn", người mẹ có thể tự tử hoặc giết chết con mình trong cơn hoảng loạn. Tại sao?

Chẳng phải "cơn buồn thoáng qua"

Ai cũng cho rằng Minh Như, 28 tuổi, trưởng phòng nhân sự của một công ty mỹ phẩm nước ngoài là một người phụ nữ thành đạt và may mắn. Lý do: Chồng cô cũng đang làm việc cho một công ty nước ngoài và cực kỳ yêu thương vợ. Cả hai lại có ngôi nhà riêng xinh xắn trên đường Trần Văn Đang (Quận 3). Cách đây sáu tháng, đứa con gái đầu lòng của Minh Như chào đời trong sự mong đợi và vui mừng của hai bên nội ngoại vì đây là đứa cháu đầu tiên. Ai cũng xúm xít giành phần chăm sóc hai mẹ con. Mẹ ruột của cô vì sợ con gái cực nên lặn lội từ Sóc Trăng lên ở Sài Gòn vài tháng để lo lắng cô, dù nhà đã có người giúp việc...

Thế nhưng sau khi sinh hai tuần, Minh Như cảm thấy hơi lo âu, thường có cảm giác buồn nhưng không hiểu mình buồn cái gì. Cô cũng lười nói chuyện với mọi người dù trước khi sinh, cô là một người phụ nữ hết sức vui vẻ và hoạt bát. Thỉnh thoảng cô còn gắt lên vô cớ mỗi khi chồng hỏi thăm, điều mà trước kia chưa từng xảy ra.

"Con không đủ sức chăm em bé". Đó là câu cô nói với mẹ mình nhiều nhất rồi phó mặc chuyện chăm sóc em bé cho bà. Minh Như lại mang trong mình cảm giác tội lỗi  khi mình tỏ ra thất thường mưa nắng như vậy. Cô ăn uống ít và ngủ kém đi. Suốt ngày nằm lì trên giường, trong đầu lẩn quẩn ý tưởng nếu mình... chết đi, có lẽ mọi việc sẽ tốt hơn. Ban đầu những người trong gia đình không để ý, cứ cho rằng sau khi sinh thì mệt mỏi tí thôi, vài ngày sẽ khỏi. Thế nhưng, càng ngày cô càng thể hiện mình có vấn đề thật sự. Lo ngại, gia đình bèn đưa cô đi khám bác sĩ tâm thần. Cô được chẩn đoán là trầm cảm sau sinh (TCSS) và được điều trị thích hợp. Sau sáu tháng, Minh Như trở về trạng thái bình thường.

Thường, sau khi sinh từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, có những bà mẹ  rơi vào tình trạng buồn vui bất chợt, khó ngủ, dễ khóc, dễ bị kích thích, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ (dù cho đứa con không quấy rối gì về ban đêm). Các triệu chứng này thường chấm dứt sau vài ngày, và được xem là phản ứng bình thường sau một cuộc "vượt cạn", mà trong y khoa được gọi là "cơn buồn thoáng qua sau sinh". 

Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài hơn mười ngày với các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng như có ý nghĩ hoang tưởng con mình chưa được sinh ra, không đúng giới tính... thì bệnh nhân có thể bị rối loạn TCSS như trường hợp của Minh Như.

Trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh TCSS là 10%. Tại TP.HCM, trong một cuộc khảo sát của Bệnh viện (BV) Tâm thần phối hợp với BV Từ Dũ thực hiện thì tỷ lệ này là 5,3%. Trong đó, 90% bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng. Tại BV Tâm thần TP.HCM, thường xuyên có những ca đến khám và điều trị TCSS. 

Trầm cảm quá mức: Có thể giết con hoặc tự tử

* Các triệu chứng của TCSS: Luôn cảm thấy buồn, không còn cảm giác thấy thích thú với những hoạt động ưa thích trước đây, thờ ơ với những sự việc chung quanh. Ăn mất ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi. Thường khóc không lý do, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị tội lỗi gì ghê gớm. Cảm thấy bồn chồn, âu lo, dễ tức giận, bi quan về tương lai. Có ý nghĩ về cái chết, không muốn chăm sóc con hoặc sợ mình sẽ làm hại đứa bé...

* Một số yếu tố nguy cơ: Có tiền sử rối loạn tâm thần hay có bệnh khác. Có sử dụng rượu, thuốc lá trong thai kỳ; sanh khó, sức khỏe của trẻ sau sinh có vấn đề hoặc người mẹ có khó khăn khi cho con bú. Cảm thấy đứa bé là gánh nặng, mối quan hệ vợ chồng không tốt, không có sự giúp đỡ từ môi trường xung quanh đối với việc chăm sóc đứa bé và bản thân. Không có ai để tâm sự và không tin tưởng vào hạnh phúc sau sinh...

 
(Ảnh chỉ có tính minh hoạ - Vân Điển)

BS Lê Quốc Nam, BV Tâm thần TPHCM cho biết: Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân của TCSS nhưng có giả thiết cho rằng do sự thay đổi toàn bộ thể chất của người mẹ, hoặc nội tiết tố sinh dục trong khi mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy những người đã từng bị trầm cảm trước đó có cuộc sống hôn nhân không hòa thuận, sinh khó, ít bạn bè, người thân bên cạnh thường tăng nguy cơ bị TCSS.

"Những người phụ nữ có biểu hiện TCSS cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm." - BS Nam nói - "Bởi nếu không được cứu chữa kịp thời, người mẹ có thể tự tử. Theo khảo sát, có đến 41,2% bệnh nhân có ý nghĩ hay hành vi tự tử. Người bị TCSS kèm theo hoang tưởng như nghĩ rằng con mình bị... ma quỷ nhập, có số phận bi thảm hay nghe thấy một giọng nói bắt mình phải làm điều gì đó thì tình hình rất nguy hiểm. Có thể người mẹ sẽ làm hại con mình. Ngoài ra, nếu người mẹ không quan tâm đến con lại có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển tình cảm, ngôn ngữ, nhận thức... của  trẻ, vì một đứa bé ba tháng tuổi đã có thể cảm nhận và đáp ứng lại các biểu hiện tình cảm của người mẹ".

Thông thường, người TCSS ít khi chủ động đi khám tâm thần sớm vì thiếu hiểu biết, vì xấu hổ. Họ còn sợ người xung quanh phê phán là không muốn, không thể chăm sóc con hay muốn làm hại đứa bé. Họ cũng thú nhận nếu khai bệnh sẽ bị "nhốt" vào bệnh viện vì mình "điên nặng", hoặc sẽ có người đến bắt con mình đi...

"TCSS là một vấn đề cần được chú ý nhiều hơn nữa.  Ngoài điều trị bằng phối hợp thuốc chống trầm cảm (được BS tham vấn  trong lựa chọn thuốc và liều lượng vì đa số thuốc chống trầm cảm có thể xuất hiện trong sữa mẹ) và tâm lý liệu pháp, cần có chương trình giáo dục tiền sản cho cả thai phụ và người chồng. Mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc con trẻ, tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản để người chồng có thể hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra". BS Nam đề nghị.

  • Nghiêm Chinh
,
,