(VietNamNet) - "Từ đầu năm đến ngày 27/2, đã có hơn 3.000 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), tập trung ở phía Nam. Phía Bắc, virus Dengue gây bệnh SXH vẫn tồn tại và gây ra các vụ dịch nhỏ ở nhiều tỉnh như Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh...''. Đó là phát biểu của PGS TS Phạm Ngọc Đính, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2003.
|
Muỗi Aedes aegypti truyền bệnh SXH. |
Theo PGS Phạm Ngọc Đính, trong hơn 3.000 trường hợp SXH từ đầu năm đến nay, có năm người tử vong, tập trung ở phía Nam: TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp. Trong cả năm 2003, các tỉnh phía Bắc chỉ có 1.874 trường hợp, không có tử vong. Tuy không gây thành dịch lớn, nhưng virus Dengue vẫn tồn tại và gây ra các vụ dịch SXH nhỏ ở nhiều tỉnh như Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Dịch SXH tại Indonesia đang gây bệnh cho 14.626 người, có 26 người thiệt mạng. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện virus Dengue 4 nên rất cần chú ý theo dõi dịch bệnh. Đối với loại virus này, sức đề kháng của người còn thấp, kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân mắc týp này còn hạn chế nên cần cảnh giác.
Bên cạnh đó, bệnh cúm vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong tổng số 24 bệnh dịch, hội chứng cúm có số người mắc cao nhất, gần một triệu trường hợp. Virus cúm rất nguy hiểm, nó là kẻ thù giấu mặt vì có thể biến đổi để thích nghi với môi trường sống.
Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, thời tiết khí hậu đầu năm có nhiều biến động theo chiều hướng thuận lợi cho sự phát triển bệnh do côn trùng truyền và bệnh đường hô hấp. Mặc dù bệnh viêm phổi do virus đã chững lại nhưng chúng ta vẫn phải thận trọng, đặc biệt không thể chủ quan lơi lỏng với dịch SARS.
|