Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh:
"Cố gắng ngăn chặn được dịch cúm gà trong tháng 2"
09:30' 30/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Bây giờ chúng ta phải quyết tâm, vận động toàn bộ lực lượng tham gia phòng chống dịch cúm gà, quyết tâm ngăn chặn không cho dịch lây lan đến các vùng sạch bệnh. Chúng tôi sẽ đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh từ tháng tới để làm sao trong vòng tháng 2 ngăn chặn được dịch, sau đó tiến hành các biện pháp xử lý, tái tạo sản xuất".

Cục trưởng Cục Thú y, TS. Bùi Quang Anh, đã khẳng định như vậy khi ông vừa trở về từ Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước châu Á về phòng chống dịch cúm gà tại Bangkok. Ông nói: "Tôi vừa về đến đây thì nhận được Quyết định 13 ban hành ngày 28/1 về việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia. Việc đầu tiên chúng tôi làm là nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc họp của Thủ tướng với các tỉnh, thành có dịch vào chiều nay (30/1). Cục Thú y là cơ quan thường trực của Bộ NN-PTNT; đồng thời, được Bộ giao trách nhiệm về việc này nên chúng tôi cố gắng đôn đốc các tỉnh, đến hôm nay phải thống nhất được những đánh giá, nhận định, các biện pháp xử lý dịch để Bộ trưởng báo cáo tình hình với Thủ tướng".

- Thưa ông, liệu các biện pháp thảo luận ở hội nghị tại Bangkok có triển khai ngay được ở Việt Nam không?

- Do Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE) nên họ làm thế nào mình đều thực hiện như thế, ví như tổ chức chẩn đoán để phát hiện dịch kịp thời, khi thấy dịch thì giết hủy gia cầm, tiêu độc, vệ sinh môi trường; đối với cơ sở chưa có dịch thì làm vệ sinh chuồng trại.

Tùy tình hình dịch cúm tại các nước mà có biện pháp xử lý khác nhau. Nhật Bản, Hàn Quốc thường có các trang trại lớn, còn Việt Nam mấy năm qua gia cầm phát triển nhanh, nhưng mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh. Hơn nữa, người dân Việt Nam, Indonesia chưa hiểu hết, chưa có kinh nghiệm về dịch cúm này nên biện pháp xử lý cũng khó khăn hơn. Tại Việt Nam, việc thực hiện Pháp lệnh Thú y cũng chưa nghiêm túc, có tỉnh đã công bố dịch, có tỉnh thì chưa. Vấn đề nữa tôi cho là rất nghiêm trọng là do dân mình quá khó khăn về tài chính, vì nghèo nên chần chừ trong việc tiêu huỷ gà bệnh.

- Vậy, chúng ta sẽ đưa ra những biện pháp kiên quyết như thế nào trong thời gian tới?

Chi cục Thú y Hà Nội hôm qua (29/1) đã có cuộc họp khẩn nhằm ngăn chặn dịch cúm gà có nguy cơ bùng phát trên địa bàn TP. Đến nay, bệnh cúm gà đã xuất hiện ở Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, với 10 ổ dịch. Tối 28/1, Chi cục Thú y đã phát hiện lượng gà lớn bị chết tại huyện Gia Lâm.  TP đang khẩn trương tiêu hủy 10.000 con gà nhiễm dịch, nhưng tình hình vẫn đang diễn biến xấu. Để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch, có thể Hà Nội sẽ phải tiêu huỷ toàn bộ gia cầm. TP đã tăng cường 16 trạm chốt tại các cửa ngõ, không cho vận chuyển gia cầm vào địa bàn, hiện đã có tới 2 triệu con gia cầm. Trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ cho các hộ tự nguyện tiêu huỷ gà 15.000 đồng/con.

- Thực ra, nhiệm vụ thì các địa phương đã triển khai rồi. Bây giờ có quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ thay mặt chỉ đạo ngay và tới đây có biện pháp mạnh sau khi làm việc với đại diện WHO tại châu Á - Thái Bình Dương, và hôm nay là họp với Chính phủ. Như vậy, về mặt chỉ đạo là đã ở cấp Chính phủ, đã kịp thời. Báo chí nước ngoài cũng đã ca ngợi Việt Nam có biện pháp xử lý dịch bệnh kịp thời và công khai thông tin.

Tôi thấy bây giờ phải có cách nào để cho UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn, vào cuộc hơn. Thứ hai, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành. Chúng tôi đã có văn bản gửi các bộ yêu cầu gửi danh sách các vị lãnh đạo tham gia chống dịch, nhưng vấn đề là chống dịch cúm gà cần có sự tham gia của các tổ chức quần chúng khác, như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Những lực lượng này có tác động tuyên truyền, giải thích, thậm chí tham gia trực tiếp để ngăn chặn việc đưa dịch bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác.

Đoàn Việt Nam sang Bangkok họp đã thấy được tình hình dịch bệnh nguy hiểm nên xác định cần phải làm cương quyết hơn; thậm chí, chăn nuôi gia cầm còn phải hy sinh, làm lại từ đầu để có một cơ sở chăn nuôi bền vững hơn.

- Trong số các giải pháp trên, theo ông, có nên tính đến việc tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của Việt Nam hiện nay không để tái sinh đàn gia cầm mới?

- Vấn đề này chúng tôi chưa đề cập đến. Tại Việt Nam, gia cầm được nuôi nhiều tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, ngoài Bắc là Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang... Hiện giờ, mình đang tính tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trong vùng dịch còn khó, huống chi nói đến việc tiêu hủy tất cả. Nhưng vấn đề này lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực làm thế nào khoanh vùng được dịch, bảo vệ được những nơi an toàn, bằng mọi biện pháp.

Tôi đang yêu cầu các bộ phận của Cục phải phân công cụ thể cán bộ xuống từng địa bàn, từng tỉnh để đến 31/1 sẽ triển khai họp Ban Phòng chống dịch cúm gà phía Bắc. Làm được như vậy thì tỉnh nào cũng có người của Ban để báo cáo thông tin với Bộ trưởng và UBND các tỉnh, gắn trách nhiệm với từng cán bộ. Đối với các Chi cục Thú y, cũng phải có lực lượng phân công phụ trách từng địa bàn, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin và phải thể hiện được trên bản đồ của dịch bệnh vùng đó hàng ngày.

Hơn nữa, tôi vừa mời NXB Nông Nghiệp sang để bàn về việc làm tờ rơi về dịch cúm gà, để chiều nay có thể phát hành được.

- Ông có thể cho biết đã có biện pháp mới nào được đưa ra tại hội nghị ở Bangkok mà có thể áp dụng được ngay không, như dùng vacxin chẳng hạn?

- Tham gia hội nghị, ngoài tôi tháp tùng Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, các anh ở Bộ Y tế, còn có chuyên gia về virus của Viện Thú y là TS. Nguyễn Tiến Dũng. Trong những biện pháp đưa ra, tôi thấy có báo cáo của Hongkong, nói là có sử dụng vacxin sau đợt cúm gà năm 1997. Họ sử dụng sau khi hết dịch để tái tạo đàn gà mới. Chúng ta hiện chưa sử dụng phương pháp đó được, song, đó là ý tưởng để sau này tái tạo đàn gà mới. Tiêm phòng vacxin rất khó vì H5N1 còn lây sang con người. Nếu không cẩn thận để ổ dịch bùng phát, rồi thành những biến chứng mới thì rất nguy hiểm.

- Nếu chúng ta khoanh vùng ổ dịch và tiến tới đền bù cho các hộ chăn nuôi gia cầm thì chi phí dự tính sẽ là bao nhiêu?

- Chúng tôi chưa tính toán được cụ thể số tiền này. Hiện nước nào có điều kiện kinh tế thì bán kính tiêu huỷ rộng, như 3km, 5km. Nếu tiêu huỷ được rộng thì độ an toàn lớn hơn. Hơn nữa, theo khuyến cáo của OIE, thời kỳ nung bệnh thường kéo dài chứ không phải là 2-3 ngày hay một tuần như chúng ta nghĩ, mà có thể 10 hoặc trên 20 ngày. Ở Việt Nam, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã chỉ thị, trước mắt, hỗ trợ các vùng bị dịch theo đơn vị hành chính, như một thôn, một xã, tức là dựa vào địa lý từng vùng. 

- Chúng ta đã kiến nghị được hỗ trợ như thế nào đối với các nước, các tổ chức quốc tế tại hội nghị?

- Vấn đề hiện nay của chúng ta là phải chia sẻ thông tin kịp thời và đó cũng là nguyện vọng các nước. Tôi nghĩ đến nguồn bệnh từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất lâu, bây giờ nước này mới thông tin nên chúng ta đề nghị phải chia sẻ. Hơn nữa, chúng ta cần có sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế về cơ sở vật chất, kể cả tài chính. Các chuyên gia của FAO cũng đã có mặt ở Việt Nam và họ đang có dự án gấp cho ta, với khoản viện trợ khoảng 400.000 USD. Một chuyên gia của WHO cũng vừa cho biết, Ngân hàng ADB đồng ý hỗ trợ 50.000 USD để Việt Nam mua thiết bị. Ngay cả Thái Lan - quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch cúm - cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Tôi cũng đã gặp đại diện OIE tại Nhật Bản vào đầu tháng 2, họ sẽ cử các chuyên gia dịch tễ sang. 

Trong trường hợp cần thiết, WHO có thể sẽ đưa chuyên gia, nhân viên kỹ thuật và công cụ xét nghiệm sang giúp đỡ Việt Nam. Hiện chúng ta mới có 3 nơi xét nghiệm được H5N1 là Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Trung tâm Thú y vùng TP.HCM và Viện Thú y. Với lượng mẫu từ các trang trại, các vùng bị dịch gửi về nhiều, việc xét nghiệm đang gặp khó khăn.

- Tại hội nghị, các nước và các chuyên gia đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch của Việt Nam?

- Nói chung, Việt Nam được ca ngợi nhiều do kịp thời thông tin cho các tổ chức quốc tế liên quan, triển khai biện pháp bao vây, dập dịch. Các nước cũng chia sẻ với ta những khó khăn, như dịch xảy ra vào dịp Tết cổ truyền, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam còn nhỏ lẻ đã bị dịch gây thiệt hại, chưa có điều kiện về tài chính để xử lý ngay những vấn đề cấp thiết. Nói tóm lại, Việt Nam được đánh giá cao về nỗ lực chống dịch bệnh cúm gà. Chúng tôi cũng đã nói về sự khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Tại hội nghị, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã ra tuyên bố:

1. Thiết lập hệ thống cảnh báo chung và phát hiện cảnh báo sớm để Chính phủ các nước và người dân chủ động đối phó dịch cúm gà.
2. Tăng cường hệ thống kỹ thuật, thiết bị, các phòng thí nghiệm trong khu vực và thế giới để nghiên cứu về virus H5N1.
3. Triển khai hệ thống kiểm soát, bao vây, kiểm dịch, ngăn chặn sự lây lan di chuyển gà bệnh sang các nước.
4. Hỗ trợ kỹ thuật kỹ thuật và tài chính cho các nước để nhanh chóng khống chế ổ dịch.

  • Hà Yên (thực hiện)
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cúm gà ngày 29/1, ở phía Nam đất nước... (30/01/2004)
Thêm 2 tỉnh có bệnh nhân nghi mắc cúm A: Sóc Trăng, Đồng Tháp (29/01/2004)
Nên ăn gì khi thiếu... thịt và trứng gà? (29/01/2004)
TPHCM: Ngày mai, nhiều điểm bán chim cảnh sẽ phải ngưng bán (29/01/2004)
WHO tập huấn phòng chống lây lan cúm gà (29/01/2004)
Hợp tác liên vùng chống cúm gà, ADB hỗ trợ 800.000 USD (29/01/2004)
Làm đẹp da bằng... rau quả (29/01/2004)
Tại sao mẹ nên bế con bên tay trái? (29/01/2004)
Tại sao fluor lại bảo vệ răng khỏi bị sâu? (29/01/2004)
Dịch cúm gà đã xuất hiện tại Hà Nội (29/01/2004)
Đà Nẵng: Em bé thứ 100, từ phương pháp thụ tinh nhân tạo (28/01/2004)
CRP - Nguy cơ của chị em “quá tải” về trọng lượng (28/01/2004)
Chuột ra đời từ thụ tinh nơi ống nghiệm: lo nhiều, nhớ kém (28/01/2004)
Giám sát chặt tình hình cúm gà và cúm A ở 10 tỉnh, thành (26/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang