Hiện nay, mẹ cháu đang bị bệnh tiểu đường. Bệnh này chế độ ăn uống như thế nào? Còn ba cháu thì bị cao huyết áp, ba cháu có tập thể dục được không? (Kha Ứng Trung, TP. Hồ Chí Minh).
|
Chất xơ có vai trò quan trọng với bệnh nhân tiểu đường. |
Trong chế độ ăn bình thường, cần đảm bảo năng lượng cho cơ thể với tỷ lệ các chất như sau: đạm 15%, đường 55%, béo 30% và các vitamin... Khi bị bệnh tiểu đường, chế độ ăn nên tránh các sản phẩm có đường trực tiếp gây hấp thu nhanh (chè, kẹo, bánh ngọt, sirô...) và cần hạn chế các chất tinh bột là tiền thân sản sinh ra đường. Chế độ ăn nên sử dụng nhiều rau, quả (loại không ngọt quá như mía, xoài, chuối...).
Có thể sử dụng nhiều lòng trắng trứng, chất đạm (thịt, cá), dầu thực vật... Khi chọn thức ăn cho mẹ, bạn nên nhằm vào các thức ăn có ít cholesterol (lòng đỏ trứng, não động vật...) vì bệnh tiểu đường thường có kèm theo các rối loạn về chuyển hóa mỡ và bệnh xơ vữa động mạch. Tốt nhất nên sử dụng nhiều thức ăn có chất xơ để làm giảm hấp thu đường và mỡ sau bữa ăn.
Tùy thể trạng, khả năng hấp thu của từng người mà lượng tinh bột (gạo, khoai hoặc chất béo) sử dụng khác nhau, nên tham khảo trực tiếp tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Riêng về bệnh cao huyết áp, khi tập thể dục cần hạn chế những bài tập, động tác quá sức như cử tạ, vật, võ đối kháng. Các môn thể dục sức bền như chạy, bơi, xe đạp, thể dục dưỡng sinh, khí công rất có lợi cho bệnh nhân cao huyết áp, có tác dụng làm giảm mỡ máu, điều hòa và tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể.
(Theo Thanh Niên) |