Chăm sóc trẻ ngay sau đẻ
14:32' 23/09/2003 (GMT+7)

Từ khi trẻ cất tiếng khóc chào đời (đặc biệt 30 phút đầu sau sinh), cuộc sống của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cách chăm sóc và nuôi dưỡng của mẹ và người đỡ. Vậy người đỡ đẻ cần làm những việc gì cho bé?

Cho trẻ tiếp xúc với mẹ ngay sau khi chào đời.

Không để trẻ bị lạnh

Ðây là việc rất quan trọng phải làm ngay. Khi còn trong bụng mẹ, trẻ nằm trong môi trường nước (nước ối) có nhiệt độ 37oC. Khi trẻ ra ngoài, tiếp xúc với không khí, nhiệt độ thấp hơn. Toàn thân trẻ dính nước ối nên rất dễ bị hạ thân nhiệt; do vậy phải được lau khô ngay từ đầu đến chân bằng những vuông vải khô, sạch.

Làm sạch đường hô hấp

Nếu trẻ đẻ thường, nước ối trong thì không cần phải hút sâu. Chỉ cần để trẻ nằm nghiêng, đầu thấp; dịch bẩn từ miệng sẽ tự chảy ra. Dùng miếng gạc vô trùng lau sạch miệng và mũi cho trẻ.

Lau khô, làm sạch đường hô hấp phải làm rất nhanh bất luận đẻ ở đâu (bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế hoặc ở gia đình).

Ðánh giá tình trạng của trẻ

Trước tiên phải xác định giới (trai, gái), quan sát trẻ để phát hiện những bất thường bên ngoài, đặc biệt là phải xem trẻ có hậu môn hay không, xem trẻ có khỏe không, phản xạ và trương lực cơ có tốt không, trẻ có khóc to, da có hồng không... Dùng chỉ số Apgar để đánh giá. Nếu không có nhiều thời gian thì sử dụng chỉ số Sigtuna cũng được. Thời điểm để đánh giá: 1 phút; 5 phút và 10 phút sau đẻ.

Thời điểm cặp rốn thích hợp nhất là 1 phút sau đẻ. Nếu cặp rốn quá muộn thì trẻ sẽ nhận thêm một lượng hồng cầu, máu sẽ quánh hơn, dễ dẫn tới tình trạng khó thở, tăng thể tích của tim (tim to).

Còn nếu cặp rốn quá sớm trẻ không nhận được thêm một lượng máu, sẽ giảm lượng hồng cầu; sau một vài tháng có thể bị thiếu máu.

Có thể dùng chỉ không đàn hồi đã được khử khuẩn để buộc rốn. Dụng cụ cắt rốn cũng phải hấp tiệt trùng hoặc luộc sôi tối thiểu 20 phút. Ðoạn rốn còn lại dài khoảng 1-1,5cm được sát trùng cẩn thận bằng cồn iốt rồi dùng gạc vô khuẩn bọc lại, dùng băng vô khuẩn băng rốn qua vòng bụng.

Cân, đo cho trẻ, cho uống vitamin K

Do đặc điểm sinh lý nên trẻ mới đẻ có nhiều nguy cơ chảy máu ở ruột, dạ dày, phổi, não..., nhất là ở trẻ đẻ non. Vì thế các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo nên dùng vitamin K cho tất cả trẻ mới đẻ để phòng chảy máu. Ngay sau đẻ cho mỗi trẻ uống 2mg vitamin K hoặc tiêm bắp 1mg.

Nhỏ mắt phòng bệnh lậu

Mắt bé tiếp xúc với chất bẩn khi đi qua đường sinh dục của mẹ, nhất là những bà mẹ bị viêm âm đạo. Dùng miếng gạc sạch thấm nước chín hoặc nước muối sinh lý để rửa mắt cho bé. Rửa mỗi mắt 1 miếng gạc riêng. Sau đó nhỏ mỗi mắt 1 giọt argyrol 1% để đề phòng lậu mắt.

Ðặt trẻ lên bụng mẹ. Cho trẻ tiếp xúc sớm với mẹ. Giúp trẻ bú mẹ sớm. Cho trẻ bú sớm sẽ giúp mẹ co hồi tử cung tốt, tránh chảy máu sau sổ rau. Trẻ bú sẽ nhận được sữa non quý giá và sẽ kích thích xuống sữa nhanh hơn. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các bà mẹ nên cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau sinh.

BS. Nguyễn Thị Kiểm, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ăn chay trường có tốt cho sức khoẻ? (23/09/2003)
Phát hiện sớm bệnh suy thoái cơ (23/09/2003)
Ðể trẻ ngủ ngon hơn (22/09/2003)
Lạm dụng các loại thuốc chống ngạt mũi, hậu quả gì? (22/09/2003)
Ðau thắt ngực, khám chữa ở đâu? (22/09/2003)
Phụ nữ trẻ bị thoái hoá khớp thế nào? (18/09/2003)
Những thức ăn - vị thuốc trong dinh dưỡng hiện đại (18/09/2003)
Nhìn tóc đoán bệnh (18/09/2003)
Khắc phục hội chứng chênh lệch múi giờ (17/09/2003)
Phụ nữ mang thai tập thể dục lợi gì? (17/09/2003)
Tránh có kinh vào ngày kết hôn (16/09/2003)
Vai trò của canxi và sắt trong thai kỳ (16/09/2003)
Vì sao chân tay nổi nhiều gân xanh? (16/09/2003)
Cẩn thận với thực phẩm gây ung thư (16/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang