Trị bệnh Aphtes
13:53' 04/08/2003 (GMT+7)

Có đến 20% dân số (chủ yếu là nữ giới và trẻ em tuổi học đường) thường bị lở miệng và lưỡi; vết loét hình tròn, kích thước bằng đầu tăm, rất đau và xót khi ăn uống, nhất là khi ăn mặn hay chua. Người ta thường nghĩ đây là chứng nhiệt và chữa bằng thức ăn có tính mát mà ít nghĩ đến các loại thuốc điều trị đặc hiệu.

Áp-tơ (Aphtes) là bệnh lý thường gặp với biểu hiện lâm sàng khởi đầu là một hay nhiều mụn nước, màu vàng khó thấy. Sau khoảng vài giờ, các mụn nước này vỡ ra để lại vết loét, nông, hình tròn, đường kính từ 3-12mm, bờ rất rõ, đáy màu vàng giống như bơ tươi, chung quanh có một viền màu đỏ tươi.

Mỗi đợt Aphtes thường xuất hiện 1-3 vết loét nhưng cũng có thể nhiều hơn, vết loét thường ở niêm mạc má, miệng, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm khẩu cái, trụ Amydal. Trường hợp bệnh vừa xuất hiện ở miệng vừa xuất hiện ở cơ quan sinh dục gọi là Aphtes lưỡng cực.

Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, hiện nay vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố liên quan được coi là nguyên nhân gây bệnh như:

- Thiếu vitamin C, PP, B6 do nhiễm vi khuẩn hay siêu vi trùng.
- Do dị ứng thuốc hay thức ăn.
- Do rối loạn nội tiết như hành kinh, có thai, mãn kinh...
- Do di truyền.
- Do tâm lý như xúc cảm - lo lắng.
- Do miễn dịch.

Bệnh dễ xuất hiện khi bị chấn thương ở niêm mạc miệng như răng cắn vào lưỡi, cấn răng hàm giả...

Ðiều trị tại chỗ

- Tránh các thức ăn kích thích như chua, cay, mặn...
- Chống đau và chống viêm: Có thể dùng một trong các thuốc:
    Acide Acetyl Salicylique: súc miệng 4-5 lần/ngày, trước bữa ăn nửa giờ.
    Borostyrol để giảm đau, tạo sẹo, sát khuẩn: chấm bằng tăm bông 2 lần/ngày).
    Xylocaine 5% để giảm đau: chấm tại chỗ 6-8 lần/ngày, chỉ có tác dụng thoáng qua.
    Chấm tại chỗ bằng acid Trichloacetique 33% hay Nitrat bạc, có tác dụng giảm đau tại chỗ rất tốt và làm hoại tử tức khắc tổn thương Aphtes.
    Ngoài ra có thể chấm tại chỗ Kamistad-Gel, mỡ Tetracycline, Corticoide...

Ðiều trị toàn thân:
Có thể dùng một trong các thuốc sau:

- Laroscorbine: tiêm tĩnh mạch 1-2g/ngày x 15 ngày.
- Levamisole: 150mg/ngày x 2-3 ngày, mỗi 15 ngày x 3-4 tháng.
- Corticoide: Prednisone 0,5-1mg /kg thể trọng/ngày x 2 tuần.
- Nivaquine: 100-200mg/ ngày x10-15 ngày.
- Thalidomide: 100mg /ngày, cho kết quả rất tốt trong trường hợp Aphtes nặng.

BS. CKI. Trần Quốc Long, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn có nguy hiểm? (04/08/2003)
Phòng chống chứng chướng bụng (02/08/2003)
Dị ứng tinh thần (02/08/2003)
Hạn chế phiền toái thường gặp khi mang thai (01/08/2003)
Tác động xấu của thuốc lá tới các cơ quan trong cơ thể (31/07/2003)
Béo phì do rối loạn nội tiết (31/07/2003)
Thuốc chữa bệnh viêm đại tràng mạn (31/07/2003)
Đái buốt, đái rắt không chỉ là dấu hiệu bệnh lý ở bàng quang (31/07/2003)
Bệnh basedow trẻ em (30/07/2003)
Phòng chữa khuyết tật bẩm sinh (27/07/2003)
Điều trị sẹo bằng máy siêu mài mòn da (25/07/2003)
Giãn tĩnh mạch (25/07/2003)
Chấn động não, bao giờ có thể yên tâm? (25/07/2003)
Coi chừng nhiễm virus viêm gan A trong nguồn nước (25/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang