Lợi ích của khám phụ khoa định kỳ
11:13' 23/07/2003 (GMT+7)
Dù không có triệu chứng gì, thỉnh thoảng vẫn tự nguyện đến bệnh viện để bác sĩ phụ khoa thăm khám, hỏi han về ''chỗ kín'' - nhiều chị em cho việc làm này là kỳ dị mà không biết đây là cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và ung thư sinh dục, tự chăm sóc sức khoẻ bản thân.
Ngại ngùng với việc khám phụ khoa định kỳ là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều phụ nữ viêm nhiễm sinh dục nghiêm trọng.

Khám phụ khoa định kỳ được các nhà chuyên môn định nghĩa là trường hợp người phụ nữ chủ động đi khám phụ khoa ít nhất 1 lần trong năm dù có hay không có các triệu chứng. Với những phụ nữ đã có tiền sử bệnh phụ khoa thì tốt nhất là 6 tháng một lần.

Ở mỗi lần khám phụ khoa định kỳ, bên cạnh việc khám thường quy, tùy từng trường hợp cụ thể mà có các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung như: soi tươi, nhuộm và cấy huyết trắng, siêu âm, soi cổ tử cung và nhất là phết tế bào âm đạo Pap smear để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung.

Lợi ích

Khám phụ khoa định kỳ sẽ mang lại những lợi ích sau:

- Phát hiện sớm các trường hợp viêm nhiễm và những bất thường của hệ thống sinh dục. Như vậy việc điều trị sẽ dễ dàng, ít tốn kém. Quan trọng hơn là giúp chính người phụ nữ có thể bảo vệ tốt sức khỏe của mình.

- Ðối với các phụ nữ trên 35 tuổi hay các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, khi khám phụ khoa định kỳ, phết tế bào âm đạo là cách duy nhất và đơn giản để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Việc trị liệu nhờ vậy đơn giản và nhẹ nhàng hơn.

Ðiều đáng tiếc là hiện nay do một số phụ nữ không thực hiện tốt việc khám phụ khoa định kỳ (chỉ đi khám khi thấy có những dấu hiệu bất thường) nên đến lúc phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng, làm việc điều trị tốn kém nhiều tiền bạc và công sức mà tiên lượng lại xấu, tỷ lệ tử vong cao.

- Khám định kỳ cũng là dịp để chị em được tư vấn về các vấn đề sức khỏe như: vệ sinh phụ nữ, cách phòng ngừa bệnh phụ khoa, những rối loạn tâm sinh lý có thể xảy ra trong độ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh và cách thức điều chỉnh...

Suy nghĩ sai lạc xung quanh việc khám phụ khoa

- Huyết trắng là hiện tượng phụ nữ nào cũng có và sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Ðiều này chỉ đúng với những trường hợp có huyết trắng sinh lý trong thời gian rụng trứng (phóng noãn). Khi đó huyết trắng có những đặc điểm: không màu, không mùi, không hôi, không gây ngứa hoặc đau rát âm hộ, âm đạo. Còn tất cả các trường hợp khác là huyết trắng bệnh lý và chị em cần đi khám để xác định nguyên nhân.

Viêm nhiễm sinh dục (với biểu hiện ra nhiều huyết trắng) nếu không được điều trị sớm sẽ không tự khỏi mà ngày càng nặng thêm và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Ðối với các phụ nữ trẻ thì viêm nhiễm là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh, thai ngoài tử cung...

- Không có triệu chứng thì làm gì có bệnh để khám. Thực tế nhiều trường hợp chị em bị viêm nhiễm khá trầm trọng đã được phát hiện trong những dịp khám phụ khoa tình cờ. Thậm chí có trường hợp qua khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả là ung thư cổ tử cung giai đoạn I.b, trong khi bệnh nhân vẫn nghĩ mình bình thường.

- Khi đã qua tuổi sinh đẻ thì cần gì phải khám. Chị em cần biết rằng các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm, u nang buồng trứng, u xơ tử cung và nhất là các ung thư sinh dục như ung thư vú, tử cung, cổ tử cung... có thể xảy ra ở mọi phụ nữ, không loại trừ lớn tuổi, góa bụa, độc thân hay không còn trong độ tuổi sinh đẻ.

- Không biết khi bác sĩ khám phụ khoa cho nhiều người thì dụng cụ có bảo đảm vệ sinh, an toàn không? Theo nguyên tắc khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế, tất cả các dụng cụ đơn giản như ống chích, kim tiêm, ống dẫn lưu... chỉ được sử dụng một lần rồi hủy. Các dụng cụ khám phụ khoa luôn được tiệt khuẩn bằng nhiệt hay hóa chất trước khi sử dụng và công tác này được kiểm tra thường xuyên.

BS. Nguyễn Thu Hiền, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Điều trị bệnh nấm móng (22/07/2003)
Ăn cơ quan sinh dục động vật có làm tăng khả năng tình dục? (22/07/2003)
Người bệnh tim có thể đi máy bay? (22/07/2003)
Khi đưa trẻ đi tàu xe (20/07/2003)
Ăn gì lợi sữa? (19/07/2003)
Các cách đánh gió (18/07/2003)
Say nóng và biện pháp xử lý (18/07/2003)
Cholesterol xấu và tốt (18/07/2003)
Chăm sóc người già bị tiểu tiện không tự chủ (17/07/2003)
Bác sĩ gia đình giải đáp về ung thư (17/07/2003)
Tăng dục năng không cần rượu thịt (16/07/2003)
Ngứa hậu môn không do giun sán (16/07/2003)
Xoa bóp chữa phải gió (16/07/2003)
Hòn to - hòn nhỏ, bên có - bên không (15/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang