Chữa bệnh bằng tắm thuốc
08:45' 25/06/2003 (GMT+7)

Từ lâu, con người đã biết dùng thuốc sắc nước để tắm rửa toàn thân hoặc cục bộ, vừa nâng cao sức khoẻ, vừa phòng chống bệnh tật. Phương pháp trị liệu đồng thời bằng cả thuỷ và dược này được dân gian truyền lại và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Tuỳ theo phần thân thể ngâm trong dịch thuốc nhiều hay ít, người ta chia dược dục liệu pháp (DDLP) ra làm ba loại:

- Toàn thân dược dục: Ngâm toàn bộ cơ thể trong dịch thuốc chứa trong bồn có dung tích 250-300 lít từ 20-30 phút, mỗi ngày một lần, 10 lần là một liệu trình. Thường dùng cho các bệnh lý nội khoa và da liễu.

- Bán thân dược dục: Ngâm nửa dưới cơ thể trong dịch thuốc, bệnh nhân ngồi trong nước ngập đến rốn. Mỗi lần ngâm trong 20-30 phút, mỗi ngày một lần, 10 lần là một liệu trình. Loại này thường dùng cho các bệnh lý chi dưới như vểm khớp gối, viêm tắc động mạch chân, liệt bại hai chân...

- Cục bộ dược dục: Ngâm chi hoặc một bộ phận của cơ thể trong dịch thuốc hoặc tiếp xúc với dịch thuốc nhiều lần. Tuỳ theo cách thức và bộ phận ngâm khác nhau mà phân thành nhiều loại như ngâm tay, ngâm chân, ngâm đầu, rửa mắt, rửa mặt...

Ví dụ, ngâm chân (túc dục) là loại hình thường dùng trên lâm sàng, được chia làm hai hình thức: ngâm chân thấp và ngâm chân cao. Ngâm chân thấp là khi dịch thuốc chỉ ngập đến mắt cá, thường dùng cho những chứng bệnh như nấm chân, ra mồ hôi lòng bàn chân, bỏng bàn chân, bong khớp cổ chân, viêm xương gót... Ngâm chân cao là khi dịch thuốc ngập đến tận đầu gối, thường dùng cho những chứng bệnh như viêm khớp, viêm dây thần kinh, tê bì chi dưới, viêm tắc động mạch, các bệnh ngoài da ở hai chân...

Cơ chế tác dụng của DDLP

DDLP tác động lên cơ thể thông qua hai yếu tố: tác dụng của thuốc và tác dụng của nước. Trải qua quá trình bào chế và đun nấu, các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh trong dược liệu sẽ hoà tan vào nước hoặc toả ra theo hơi nước tác động trực tiếp lên da và niêm mạc hoặc ngấm vào trong cơ thể mà phát huy tác dụng chữa bệnh.

Tác động trực tiếp bên ngoài thường được ứng dụng cho các bệnh lý ngoài da, bệnh vùng hậu môn và bộ phận sinh dục ngoài, bệnh mắt, các thương tổn phấn mềm do sang chấn... nhờ khả năng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, chống phù nề, chống ngứa... của dịch thuốc.

Hoạt chất ngấm vào cơ thể theo hai con đường: ngấm qua niêm mạc mũi miệng do hít hơi thuốc và thẩm thấu qua da. Tác động bên trong chủ yếu được ứng dụng cho các bệnh lý nội khoa.

Tuy nhiên, cả hai con đường tác động bên ngoài và bên trong ít khi thực hiện riêng rẽ mà thường hỗ trợ lẫn nhau.

Nước tác động lên cơ thể nhờ hai yếu tố: nhiệt độ và áp lực. Độ ấm của dịch thuốc có tác dụng làm giãn mạch toàn thân và tại chỗ, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch, cải thiện công năng hấp thu của da, làm giãn cơ và giảm đau. Đối với vết thương xung huyết kỳ đầu nếu ngâm trong dịch thuốc lạnh có khả năng làm co mạch và giảm xuất tiết. Áp lực của nước có tác dụng xoa bóp các bộ phận được ngâm, thúc đẩy quá trình hồi lưu của máu và dịch bạch huyết, làm giảm sưng nề và giảm đau.

Ngoài ra, theo quan niệm của Y học cổ truyền, dịch thuốc còn tác động lên các huyệt vị châm cứu, phối hợp với các động tác xoa bóp khi ngâm sẽ giúp cho cơ thể điều chỉnh cân bằng âm dương, phục hồi công năng các tạng phủ và làm lưu thông huyết mạch.

Chú ý

Thực tế cho thấy DDLP có tính an toàn rất cao và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi thực hành vẫn nên chú ý một số điểm sau đây:

- Những người bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch, suy mạch vành, u mạch máu, suy tim, tiền sử đã bị nhồi máu cơ tim, cơ địa dễ xuất huyết không nên tắm ngâm toàn thân trong dịch thuốc có nhiệt độ trên 39oc.
- Phụ nữ đang hành kinh và người bị dị ứng với dịch thuốc thì không nên tắm thuốc.
- Trước và sau bữa ăn ít nhất 30 phút không nên tắm ngâm toàn thân.
- Trước khi ngủ không nên thực hành DDLP.
- Tránh tắm ngâm quá lâu, mùa đông cần đề phòng cảm lạnh.

Pha chế dung dịch thuốc tắm chữa một số bệnh

- Cảm mạo: Tang diệp 30g, cúc hoa 15g, chi tử sao đen 9g, độc hoạt 6g, thiên ma 6g, tần giao 4,5g. Các vị thuốc tán vụn, trộn với nước sắc bạc hà làm thành viên hoàn, khi dùng lấy một vài viên hoà tan trong 1.000 ml nước sôi rồi gội đầu. Hoặc dùng gừng tươi lượng vừa đủ, thái vụn, sắc lấy nước ngâm hai bàn chân.

- Cao huyết áp: Từ thạch, thạch quyết minh, đẳng sâm, hoàng cầm, đương quy, tang chi, chỉ xác, ô dược, mạn kinh tử, bạch tật lê, bạch thược, đỗ trọng sao, ngưu tất mỗi thứ 6g, độc hoạt 18g. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm chân trong 60 phút.

- Viêm khớp: Chế xuyên ô 10g, chế thảo ô 10g, tế tân 10g, ý dĩ 50g, đan bì 15g, xích thược 15g, dây đau xương 20g, nhũ hương 15g, một dược 15g, hồng hoa 15g, hoàng bá 15g, thương truật 15g. Nếu đau nhiều tăng liều chế xuyên ô, nếu chi thể co quắp thêm cam thảo, nếu sưng nóng đỏ nhiều tăng thêm bội hoàng bá, nếu chi dưới sưng nề thêm ngưu tất. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm rửa, nếu sưng nhiều hơn nóng thì xông hơi thuốc 15 phút rồi rửa nước thuốc và đắp bã lên chỗ đau, nếu nóng nhiều hơn sưng thì để nguội bớt dịch thuốc rồi ngâm chừng 20-30 phút. Mỗi ngày 1-2 lần, 20 ngày là một liệu trình.

- Vết thương viêm loét: Sà sàng tử 9g, thương truật 6g, đương quy 9g, hồng hoa 9g, kim ngân hoa 9g, xích thược 6g, liên kiều 9g, đan bì 3g, địa cốt bì 9g, trạch lan diệp 9g, uy linh tiên 6g, cam thảo 6g, nhũ hương 6g, một dược 6g, địa phu tử 9g, ngải diệp 6g, phòng phong 6g, bạch chỉ 9g, kinh giới tuệ 3g. Tất cả sắc kỹ lấy nước ngâm rửa vết thương, mỗi ngày 2 lần.

- Viêm mạn tính tiền liệt tuyến: Xuyên ô đầu, thảo ô đầu và tế tân mỗi thứ 20g, bạch chỉ, nhũ hương, một dược, tô mộc và tạo giác thích mỗi thứ 15g, ngải diệp và quế chi mỗi thứ 30g. Tất cả sắc với 3.000ml nước lấy 1.500ml rồi ngâm rửa phần âm bộ trong 20-30 phút, mỗi ngày 2 lần, mỗi thang dùng 2 lần, 3 thang là một liệu trình.

ThS. Xuân Mai, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Món ăn phòng chống động thai (24/06/2003)
Rò bàng quang và rò trực tràng - âm đạo (24/06/2003)
Bệnh lo âu (23/06/2003)
Sốt đỉnh núi (23/06/2003)
Nhận biết và xử lý nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh (20/06/2003)
Đau khớp háng, bị bệnh gì? (20/06/2003)
Stress làm giảm khả năng cương cứng của đàn ông (19/06/2003)
Chữa bệnh quai bị bằng y học cổ truyền (19/06/2003)
Xử trí khi bị dị ứng thực phẩm (19/06/2003)
Chữa hội chứng thắt lưng chậu (18/06/2003)
Các xét nghiệm bệnh cao huyết áp (18/06/2003)
Viêm xoang trán (18/06/2003)
Bệnh thuỷ đậu và cách xử trí (18/06/2003)
Làm thế nào để cai nghiện thuốc lá? (17/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang