Có những trẻ sơ sinh rất lâu rụng rốn, phần lớn do không được giữ vệ sinh bộ phận được coi là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể này. Bé cần được chăm sóc chu đáo: cặp, cắt dây rốn, băng rốn đúng quy định ngay sau khi chào đời; đặc biệt, được điều trị kịp thời khi rốn sưng mủ.
Viêm rốn có mủ
Khi trẻ bị viêm rốn có mủ, chân rốn sẽ bị tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt, chảy mủ vàng; rốn rất lâu rụng. Trẻ có thể sốt hoặc không sốt, nhưng quấy khóc và không chịu bú. Nếu viêm nhẹ thì hàng ngày phải thay băng, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Trong trường hợp rốn viêm nặng, trẻ sốt cao, bỏ bú, toàn trạng mệt mỏi, suy sụp..., phải đưa cháu đến viện điều trị ngay.
Viêm mạch máu rốn
Mạch máu rốn gồm có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Khi còn trong bụng mẹ, thai được nuôi dưỡng bởi tuần hoàn rau thai. Nhưng khi trẻ ra đời, tuần hoàn rau - thai chấm dứt, phổi bắt đầu hoạt động, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình xơ hóa thường kéo dài 6-8 tuần sau sinh; cũng có những trường hợp lâu hơn: 9-11 tuần. Nếu chăm sóc rốn không tốt, vi khuẩn có thể vào động mạch hoặc tĩnh mạch gây viêm mạch máu rốn.
Viêm động mạch rốn hay gặp hơn viêm tĩnh mạch bởi sau khi cắt rốn, máu trong động mạch tồn đọng lại và đó chính là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển. Còn tĩnh mạch, sau khi cắt rốn máu tĩnh mạch được hút về tim, tĩnh mạch xẹp, không có máu ứ đọng lại nên ít bị viêm hơn.
Biểu hiện viêm mạch máu rốn
- Tại chỗ: Nếu tĩnh mạch rốn bị viêm thì bệnh trạng nặng hơn, dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết, nhìn bụng thấy thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề. Nếu vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy.
Khi động mạch rốn bị viêm thì thành bụng phía dưới rốn phù nề, tấy đỏ. Vuốt thành bụng từ xương mu lên rốn sẽ thấy mủ chảy ra.
- Toàn thân: trẻ sốt, quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi.
Viêm mạch máu rốn (nhất là viêm tĩnh mạch rốn) cần được phát hiện sớm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị tích cực.
Phòng ngừa
Để đề phòng nhiễm khuẩn rốn, phụ nữ có thai cần đi khám định kỳ và đăng ký đẻ tại trạm y tế để được nữ hộ sinh chăm sóc và đỡ đẻ. Khi đỡ đẻ, người nữ hộ sinh phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ vô khuẩn phòng đẻ cũng như kỹ thuật đỡ đẻ như: có xà phòng, nước chín, bàn chải để rửa tay, dụng cụ đỡ đẻ phải được hấp luộc đúng quy trình. Khi cặp và cắt rốn phải sát khuẩn bằng cồn iốt... Sau khi sản phụ về nhà trong thời gian rốn trẻ chưa khô, cán bộ y tế cần theo dõi và chăm sóc tốt như tắm cho bé, thay băng rốn... Nếu không có điều kiện thì phải hướng dẫn cho người nhà biết cách chăm sóc cho đến khi rốn khô và liền sẹo.
Chú ý: Trong tuần đầu sơ sinh, cần tắm cho bé bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá đun sôi để nguội (để phòng nước không sạch vào rốn dễ gây nhiễm khuẩn), thay băng rốn hàng ngày sau khi tắm. Trường hợp băng rốn bị thấm nước tiểu, phân thì phải lập tức thay ngay. Chú ý áo, tã của trẻ phải giặt sạch bằng xà phòng và phơi nắng, nếu có điều kiện, là ủi trước khi dùng thì càng tốt.
BS.Nguyễn Thị Kiểm, Sức khoẻ & Đời sống
|