Thận trọng dùng thuốc khi học thi
09:21' 13/06/2003 (GMT+7)
Mùa thi, gia đình sĩ tử nào cũng mong con em có trí nhớ minh mẫn để thu nạp một lượng lớn kiến thức. Phụ huynh đua nhau tìm mua các loại thuốc có tác dụng chống mệt mỏi, buồn ngủ, tăng trí nhớ và ''bổ óc'' mà không biết, hầu hết những dược phẩm này đều gây nhiều tác dụng phụ.

Thuốc kích thích


- Amphetamin (tên biệt dược là Maxiton): Trước đây được học sinh, sinh viên ưa dùng (nếu không nói là lạm dụng) do có tác dụng kích thích mạnh lên hệ thần kinh trung ương, làm đỡ mệt mỏi, giúp tỉnh táo và trong giai đoạn nào đó tạo cảm giác "sáng suốt", không buồn ngủ.

Khi mới dùng, Amphetamin có vẻ tác dụng tốt, nhưng nếu sử dụng lâu dài thì tác hại rất lớn. Trước tiên, Amphetamin gây chán ăn, sụt cân, run tay, tim đập nhanh, hồi hộp. Sau đó, sẽ làm tăng huyết áp, nhức đầu, có thể gây mất ngủ, suy nhược tâm trí do rối loạn (một số người sau đó bị bệnh tâm thần). Đặc biệt, sau thời gian thuốc gây kích thích sẽ là giai đoạn chán nản, buồn bực không muốn sống (đã có bạn trẻ tự tử vì dùng thuốc).

Điều đáng nói hơn cả là Amphetamin có tác dụng gây nghiện giống như ma túy. Hiện nay thuốc rất ít được sử dụng, nhưng những dẫn chất của nó với tác dụng kích thích không buồn ngủ và gây chán ăn (được dùng làm thuốc giảm cân) vẫn còn lưu hành.

- Thuốc lắc: Là một hóa chất tổng hợp có tên đầy đủ là methylen dioxy methamphetamin, viết tắt MDMA (một dẫn chất Amphetamin); nước ngoài gọi là Ectasy, có nghĩa là ''trạng thái đê mê, ngây ngất, xuất thần''. Hiện nay loại thuốc lắc không chỉ bị lạm dụng ở các vũ trường mà còn có thể bị lạm dụng để thức học thi vì có tác dụng kích thích, chống buồn ngủ.

Cần lưu ý, thuốc lắc là thuốc gây nghiện (dùng nó rồi sẽ có lúc phải dùng đến ma túy) và gây tác hại trầm trọng cho hệ thần kinh. Nếu dùng thường xuyên và lâu ngày, có thể bị bệnh tâm thần, lo sợ vô cớ, trầm cảm, loạn thần kinh thực sự.

Trà đậm, cà phê

Uống cà phê, trà đậm thật ra không khác gì dùng thuốc, bởi các thức uống này có chứa cefein, là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương chống lại cơn buồn ngủ. Cafein đã được dùng làm thuốc trong một số biệt dược (như trước đây có thuốcAPC- chữ C chỉ cafein).

Khác với các dẫn chất Amphetamin đã được đề cập, có thể dùng cafein thông qua việc uống cà phê, trà đậm; tuy nhiên nên uống vào ban ngày, tránh ban đêm. Riêng học sinh, sinh viêm mùa thi không nên lạm dụng cà phê, trà đậm để thức theo kiểu thâu đêm suốt sáng trong thời gian dài. Nên biết buồn ngủ là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi; dùng cafein để tỉnh táo chỉ để đánh lừa cơ thể, bắt cơ thể hoạt động quá sức. Sau giai đoạn dùng chất kích thích, cơ thể còn mỏi mệt, suy sụp nhiều hơn, không đủ sức tập trung để nhớ những gì đã học.

Một số trường hợp dùng thuốc đặc biệt cần tránh

Do thiếu hiểu biết, một số học sinh ở một trường bán công đã dùng thuốc Seduxen để học thi vì nghe bạn bè nói thuốc giúp tỉnh táo, mau thuộc bài. Không riêng Seduxen mà một số loại thuốc khác như Séconal (tiếng lóng gọi là ''sì cọt''), Imménoctal (I mê''), Rohypnol ("rô cam'', ''rô hồng'') là các loại thuốc ngủ, thuốc an thần và gây nghiện cũng được một số học sinh, sinh viên lạm dụng với mục đích có được sự hưng phấn, sáng suốt để học thi.

Đây là các thuốc gây nghiện, nếu dùng sai mục đích sẽ rất tai hại, không bao giờ tạo được sự tập trung, sáng suốt để học hành tốt trong các kỳ thi.

Có thuốc giúp ''bổ óc'' và tăng cường trí nhớ không?

Trước đây có Cerrotonic, gần đây là Glutaminol, Glutaminol B6, Pho-L... được nhiều phụ huynh tìm kiếm và gán cho các tác dụng bổ óc, tăng cường trí nhớ... Tuy nhiên, chính nhà sản xuất các thuốc này lại công bố:''... Thuốc chỉ có công dụng dùng trong chứng suy nhược chức năng những không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể''. Tức là chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo được trí thông minh, hay như nhiều người nói nôm na là ''bổ óc" cả.

Một số loại thuốc như Citicholin, Piracetam, Glyceryl phosphorylcholin, Ginkgo biloba được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi chứ không có tác dụng hỗ trợ học thi.

Làm gì để học và thi tốt?


Học sinh, sinh viên nên chọn phương pháp học và ôn tập để vẫn đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Tránh lối học ''nước tới chân mới nhảy'', học dồn, học nén... Bên cạnh đó, cần chú ý ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Nếu sợ thiếu hụt, vẫn có thể dùng hỗ trợ các loại thuốc bổ cung cấp vitamin và chất khoáng, như thuốc loại đa sinh tố (multivitamin) ngày 1 viên.

Nên nhớ, đây không phải là yếu tố quyết định và multivitamin cũng phải được dùng với sự thận trọng như các loại dược phẩm khác.

TS - DS. Nguyễn Hữu Đức, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tại sao nhiều phụ nữ không còn ham muốn? (12/06/2003)
Chữa cận thị bằng phương pháp Lasik (12/06/2003)
Khắc phục thoát vị nghẹt (12/06/2003)
Xử lý mụn rộp (12/06/2003)
Chăm sóc người suy thận mạn (12/06/2003)
Có nên dùng thực phẩm biến đổi gene? (11/06/2003)
Tìm hiểu bệnh viêm gan siêu vi B (10/06/2003)
Chứng... khát nước (10/06/2003)
Thuốc gì cho trẻ táo bón? (10/06/2003)
8 loại thuốc không nên dùng cho trẻ em (10/06/2003)
3 món canh giải nhiệt mùa hè (09/06/2003)
10 yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ trẻ em (09/06/2003)
Điều trị các bệnh nhiễm trùng da thường gặp (09/06/2003)
Hạ đường máu (09/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang