Điều trị các bệnh nhiễm trùng da thường gặp
11:18' 09/06/2003 (GMT+7)

Vào mùa nắng hoặc khi mới chuyển sang mùa mưa, trời nóng ẩm, vi trùng gây bệnh hoạt động mạnh, chỉ nhiễm trùng một vết xước cũng có thể làm mọc những mụn nước, mụn mủ. Nếu không biết cách giữ vệ sinh và điều trị đúng cách, bạn sẽ không chỉ khổ sở vì những vết loét đau đớn và khó coi trên da mà còn có thể mắc nhiều biến chứng khó lường.

 

Chốc lây

Là những mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ chung quanh. Mụn nước nhanh chóng trở thành mụn mủ, rồi vỡ và khô đi, đóng vảy vàng có viền mủ trên bất cứ vùng da nào (thường ở phần hở, không có quần áo che). Bệnh rất dễ lây, không miễn dịch, do vi khuẩn Streptococus pyogenes hay Staphylococcus aureus (đôi khi phối hợp cả hai loại vi khuẩn) gây ra và thường gặp ở trẻ em; nhất là những cháu thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng.

Biến chứng do viêm nhiễm S. pyogenes là viêm cầu thận cấp, một bệnh trầm trọng, nếu không điều trị đúng và kịp thời, có thể dẫn tới suy thận; thời gian mắc vào khoảng 3 tuần sau khi nhiễm.

Hội chứng da phỏng là biến chứng do nhiễm S.aurcus, hay gặp ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, xảy ra khoảng 3 ngày sau khi nhiễm trùng tại chỗ.

Chốc bóng nước


Thường xảy ra ở hai chân, nhất là phần cẳng chân và lưng bàn chân. Bệnh bắt đầu với những mụn nước, mụn mủ, rồi thương tổn lớn và đóng vảy dày. Khi gỡ vảy sẽ thấy một vết loét hình đĩa, đáy màu đỏ, bờ nhô cao. Loét lành sau vài tuần, để lại sẹo loạn sắc tố.

Tác nhân gây bệnh là S. pyogenes; chấn thương, vệ sinh và dinh dưỡng kém là những yếu tố thuận lợi. Đôi khi bệnh diễn tiến thành hoại thư do sức đề kháng thấp và bội nhiễm vi khuẩn khác; hoặc trở thành vết loét cẳng chân mạn tính.

Viêm kẽ

Bệnh thường gặp vào mùa nóng ẩm, ở những người béo phì và trẻ còn bú. Thương tổn là hồng ban, có thể nứt lở, rỉ dịch mủ với triệu chứng rát bỏng, ngứa. Thường gặp ở những nếp da dính vào nhau như nếp cổ, vùng sau tai, nếp khuỷu, kẽ ngón tay, nếp dưới vú, nếp bẹn, quanh hậu môn, nếp giữa hai mông, khoeo chân, nếp kẽ ngón chân.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là Streptococcus, Staphylococcus, Pseudomonas hay Corynebateria và sự cọ xát, nóng và ẩm ướt.

Viêm nang lông

Là những mụn mủ, sẩn hoặc sẩn- mụn mủ ở nang lông, chung quanh có quầng viêm đỏ và có thể thấy sợi lông ở giữa. Các vị trí thường gặp là da đầu, mặt, nách, vùng mu và mặt duỗi chân tay, thường có ngứa và hay tái phát. Thường do S. aureus.

Nhọt

Là viêm sâu quanh nang lông, bắt đầu bằng một cục sưng, cứng, đau, sờ nóng; sau vài ngày thường dẫn đến nung mủ với ngòi màu vàng và hoại tử ở trung tâm.

 - Nhọt cụm: Tập trung nhiều nhọt, có mủ bên dưới nhưng các ngòi vẫn riêng rẽ. Nhọt cụm thường ở gáy và lưng. Nhọt ở mũi và môi trên có thể gây bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn ác tính, đưa đến tắc nghẽn tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não rất nguy hiểm.
- Nhọt tái phát: Thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường hay suy giảm miễn dịch, thường do các ổ vi khuẩn ở da và niêm mạc như mũi, các nếp nách, háng. Chấn thương, nghiện rượu, suy dinh dưỡng là những yếu tố thuận lợi cho bệnh xảy ra. Nhọt có thể gặp ở bất cứ nơi nào, nhưng thường ở da đầu, mặt, cổ và mông.

 Điều trị nhiễm trùng da


Chăm sóc tại chỗ:

- Ngâm rửa hoặc đắp ướt thương tổn da bằng thuốc tím pha loãng 1/10.000. Khi vảy mềm, gỡ ra, rửa sạch mủ đọng bên dưới, lau khô, rồi chấm dung dịch Milian hoặc thoa thuốc mỡ kháng sinh.
- Đối với bệnh nhân viêm kẽ: Tránh ngâm lâu tay chân trong nước, nhất là nước bẩn. Giữ các kẽ chân, kẽ tay, các nếp da luôn khô ráo. Có thể đặt gạc khô tại chỗ.
- Đối với nhọt: Không nặn hoặc rạch sớm. Khi nhọt đã làm mủ, khu trú và mềm thì cần rạch để tháo mủ ra, rửa sạch và nặn.

Cùng với các động tác chăm sóc tại chỗ, cần dùng kháng sinh theo đúng y lệnh của bác sĩ để trị các bệnh nhiễm trùng da.

Phòng nhiễm trùng da

Cần giữ vệ sinh da sạch sẽ, tránh chấn thương (va chạm, đụng dập), ăn uống đầy đủ chất đạm và rau xanh, trái cây, tăng cường vitamin A và C, tránh ăn nhiều chất béo, chất ngọt, bánh kẹo, chocolate...

Khi da mới bị trầy xước. nhiễm trùng: cần rửa sạch, bôi thuốc sát trùng lên. Nếu sau vài ngày không khỏi, cần đi khám để được điều trị đúng cách.

BS.Cẩm Tiên, Thuốc & Sức khoẻ
 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hạ đường máu (09/06/2003)
Sinh hoạt tình dục khi mang thai (07/06/2003)
Những biện pháp ngừa thai mới dành cho nữ (06/06/2003)
Dậy thì sớm (06/06/2003)
Người bị bệnh da kiêng ăn gì? (06/06/2003)
Ăn gì để tăng sức đề kháng? (05/06/2003)
Dậy thì sớm (05/06/2003)
Xử lý nang trong xương thiếu niên (05/06/2003)
Lưu ý khi dùng aminazin cho người loạn thần kinh (05/06/2003)
Ai nên dùng thuốc bôi trơn? (05/06/2003)
Phân biệt bệnh trĩ với sa trực tràng (04/06/2003)
Chữa đau thắt ngực vì cao huyết áp (03/06/2003)
Trẻ 1-3 tuổi ăn gì? (03/06/2003)
Chảy máu đường tiêu hoá (03/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang