Chuyện bí ẩn từ một xã... sinh đôi
10:52' 20/11/2003 (GMT+7)
 
 

(VietNamNet) - Xã Hưng Lộc (Thống Nhất - Đồng Nai) bỗng được cả nước biết tiếng vì các cô gái trong vùng thay nhau sinh đôi. Hiện tượng không bình thường này do đâu?

Cặp song sinh trẻ nhất hiện nay.

Theo thống kê của xã Hưng Lộc trong số 67 cặp sinh đôi ở xã, thì ấp Hưng Hiệp chiếm tới 30  cặp. Còn cụ Phong (81 tuổi), người đã sống ở đất này 70 năm nay lại cho rằng, con số 67 cặp sinh đôi là không chính xác, vì có những cô gái mang thai nhưng bị xảy, cũng có những cặp vợ chồng có thai đôi nhưng đưa nhau đi sinh sống nơi khác...

Song chuyện không chỉ có thế. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương - những người thuộc diện “hẻo con” - đua nhau tới xã này để tìm một “cơ may”. Chị Nguyễn Thị Hồng, tác giả của hai cháu sinh đôi Nguyễn Hành Phi và Nguyễn Anh Phi  (7 tuổi) nói: "Có dạo ở xã, khách nườm nượp đến thăm. Họ khai thác đủ chuyện để tìm bí quyết, kể cả chuyện chăn gối phòng the. Họ hỏi tôi có mánh khóe gì trong chuyện ấy không. Mà mánh khóe gì đâu chú ơi! Người ta sống sao thì tui sống vậy, chứ có gì lạ? Còn chuyện ăn uống thì đây là vùng quê còn nghèo khó, chỉ cần gạo, bắp, đậu... là đủ no rồi”.

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Minh Mai - Nguyễn Minh Hùng cũng lấy vợ là hai chị em sinh đôi.

Cũng giống như bao vùng quê khác, khí hậu  vùng đất Hưng Lộc chẳng có gì đặc biệt, ngoài việc :mưa  thuận  gió hòa... Dân cư chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, trồng cà phê, cây ăn trái… Nhưng xa xưa nơi đây là rừng hoang, có nhiều thú dữ. Năm 1930, một làn sóng di dân từ  Thủy Ba, Tri Bưu... (Quảng Trị) đã tới để phá rừng lập nghiệp. Họ thường ăn thức ăn mặn và cay. Bữa cơm bao giờ cũng phải kèm theo mấy trái ớt hiểm cay đến xé miệng. Lẽ nào những đứa trẻ song sinh lại được ra đời nhờ những "thực đơn" đặc biệt  ấy?

Chị Thanh Hiền, người bán nước mía trên đường quốc lộ thuộc đoạn Hưng Lộc kể lại: “Người ta còn kháo nhau rằng, chính nguồn nước trong trẻo, mát lạnh ở đây đã giúp cho những đứa trẻ song sinh ra đời. Thế là người người ở mãi đâu xa lắc xa lơ như Hà Nội, Bắc Thái... cũng bỏ công đến đây, chất đầy các can nước trên xe tải mang về. Họ nói, nếu “hiệu quả tức thì”, họ sẽ quay lại tạ ơn, mở tiệc ăn mừng suốt ngày đêm. Nhưng có điều sau đó chẳng thấy ai quay lại cả!”. Trong khi ấy, anh La Hối - người đầu tiên thông tin về hiện tượng sinh đôi tại xã cho các cơ quan báo chí trong cả nước thì khẳng định rằng, cặp vợ chồng Việt kiều ở Pháp sau khi về đây sống 2 tháng thì người vợ đã có thai... sinh đôi! Đó là trường hợp duy nhất đạt được kết quả như mong muốn.

 
Cặp sinh đôi con của chị Hồng bên giếng "thần" được nhiều người lấy nước. 
 

Anh La Hối mời chúng tôi một ly nước lấy từ cái giếng mà mọi người vẫn tới xin  mang về. Thú thật, nước ngọt và mát lạnh như trong những chai nước suối ướp lạnh.  Giếng nước ở đây không sâu lắm, trung bình từ 15 đến 18 mét, đáy giếng là sỏi quyện với đất đỏ Bazan. Hôm  chúng tôi có mặt, cũng có nhiều vị khách mê nguồn nước này mà xin trọ lại để được uống nước... thần! Ông Phan Hữu Tuyến ở tận Vĩnh Long, khi nghe tin Hưng Lộc  có nước thần, đã cùng vợ bỏ ngang công việc, tức tốc đến trọ tại nhà người dân trong xã.

Tuy nhiên, cũng theo anh La Hối, có nhiều gia đình kể từ khi có con sinh đôi lại gặp phải đời sống hết sức khó khăn do không nuôi nổi con và đành phải dời nhà đi xứ khác sinh sống. Ví như hai vợ chồng ở cạnh nhà anh đã bán hết nhà cửa và bỏ đi làm thuê xứ người, sau khi sinh ba đứa con trai cùng một lúc. Tam - Thiên - Phú là tên ba đứa trẻ, nhưng sau đó Phú bị bệnh mất, còn lại Tam và Thiên. Có lẽ vì vậy mà khi tôi hỏi những bà mẹ ở Hưng Lộc có mừng khi sinh đôi không, thì hầu hết đều tỏ ý chẳng lấy gì làm vui. Và họ mong muốn các nhà khoa học sớm có những công trình nghiên cứu khoa học, tìm ra nguyên nhân để giúp họ bớt khổ khi phải sinh con hết sức... ngoài ý muốn  này?

Hai chị em sinh đôi già nhất bảy Nga và tám Hiền.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), người từng tổ chức nhiều đợt khám bệnh phát thuốc cho dân  Hưng Lộc cho biết, đến nay vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân nào khiến phụ nữ vùng này sinh đôi nhiều đến thế. Bà nhớ lại, có lần bà đã  khám cho một bà mẹ mang thai đôi, sau đó tiếp tục khám cho người con gái bà ấy cũng mang thai đôi. Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng, sinh đôi có yếu tố di truyền từ mẹ sang con, từ những người cùng huyết thống với nhau... Và cái gốc của nó là do phụ nữ vùng này có tỷ lệ đa nang buồng trứng rất cao. So với thế giới, tỷ lệ chị em sinh đôi tại bệnh viện Từ Dũ đang tăng hàng năm. Bà Phượng còn cho biết, bệnh viện đã hướng dẫn cho sinh viên y khoa để nghiên cứu hiện tượng lạ lùng trên.

  • Trương Hiệu
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
6 tỷ đồng cho chương trình dinh dưỡng mầm non (19/11/2003)
Dùng thuốc sai, trẻ bị tai biến gì? (19/11/2003)
Phòng trị chảy máu cam bằng thuốc Đông y (19/11/2003)
30% mẫu nước uống trường học không bảo đảm vệ sinh (18/11/2003)
Phụ nữ dùng estrogen thế nào cho an toàn? (18/11/2003)
Di tinh và di niệu (18/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (18/11/2003)
Sẵn sàng thực phẩm cho SEA Games 22 (17/11/2003)
Hội chứng buồn chân và cách chữa trị (17/11/2003)
Để có đêm tân hôn tuyệt diệu (17/11/2003)
Thuốc phiện và béo phì - kẻ thù của khả năng sinh sản (17/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (16/11/2003)
Phòng chữa bệnh ung thư da (16/11/2003)
Đồng tính luyến ái, do khiếm khuyết thể chất hay tinh thần? (15/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang