Trẻ có thể bị vẩu hàm nếu nhổ răng sữa quá muộn, bị lệch khớp nhai nếu nhổ quá sớm. Răng trưởng thành của trẻ cùng có thể mọc sai chỗ, chen lấn nhau nếu răng sữa không được chăm sóc đúng cách. Chế độ ăn uống của người mẹ ảnh hưởng đến răng con ngay khi các cháu còn trong bào thai.
|
Răng vĩnh viễn hô có thể do nhổ răng sữa quá muộn. | Lịch mọc răng
Một cháu bé bình thường, phát triển đầy đủ thì răng sẽ mọc theo trình tự sau:
- 5-6 tháng mọc 2 răng cửa dưới, số 1. - 6-7 tháng mọc 2 răng cửa trên số 1. - 7-8 tháng mọc 4 răng cửa số 2. - 8-9 tháng mọc 4 răng nanh. - 9-10 tháng mọc 4 răng hàm số 4. - 10-12 tháng mọc 4 răng hàm số 5.
Khi mọc răng, trẻ có thể bị đi tướt, sốt. Cần được theo dõi kỹ càng. Sau khi trẻ bú cần có gạc sạch để lau miệng bằng nước ấm.
Khi trẻ tròn 30 tháng thì trong miệng đã đầy đủ 20 răng sữa: Hàm trên có 10 răng. Hàm dưới có 10 răng.
Bộ răng vĩnh viễn mọc bắt đầu từ 5-6 tuổi đến 12 tuổi. Riêng 4 răng số 8 mọc từ năm 18 đến 25 tuổi. Thông thường, đa số răng vĩnh viễn được hình thành bên dưới răng sữa. Khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ đẩy vào các chân răng sữa làm cho các chân răng sữa bị tiêu dần dần, cuối cùng bị lung lay và rụng, nhường vị trí cho các răng vĩnh viễn mọc, thế chỗ vị trí răng sữa tương ứng. Thời gian mọc răng vĩnh viễn chính là thời gian rụng của răng sữa.
Chăm sóc & bảo vệ răng sữa
Theo những tài liệu về tổ chức học bào thai, các mầm răng sữa và mầm răng vĩnh viễn đã được hình thành trong thai nhi vào tuần lễ thứ 8. Do vậy chế độ ăn uống của người mẹ phải có nhiều chất canxi, chất khoáng... để tạo nên xương và răng của thai nhi. Nên dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau, những thực phẩm tươi sống, sạch giúp cho cơ thể, răng và lợi vững chắc, khỏe mạnh.
Bộ răng sữa gồm 20 chiếc được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ là chính. Do vậy, khi cho trẻ bú người mẹ phải lưu ý ăn nhiều hoa quả, các chất có nhiều canxi, khoáng chất để giúp cho trẻ nhanh mọc răng và có bộ răng sữa vững vàng.
Không nên nhổ răng sữa quá sớm mà cần phải chờ đến đúng thời kỳ rụng của răng sữa và mọc răng vĩnh viễn. Nhưng cũng không nên nhổ răng sữa quá muộn vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm, dễ dẫn tới những kết quả xấu về thẩm mỹ, làm cho khuôn mặt bị lệch lạc do lép quá (do nhổ răng sữa quá sớm) hoặc vẩu hàm, hay khớp cắn răng bị ngược (nghĩa là răng cửa trên thông thường phủ lên răng cửa dưới là 5mm).
Ngoài ra, nhổ răng sữa quá sớm còn gây ra những lệch lạc cho các răng vĩnh viễn làm cho khớp nhai không cắn khớp, tiến tới nhai nghiền thức ăn không tốt, ảnh hưởng tới dạ dày, đến chức năng tiêu hóa.
Trong khoảng thời gian từ lúc mọc răng sữa đến khi rụng răng sữa và xuất hiện các răng vĩnh viễn, cần quan tâm chăm sóc răng.
Các bà mẹ làm sạch răng cho con bằng cách dùng bàn chải mềm (hay vải sạch) nhẹ nhàng, nhưng nhanh nhẹn chải hay lau sạch răng cho trẻ. Ban đầu trẻ khóc nhưng dần trẻ sẽ thích thú khi được chải răng và cộng tác một cách tự nguyện. Nếu cần thiết có thể lấy tăm gẩy những thức ăn thừa còn giắt lại không chịu rơi ra sau khi chải.
Mỗi lần chải răng trước khi đi ngủ, hoặc sau khi ăn, cha mẹ cần để các cháu đứng cạnh quan sát và giải thích cho trẻ về tác dụng của việc chải răng để trẻ thấy thích thú và tự nguyện làm. Không nên cho trẻ ăn nhiều quà vặt, kẹo bánh có nhiều đường vào buổi tối.
Các bà mẹ thường nghĩ răng sữa không quan trọng vì nó sẽ rụng, và được thay thế nên lơ là, hoặc không chăm sóc. Ðây là một suy nghĩ chưa đúng vì dưới răng sữa có mầm răng vĩnh viễn phát triển liên tục và mọc ra khi răng sữa rụng. Nếu răng sữa không được chú ý chăm sóc sẽ dẫn đến các răng vĩnh viễn bị ảnh hưởng, có thể mọc không đúng chỗ, chen lấn nhau.
Ở vào khoảng từ 6-11 tuổi, trẻ cần có những răng sữa tốt, nhất là răng hàm sữa để hướng dẫn cho răng hàm vĩnh viễn số 6 mọc đúng vị trí.
Nếu răng sữa bị sâu, cần đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để khám và điều trị sớm. Có một hàm răng chắc, khỏe trẻ sẽ ăn uống và phát triển toàn thân tốt.
BS. Khuất Duy Quốc, Sức khoẻ & Đời sống
|