Cảnh giác với Hội chứng ngôi nhà bệnh
16:25' 20/10/2003 (GMT+7)

Ngứa ngáy, thậm chí lên cơn hen suyễn do dị ứng với nhiều đồ vật, hoá chất, mùi vị... trong chính ngôi nhà của mình. Ngày càng nhiều người mắc Hội chứng căn nhà bệnh mà không biết môi trường làm việc máy lạnh, không gian sống chật chội chính là thủ phạm dẫn đường cho các chất độc hại xâm nhập cơ thể.

Ngứa ngáy, khó thở ngay chính trong căn nhà mình- một trong nhiều triệu chứng của Hội chứng căn nhà bệnh.


Từ một thập kỷ trở lại đây, người ta ngày càng đề cập nhiều đến Hội chứng ngôi nhà bệnh (Sick house syndrome), một tập hợp các vấn đề sức khỏe liên quan đến những hóa chất dùng trong xây dựng và sinh hoạt thường ngày.

Một ghi nhận ở Nhật Bản cho thấy kể từ năm 1995 đến nay cứ 10 người dân nước này thì có 1 người mắc Hội chứng ngôi nhà bệnh (HCNNB). Còn theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 30% cao ốc trên thế giới ít nhiều có thể gây ra HCNNB, vì thế có người còn gọi đây là Hội chứng cao ốc gây bệnh (sick building syndrome).

Tại Pháp, một khảo sát vào năm 2001 trên 90 căn hộ và 9 trường học ở vùng Aix-Marseille, Strassbourg và Nord-Pas-de-Calais cho thấy chất lượng không khí của phần lớn nơi này ở mức lo ngại và có thể dẫn đến HCNNB.

Triệu chứng

Người mắc HCNNB có các triệu chứng đa dạng với những mức độ khác nhau. Triệu chứng nhẹ gồm: ngứa ngáy, cay mắt, nhức đầu, mỏi mệt. Nặng hơn thì có tổn thương dị ứng ngoài da, hen suyễn, bệnh tai mũi họng, viêm phổi, bệnh nấm aspergilose, thậm chí là... ung thư! Tác nhân gây bệnh ở đây có rất nhiều.

TS-BS Lê Tiến Dũng- Trưởng Khoa Hô hấp BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, ở văn phòng làm việc thì thủ phạm gây nên HCCNB chính là chiếc máy điều hòa nhiệt độ; đây là nguồn phát tán các vi khuẩn, nấm mốc. Ở nhà là những chất dùng để tẩy rửa, vệ sinh, nước sơn, keo dán, tấm cách nhiệt, khói thuốc lá, khói bếp... Tác nhân cũng có thể là các mùi: mùi ''nhà mới'', mùi xào nấu với dầu, thậm chí là mùi nước hoa, nước xịt phòng.

Theo TS-BS Lê Tiến Dũng, trong hoàn cảnh nóng bức với độ ẩm cao như Việt Nam, cũng nên lưu ý đến nấm mốc. Nấm có mặt ở những bề mặt ẩm ướt như: tường phòng tắm, trần nhà cũ, thảm trải sàn, những vật dụng rỗng, sau đó bay vào không khí hay nước. Khi tiếp xúc với không khí hoặc các loại nước này, bạn có thể bị viêm phổi, viêm tai giữa, lên cơn hen suyễn...

Hiệu ứng nhà kính cũng gây HCNNB

Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng nắng xuyên vào nhà qua ô cửa kính làm cho nhiệt độ bên trong nóng lên. Nếu nhà không thông thoáng, người sống trong đó dễ bị mỏi mệt, sức khỏe giảm sút. Ngoài ra, nhiệt độ cao còn làm cho mọi đồ vật trong nhà nóng lên, làm bốc hơi những độc chất, gây ra sự ô nhiễm nội tại. Cũng cần lưu ý đến hiệu ứng tường gạch và bê tông khi nhà cửa được xây sát nhau, làm cái nóng dội từ nhà này sang nhà kia.

Để giải quyết, người ta đề nghị trần nhà phải xây đủ độ cao cần thiết, diện tích cửa sổ bằng 1/3 diện tích bề mặt tường bao quanh. Ngoài ra, chủ nhân cần bảo trì, chăm sóc ngôi nhà của mình thường xuyên, đừng để nhà xuống cấp trầm trọng rồi mới xoay trở.

9 kẻ thù giấu mặt trong nhà


Thủ phạm gây ra HCNNB, theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Sương- nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, là những vật chất có hại lơ lửng trong không khí. Khi không gian sống và làm việc bị bít kín, thiếu thông thoáng, các tác nhân này sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và gây bệnh. Các tác nhân đó là:

- Nấm aspergilus: Có thể gây viêm phổi, viêm xoang, dị ứng da. Bệnh khó trị, thường gặp ở những người suy yếu miễn dịch (sử dụng corticoides, ghép tạng, nhiễm HIV...).

- Khí polytetrafluorethylene: Được phóng thích khi những vật chất có bề mặt trơn láng như teflon bị đun nóng ở nhiệt độ quá cao. Gây độc trên hệ hô hấp.

- Khói thuốc lá: Có thể gây ra bệnh mãn tính trên mắt, da và đường thở.

- Chất tẩy rửa để lau chùi kệ, bếp, bát đĩa: Những chất này có thể chứa các chất bay hơi như: amoniac, chlorine gây kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi gây ra nhiễm trùng hay nhiễm nấm thứ phát. Có thể kể thêm các chất bay hơi như: nước hoa, chất khử mùi, chất làm sạch. Chúng gây ra những vấn đề về hô hấp do phóng thích fluorocarbons và những hạt nhỏ li ti trong không khí.

- Hơi formaldehyde: Phóng thích từ các loại keo dán, mút cách nhiệt, chất diệt côn trùng, sơn vẽ, mỹ phẩm... gây ra những hậu quả độc hại trên hệ hô hấp, mắt, da. WHO đã xếp formaldehyde cùng trichloethylene (có trong verni, keo dán, sơn vẽ...), benzene (có trong khói thuốc lá, sản phẩm trang trí, xây dựng...), tetrachlolethy lene (có trong sản phẩm tẩy khô quần áo, thảm lát sàn...) vào nhóm gây ung thư.

- Carbon monoxide: Khí không màu, không mùi, không vị được tạo ra từ các lò sưởi, gây tổn hại sự vận chuyển ôxy của tế bào máu và ảnh hưởng lên tim.

- Các sản phẩm của sự đốt cháy: Phóng thích trong quá trình đun nấu thức ăn như: khí tự nhiên, propane, dầu hôi, than đá và kerosene gây kích ứng hô hấp và có thể sinh ung thư.

- Paradichlorobenzene: Có trong chất diệt côn trùng, chất khử khuẩn phòng tắm, chất khử mùi..., gây ung thư trên động vật nghiên cứu.

- Amiante: Có trong những sản phẩm cách nhiệt, được nhận diện là tác nhân gây ung thư phổi. Theo một nghiên cứu mới đây tại 6 quốc gia châu Âu, số người chết vì ung thư phổi do amiante sẽ tăng gấp đôi từ năm 1998 đến 2018, nghĩa là từ 5.000 lên 9.000 ca mỗi năm.

8 bí quyết phòng tránh HCNNB

- Thay tấm lọc máy điều hòa thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần. Chùi rửa thường xuyên máy hút ẩm, máy điều hòa, tủ lạnh để tránh nấm mốc.
- Chạy máy hút mỗi khi tắm để loại trừ nấm mốc. Giữ vệ sinh máng xối để tránh mốc lan vào nhà.
- Không hút thuốc lá trong phòng, đặc biệt khi có trẻ em và người lớn tuổi. Phòng ngủ phải giữ thật sạch sẽ, thông thoáng.
- Phơi kỹ ngoài nắng quần áo giặt, thảm, drap... trước khi mang vào phòng. Giặt rửa drap, mền, gối bằng nước nóng để tránh mạt bụi.
- Lau chùi sạch lò bếp và những nơi có nguồn nhiệt.
- Cất giữ những hóa chất nguy hiểm như thuốc trừ sâu, nước sơn, keo dán... ở một nơi riêng biệt thay vì để lăn lóc trong nhà.
- Nếu để xe ở trong nhà, không nên khởi động xe khi cửa nhà xe đóng kín hoặc để xe chạy không tải trong nhà xe.
- Có thể ''thanh lọc'' không khí trong nhà bằng một số cây như: dây thường xuân (lierre), cúc, cây ráy leo (pothos). Nếu muốn điểm xuyết trong nhà bằng thực vật, nên chọn xương rồng vì loại này ít cần nước, như thế nấm mốc không thể phát triển.

GS. Eiichi tamiya và sinh viên Koji Kawamura (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) đã chế tạo thành công một thiết bị cho phép phát hiện formaldehyde, một trong những thủ phạm gây HCNNB. Thiết bị có kích thước 10x20cm, đo chính xác nồng độ formaldehyde trong 3 phút.

 

(Theo NLĐ)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tập thể dục sau chuyến bay dài ngày (20/10/2003)
Chăm sóc và điều trị gãy xương cho người cao tuổi (20/10/2003)
Người bệnh thận nên ăn gì? (18/10/2003)
Tránh thuốc gì khi mang thai? (18/10/2003)
Có thể chữa ung thư xương bằng thuốc nam? (17/10/2003)
Đan sâm trị bệnh gì? (17/10/2003)
Chữa giời leo bằng Ðông y (17/10/2003)
Trẻ sơ sinh có thể ốm vì phòng ngủ (17/10/2003)
Khối u cạnh tinh hoàn (16/10/2003)
Chồng hút thuốc khi vợ có thai (16/10/2003)
Phát hiện và xử trí biến dạng bàn chân trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (16/10/2003)
Bệnh nấm da hay viêm da thần kinh? (15/10/2003)
Thuốc quý từ lộc nhung (15/10/2003)
Đau xương, khớp kêu khi vận động (15/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang