Xử lý dị vật đường thở
14:49' 14/10/2003 (GMT+7)

Chỉ một hột trái cây, một mảnh nhựa đồ chơi... lọt vào họng, mũi cũng có thể bít kín đường thở, khiến nạn nhân ngưng thở và tử vong nhanh chóng. Để tai nạn này không xảy ra (nhất là với trẻ em), cần biết cách xử trí nhanh và đúng khi xảy ra sự cố.

Một số khái niệm

Ðường thở:

Ðường thở bao gồm: Mũi, họng thuộc về đường hô hấp trên; Thanh quản, khí quản, phế quản thuộc về đường hô hấp dưới.
- Thanh quản là cơ quan phát âm, cũng là ngõ vào đầu tiên của đường hô hấp dưới, bắt đầu bằng một khe hở giữa hai dây thanh.
- Thượng thanh môn: là tầng hô hấp ở trên hai dây thanh.
- Hạ thanh môn: là tầng hô hấp nằm dưới hai dây thanh.

Dị vật:

Dị vật là những vật không thuộc cơ thể, có thể là: thực vật, động vật, kim loại, nhựa, hóa chất, chất lỏng...

Vị trí của dị vật:

- Dị vật to thường mắc ở thượng thanh môn, như hột chôm chôm.
- Dị vật nhỏ hơn có thể bị kẹt ở thanh môn, như xương cá.
- Dị vật có thể đi xuống dưới thanh môn, khí quản hay phế quản.
- Dị vật có thể ở im trong khí quản hay phế quản như hột mãng cầu; di động lên xuống theo nhịp thở như hột dưa; ghim vào thành khí phế quản như lưỡi câu, kim gút.

Mức độ nguy hiểm khi bị dị vật đường thở:

- Nhẹ: ho sặc tím tái, viêm phổi.  
- Nặng: tử vong.

Chẩn đoán

Bệnh nhân khi bị dị vật lọt vào đường thở thường có các hội chứng sau:

- Hội chứng xâm nhập: Trẻ đang ăn, đang chơi tự nhiên bị ho sặc, khó thở, tím tái; nên nghĩ ngay đến dị vật lọt vào đường thở.
- Khó thở thanh quản: Thở hước, thở rít, bệnh nhi ráng sức hít vào, bứt rứt, vật vã nếu đường thở bị bít tắc.
- Nếu dị vật không gây các triệu chứng trên, hoặc có nhưng thoáng qua, có thể chúng ta sẽ bỏ qua khiến sau đó (có khi đến vài tháng) bệnh nhân bị viêm phổi tái phát. Ở Việt Nam từng có trường hợp một hột hồng xiêm nằm trong phổi bệnh nhân đến 9 tháng.
- Khám phổi với ống nghe có thể phát hiện tiếng thở rít do đường thở bị hẹp hay một số triệu chứng của viêm phổi, khí thũng phổi, hoặc dấu cờ bay lật phật do dị vật di chuyển theo nhịp thở.
- X-quang phổi có thể thấy được dị vật nếu là dị vật cản quang, còn không thì chỉ thấy một số dấu hiệu gián tiếp như viêm phổi, khí thũng phổi hay xẹp phổi.
- Nội soi vừa giúp xác định chẩn đoán vừa gắp được dị vật.

Xử trí

- Nếu dị vật là chất lỏng: Thường bệnh nhân khó thở là do phản xạ co thắt thanh môn. Ðể cấp cứu cho trẻ, đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn ra rồi thở trở lại. Nếu trẻ vẫn không thở được ta phải hà hơi thổi ngạt, nếu có ngưng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Tại những nơi có đầy đủ phương tiện (bệnh viện), bác sĩ có thể úp mặt nạ bóp bóng giúp thở hoặc đặt nội khí quản, sau đó soi hút chất lỏng ra khỏi phổi.

- Nếu dị vật là vật cứng: Trường hợp bệnh nhân không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra, nếu có sẽ tiến hành soi gắp dị vật. Khi bệnh nhân có khó thở tím tái, cũng xử trí giống như khi bị sặc chất lỏng. Nếu bệnh nhân là trẻ lớn hay người lớn thì làm nghiệm pháp Heimlic (để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm có thể tống dị vật ra). Nếu không kết quả phải tìm cách đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để soi gắp dị vật.

Nếu bệnh nhân lờ đờ, vật vã, ta phải thọc tay móc ngay dị vật ra vì thường đây là dị vật to gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn, ta có thể thổi miệng đẩy luôn dị vật xuống sâu để bệnh nhân có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ soi gắp dị vật ra. Nếu không thì đẩy dị vật sâu xuống (thường dị vật sẽ lọt xuống một bên phổi), sau đó tiến hành hồi sức giúp thở để soi gắp dị vật.

- Sau khi soi, cho bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm và kháng sinh trong 7-10 ngày.

Lưu ý


- Bất kỳ tuổi nào cũng có thể bị dị vật đường thở.
- Thường gặp trong độ 1-3 tuổi, trai nhiều hơn gái.
- Dị vật là thực vật: Thường gặp nhất là hột dưa, sau đó là hột đậu phộng, hột mãng cầu.
- Dị vật có nguồn gốc từ động vật: thường là xương cá, đốt sống cá, vỏ tép.
- Kim loại thường gặp: kim ghim vải của thợ may, đinh đóng tường.
- Đồ nhựa thường gặp: đuôi viết bằng nhựa, răng giả.
- Chất lỏng thường gặp như: sữa, cháo.

Dị vật đường thở là một cấp cứu tai mũi họng. Nếu xử trí đúng cách sẽ giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Không biết cách xử trí hoặc xử trí không đúng có thể dẫn đến tử vong hay để lại các di chứng nặng nề. Vỗ lưng ấn ngực cho trẻ nhỏ, nghiệm pháp Heimlic cho người lớn là hai thủ thuật cấp cứu cần được thực hiện ngay trước khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

BS. Ðặng Hoàng Sơn, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuốc làm tăng kích thước dương vật (14/10/2003)
Chữa suy nhược cơ thể bằng thuốc nam (14/10/2003)
Bài thể dục cho phụ nữ mang thai (14/10/2003)
Ăn nhiều muối lợi hay hại? (13/10/2003)
Thuốc nội tiết có cần cho người từng sẩy thai, thai lưu? (13/10/2003)
Để trẻ sơ sinh không lây viêm gan siêu vi B từ mẹ (13/10/2003)
Chăm sóc bệnh nhân suy mạch vành tại nhà (11/10/2003)
Uống Cigelton có ngăn ngừa được lão hoá và phòng ung thư? (10/10/2003)
Phát hiện và chữa liệt mặt do lạnh (10/10/2003)
Tránh ngộ độc khi chăm sóc răng miệng bằng Fluor (09/10/2003)
Một số thói quen làm tăng ung thư thực quản và dạ dày (08/10/2003)
Thuốc nguy hại cho trẻ nhỏ (08/10/2003)
Điều trị bệnh gút (07/10/2003)
Một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con (07/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang