Có nên sinh mổ?
14:30' 06/10/2003 (GMT+7)

Thấy một con ngài (ấu trùng bướm) vất vả chui ra khỏi vỏ, người ta giúp nó bằng cách cắt rộng lỗ kén nhưng lại khiến nó không bay được ngay như những con bướm khác. Con người cũng phải tuân theo sự sắp đặt của tạo hoá, thai nhi chỉ đi qua cổ tử cung - âm đạo mẹ mới tránh được nhiều nguy cơ.

Các bé sơ sinh chào đời tự nhiên ít nguy cơ hơn các bé sinh mổ.

Trong lúc chuyển dạ, tử cung người mẹ co bóp làm thai nhi ''thức giấc''. Khi cổ tử cung mở trọn, vào giai đoạn sổ thai, đầu và ngực thai nhi chịu lực ép từ tử cung nên các chất nhầy nhớt trong đường hô hấp bị tống ra ngoài.

Cùng lúc, các cơn co tử cung dồn dập làm cản trở lưu thông máu mẹ đến nhau thai, làm giảm nồng độ oxy, tăng nồng độ khí carbonic (CO2) trong máu thai nhi; trung khu hô hấp được kích thích nên khi đầu và ngực thai nhi vừa được sổ ra khỏi âm đạo thì đứa trẻ sẽ há miệng hớp lấy không khí, hít thở và khóc ngay.

Còn trong trường hợp mổ lấy thai theo ý muốn, khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ, dù không gây mê sản phụ (sử dụng phương pháp gay tê tuỷ sống), trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị suy hô hấp do trung khu hô hấp chưa được chuẩn bị.

Tai biến cho cả mẹ lẫn con

Mẹ:

Có thể tử vong, tỷ lệ khoảng 4-8/1.000 ca. Chảy máu do khi mổ chạm phải động mạch tử cung. Đờ tử cung. Nhiễm trùng vết mổ, có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu. Tai biến phẫu thuật do phạm phải các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang, niệu quản... gây rò bàng quang - tử cung, rò bàng quang - âm đạo. Tai biến do gây mê hồi sức.

Về lâu dài, sẹo mổ trên thân tử cung có thể nứt trong thai kỳ sau, chưa tính nguy cơ dính ruột, tắc ruột.

Con:

Thai nhi có thể bị chạm thương trong khi phẫu thuật, hít phải nước ối. Tiên lượng cho con tuỳ thuộc vào kỹ thuật lấy thai.

Vì thế, theo quan niệm ngày nay của các nhà chuyên môn, khi không còn khả năng sinh tự nhiên mới nên sinh mổ.

Khi nào cần sinh mổ?

- Bất xứng đầu chậu: Do khung chậu hẹp hay khung chậu bình thường mà thai to, doạ vỡ tử cung.
- Phát khởi chuyển dạ thất bại, không gây được cơn co tử cung hay cơn co không có hiệu quả.
- Rối loạn cơn co không điều chỉnh bằng thuốc được.
- Cổ tử cung có sẹo cũ xấu, phải khoét chóp hay cắt đoạn cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo, nhau bong non.
- Sa rây rốn ở thai có khả năng sống và không thể sinh theo đường âm đạo tức thời.
- Ngôi bất thường như ngôi mặt, ngôi trán, ngôi ngang, ngôi mông.
- Suy thai trong khi chuyển dạ.
- Thai quá ngày có chống chỉ định khởi phát chuyển dạ.
- Vết mổ cũ trên tử cung.
- Herpes sinh dục đang tiến triển.
- Chấm dứt thai kỳ sớm trên sản phụ có bệnh tiểu đường.

Hiện nay, ngoài những lý do bệnh lý nêu trên, có những bà mẹ sợ đau đẻ, hoặc muốn em bé ra đời đúng giờ tốt nên yêu cầu bác sĩ cho sinh mổ. Theo số liệu của Chương trình bảo vệ sức khoẻ bà mẹ Trẻ em, tỷ lệ sinh mổ ở TP.HCM là 21% (thế giới 10-15%). Các nhà chuyên môn cho rằng đây không phải là hiện tượng tốt.

(Theo Thuốc & Sức khoẻ)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các loại rối loạn giấc ngủ (06/10/2003)
Giải đáp thắc mắc về bệnh béo phì (04/10/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai (04/10/2003)
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Nuôi dưỡng người bệnh ung thư (01/10/2003)
Xử trí khi thân nhiệt trẻ sơ sinh thay đổi (01/10/2003)
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt (01/10/2003)
Bệnh hen có nguy hiểm cho thai nghén? (30/09/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (30/09/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (29/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang