Hiểu đúng nguồn dinh dưỡng từ sữa
Mong muốn con em mình cao to, khỏe mạnh là mong muốn thường trực của các ông bố bà mẹ. Để đạt được điều này, nhiều người bế con đến gặp các bác sĩ để khám sức khỏe và nhờ tư vấn.
Điều này cũng là do tâm lý chúng ta bị mặc cảm về hình dạng thấp bé của người Việt Nam trong một quãng thời gian dài, và khi có cơ hội, chúng ta mong muốn cải thiện hình ảnh này thật nhanh rồi chạy theo những lời quảng cáo của một số hãng sữa mà bỏ quên những yếu tố tác động đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Bắt đầu từ tâm lý cha mẹ…
Để nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ đã phải hy sinh rất nhiều, tất cả cũng vì mong muốn con cái khỏe mạnh, nên người. Thế nhưng, đôi khi sự quan tâm “hết mình” vì con mà các ông bố bà mẹ bỏ quên đi những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc con cái, khiến một bộ phận trẻ đang bị “méo mó” cả về hình dáng, trí thông minh, sự linh hoạt...
Không phải ai cũng hiểu đúng giá trị dinh dưỡng của sữa đối với con trẻ.
Chuyện các bậc phụ huynh quan niệm “ăn gì bổ nấy”, uống nhiều sữa, bổ sung nhiều dinh dưỡng là có thể khiến con khỏe mạnh, phát triển, không bổ “bề dọc” thì cũng bổ “bề ngang”… không còn là chuyện đơn giản, mà nó đã phát triển ở mức báo động. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã từng nhận định: kiến thức về dinh dưỡng từ sữa đang được các bà mẹ nhìn nhận chỉ ở mức cơ bản nhất.
Từ góc độ chuyên môn các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cân nặng và chiều cao là những giá trị phát triển thể chất dễ quan sát nhất, nhưng chưa đánh giá hết sự phát triển về trí tuệ, miễn dịch và những yếu tố khác trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Có khi chúng ta đã quá đà trong việc thúc trẻ tăng trưởng về mặt thể chất đã gây ra những hậu quả lâu dài không tốt cho sức khỏe.
…Đến bệnh béo phì ở trẻ
Các khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ trẻ em Việt Nam thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng, nhất là ở những thành phố lớn. Ở những quận trung tâm của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở các trường điểm, với đối tượng học sinh là những trẻ có điều kiện kinh tế khá, ít thời gian vận động, chỉ chú trọng học tập, tỉ lệ béo phì đang ở mức báo động. Năm 2004, qua khảo sát 1 trường tiểu học tại quận 3. Tp. HCM cho thấy có đến 47,6% học sinh bị thừa cân béo phì, trong đó béo phì chiếm 25,9% và thừa cân 21,7%.
Trẻ béo phì ngoài những mặc cảm về tâm lý, ngại vận động, ngại giao tiếp, học hành chậm chạp, hay mệt mỏi, có nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, đau khớp, sẽ có nguy cơ lùn hơn các bạn vì sẽ dậy thì sớm hơn, do đó ngưng tăng trưởng sớm hơn. Trẻ béo phì cũng có sức đề kháng kém nên dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.
Đặc biệt hơn, khi các bậc cha mẹ thấy con mình bị béo phì, và muốn thực hiện chế độ giảm cân còn khó hơn nhiều so với việc ép chúng ăn để tăng cân.
Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ
Việc định hướng dư luận, giải quyết vấn đề tâm lý mà các bậc cha mẹ Việt Nam hay mắc phải trong việc thúc ép trẻ tăng trưởng “bề dọc”, “bề ngang”, bỏ qua các vấn đề về phát triển trí tuệ, hệ miễn dịch, hay nói nôm na là “phát triển toàn diện” đang là bài toán hóc búa không chỉ dành riêng cho đội ngũ bác sĩ mà còn cần sự quan tâm, can thiệp, tuyên truyền của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống các cơ quan ngôn luận, các diễn đàn làm cha mẹ, cũng như sự tư vấn “thỏa đáng” của các hãng sữa.
Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Hoa: “Đối với trẻ, trong những năm tháng đầu đời, sữa được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng, khi các bậc cha mẹ đã nghĩ đến việc bổ sung nguồn dinh dưỡng từ sữa công thức thì cần phải có quan tâm đặc biệt”.
“Cần phải lựa chọn những sản phẩm uy tín, có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng với các thành phần và dưỡng chất bổ sung đầy đủ và hợp lý, đáp ứng được nhu cầu phát triển thể chất, khả năng miễn dịch và phát triển hệ thần kinh của trẻ trong thời điểm hiện tại cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển trí tuệ cũng như một sức khỏe tốt sau này”.
“Tránh lựa chọn những sản phẩm mang tính chất hỗ trợ cho sự phát triển tức thời. Bởi đôi khi, một số loại sữa có thể mang lại sự phát triển chiều cao và cân nặng như nhau nhưng thực tế lại khác nhau rất nhiều trong việc ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ”.
-
Phương Thảo