Hổ và tê giác khổ vì... cà phê
Tại Indonesia, việc xâm lấn các khu bảo tồn để trồng cà phê đã khiến đe dọa môi trường sống của hổ và tê giác.
Tổ chức bảo vệ các loài động vật hoang dã WWF (World Wild Fund for Nature) vừa đưa ra lời cáo buộc, các công ty chế biến thực phẩm như Nestle, Kraft cùng với hãng cà phê khổng lồ Starbucks đang bán cà phê được trồng một cách bất hợp pháp ở khu bảo tồn các loài hổ và tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng.
WWF cho biết, loại cà phê này được trồng ở Công viên quốc gia Bukit Barisan Selatan, nằm ở đầu phía nam đảo Sumatra của Indonesia. Nơi đây là nhà của hơn 40 con hổ Sumatran, rất ít so với số lượng 400 con sống trong môi trường hoang dã.
Công viên này cũng là nơi cư trú của khoảng 500 con voi Sumatran, chiếm một phần tư số lượng voi cả nước, và từ 60 đến 85 con tê giác Sumatran đang bị báo động có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Theo bản báo cáo có tiêu đề “ Biến mất trong khoảnh khắc” (Gone in an Instant) của Tổ chức WWF, công viên đã khai thác 20% diện tích của mình để canh tác cà phê một cách trái phép mà không để ý gì đến vai trò quan trọng như một khu bảo tồn và một di sản của thế giới.
Nhân viên Nazir Foead của Tổ chức WWF Indonesia trả lời AFP “ Khoảng 17% diện tích công viên đã được dành cho việc trồng cà phê. Nếu việc làm này không dừng lại, trong vòng mười năm tới, diện tích bị khai thác sẽ tăng gấp đôi. Điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng cao đang sinh sống ở đây.”
Indonesia hiện nay là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ tư trên thế giới. Ít nhất một nửa số cà phê được xuất khẩu của nước này được đem đi từ cảng của thành phố Lampung nằm cạnh công viên bảo tồn.
Cũng là người chịu trách nhiệm về bản báo cáo, Foead cho hay, các nhà buôn địa phương đã trộn cà phê dại với cà phê trồng rồi đem bán cho các công ty quốc tế.
Theo thông tin của WWF, trong năm 2003 các hãng như Kraft Foods, ED and F Man của Anh, Andira của Hà Lan, Noble Coffe của Hồng Kông, Neumann Kaffee Gruppe của Đức, Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản, công ty Hamburg Coffee, Nestle, Olam của Sing gapore và Lavazza đến từ Italy là mười khách hàng lớn nhất của thành phố Lampung. Các hãng như Starbucks, Folgers và Tchibo cũng bắt đầu giao dịch với Lampung từ năm 2004.
Foead cho rằng, những công ty này đã không biết cà phê có nguồn gốc bất hợp pháp. Điều đó là do sự lỏng lẻo về luật pháp tại khu vực này.
Tổ chức WWF cho hay, hãng Nestle của Thụy Sĩ đã phản hồi những lời cáo buộc bằng việc “tiến hành hủy bỏ hợp đồng với một số nhà cung cấp và tư vấn cho nông dân làm sao để sản xuất được loại cà phê có chất lượng cao hơn.”
Cũng theo tổ chức này thì hãng Kraft Foods Inc có trụ sở tại Mĩ, là công ty thực phẩm và đố uống lớn thứ hai trên thế giới chỉ đứng sau Nestle, đã cùng với công ty Lavazza sớm hợp tác với WWF để giải quyết vấn đề này. Theo lời của Foead, nông dân ở đây có thể cải thiện năng suất cũng như lợi nhuận nếu như họ canh tác đúng kĩ thuật và thu hoạch có chọn lọc.
Tổ chức WWF cũng đang kêu gọi chính phủ Indonesia bảo vệ tốt hơn công viên bảo tồn này, và nên có những khoản hoa hồng cho các nhà sản xuất cà phê hợp pháp, và niềm tin đối với người trồng cà phê.
-
Mạnh Đức (Theo Discovery News)