Thái Lan: Dùng tế bào gốc trị suy tim
Các bệnh nhân suy tim đang đổ xô tới Thái Lan với hy vọng sẽ giữ được mạng sống nhờ vào một kỹ thuật tế bào gốc thử nghiệm...
Esteban Bonilla không hề lo lắng khi được đưa vào phòng phẫu thuật tại một bệnh viện ở Bangkok, mặc dù chỉ vài phút nữa là diễn ra ca phẫu thuật.
-
Hy vọng cho nhiều người
''Tôi thực sự không lo lắng! Tôi đã chờ chết trong 5 năm qua nhưng tôi đang có hy vọng được sống''... E. Bonilla, bệnh nhân người Mỹ, bị suy tim khi mới 32 tuổi, nói.
Nguồn hy vọng của Bonilla là một liệu pháp mới, liên quan tới việc tiêm tế bào gốc vào tim nhằm tái tạo cơ tim.
Những tế bào gốc nói trên được lấy từ máu của chính bệnh nhân.
Với kỹ thuật này, nguy cơ đào thải cũng như các vấn đề đạo đức xung quanh việc sử dụng tế bào gốc phôi người bị loại trừ.
Theo bác sĩ phẫu thuật tim Kitipan V. Arom thuộc Bệnh viện tim Bangkok, kỹ thuật này có thể giúp những người không có cơ hội được cấy ghép tim hoặc không đủ khả năng tài chính để tới bệnh viện thường xuyên.
Ông đã áp dụng kỹ thuật này cho 27 bệnh nhân kể từ tháng 5/2005, trong đó có Bonilla. Mỗi cuộc phẫu thuật kéo dài 2 giờ.
Sau một cuộc phẫu thuật như vậy, George Efaw - 65 tuổi, phi công lái máy bay dải hoá chất cho cây trồng ở bang Wisconsin - hiện cảm thấy tốt hơn nhiều so với trước đây. Ông đã phải thế chấp ngôi nhà để trả 31.500 đôla cho ca phẫu thuật ở Thái Lan.
Tuy vậy, kỹ thuật vẫn chưa được phép áp dụng ở Mỹ, nơi có khoảng 500.000 bị suy tim mỗi năm - chứng bệnh khiến họ đứt hơi sau khi thực hiện những hoạt động bình thường, chẳng hạn leo cầu thang.
-
Thái Lan, trung tâm tương lai của tế bào gốc
Bệnh nhân suy tim Bob Grinstead (phải), ở Roswell, Georgia cảm thấy rất khoẻ mạnh sau khi được điều trị bằng tế bào gốc ở Thái Lan. Ông đang ngồi xem vô tuyến rất hạnh phúc với người vợ là bà Barbara |
Theravitae, công ty phát triển công nghệ tách tế bào gốc từ máu người, cho biết các ca điều trị trên nhằm chứng tỏ kỹ thuật thành công ở người.
Trước mắt, kỹ thuật trên không làm loạn nhịp tim, không giống như liệu pháp sử dụng tế bào gốc lấy từ cơ hoặc tuỷ xương.
Mặc dù vậy, bác sĩ Kitipan cho biết vẫn chưa rõ tác động lâu dài của kỹ thuật tế bào gốc này. Có khả năng bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật lần thứ hai. Nguyên nhân là cho tới nay mới chỉ có 70 bệnh nhân được tiêm tế bào gốc và Thái Lan là nơi duy nhất thử nghiệm kỹ thuật này.
Trong tháng 1/2006, Theravitae cùng với các bác sĩ Thái Lan sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh mạch ngoại vi - một căn bệnh tuần hoàn có thể làm cho bệnh nhân bị cắt cụt chân, tay.
Kỹ thuật sẽ được áp dụng cho bệnh nhân Parkinson vào giữa năm 2006 và một số dạng mù loà trong quý 1 năm 2007. Cuối cùng, công nghệ sẽ được sử dụng để điều trị bệnh khí thũng, gãy xương, suy thận và tiểu đường.
Theravitae ước tính tới tháng 7/2006, mỗi tháng sẽ có 100 người tới Thái Lan để được điều trị bằng tế bào gốc. Hiện số lượng bệnh nhân đã tăng 600%.
-
Minh Sơn (Theo Reuters)