Vắc-xin cúm gia cầm: Tiến bộ mới
Giới khoa học tin rằng họ đã biết bí quyết bào chế một loại vắc-xin hiệu quả ngừa cúm gia cầm. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm cách nào để sản xuất đủ vắc-xin cho mọi người trên thế giới trong trường hợp xảy ra đại dịch.
Cung không đủ cầu
Các chuyên gia y tế Indonesia đang lấy mẫu máu của những người sống gần một bệnh nhân tử vong do cúm gia cầm hôm 11/9 |
Khi cúm gia cầm H5N1 lây lan từ châu Á tới vùng Siberia và Kazakhstan, các chuyên gia y tế ngày càng nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống căn bệnh này, đặc biệt là nếu nó dễ dàng lây nhiễm giữa người và người. Vắc-xin là phương pháp tốt nhất có thể ngăn chặn hàng triệu ca tử vong. Thế nhưng, năng lực sản xuất toàn thế giới - hiện chỉ khoảng 300 triệu liều vắc-xin cúm thông thường mỗi năm - không đủ để đáp ứng như cầu của mọi người khi đại dịch bùng phát.
Theo Tony Colegate thuộc Công ty Chiron Corp, lượng vắc-xin trên chỉ đủ cho những người trên 65 tuổi tại phương Tây mà thôi. Tăng năng lực sản xuất vắc-xin cần phải có thời gian và làm lên những lo ngại rằng nhiều nước nghèo trên thế giới sẽ không có vắc-xin ngừa cúm gia cầm. Hiện tại, 90% năng lực sản xuất tập trung tại châu Âu và Bắc Mỹ. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm quá khứ cho thấy các Chính phủ đều không muốn xuất khẩu vắc-xin trước khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, ngay khi xác định được một chủng cúm mới dễ lây lan giữa người và người, các nhà máy phải mất 4-6 tháng để chuyển sang sản xuất một loại vắc-xin mới. Trong thời gian chờ đợi vắc-xin, công tác ngăn chặn dịch cúm sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn thuốc chống virus có hạn. Thuốc chống virus có thể giảm mức độ trầm trọng của bệnh và có thể tăng tốc độ phục hồi cho bệnh nhân. Theo WHO, thuốc chống virus sẽ giúp thế giới có nhiều thời gian hơn để bào chế vắc-xin và việc sử dụng chúng tạo khu vực có dịch sẽ làm chậm lại tốc độ lây lan của virus hoặc thậm chí dập tắt dịch ở giai đoạn đầu.
Con gà và quả trứng
Trong lúc đó, các nhà khoa học sẽ làm việc cật lực để bào chế vắc-xin. Tin tức đáng mừng là họ đã giải quyết được một số vấn đề kỹ thuật xung quanh vắc-xin cúm gia cầm. Mặc dù không thể sản xuất một loại vắc-xin cụ thể cho tới khi xác định được chủng virus gây đại dịch, phần lớn các chuyên gia nghĩ rằng H5N1 hiện nay chính là mục tiêu. Cũng như vắc-xin cúm thông thường, vắc-xin ngừa cúm H5N1 có thể được điều chỉnh khi virus này thay đổi. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng nó sẽ không đột biến quá nhiều để vô hiệu hoá vắc-xin đang được bào chế.
Vắc-xin H5N1 tiên tiến nhất hiện nay, do Công ty Sanofi-Aventis SA của Pháp sản xuất, đã tỏ ra có hiệu quả khi kích thích phản ứng miễn dịch ở người trưởng thành khoẻ mạnh. Còn công ty Chiron ở Mỹ dự định thử nghiệm loại vắc-xin H5N1 của công ty này vào mùa thu 2005 và công ty GlaxoSmithKline dự kiến tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong năm 2006. Ngay cả như vậy, nhà phân tích dược phẩm Michael Leacock ước tính thế giới chỉ sản xuất được 75 triệu liều trong vòng một năm, tương đương 1/4 sản lượng vắc-xin cúm thông thường hiện nay. Để sản xuất 75 triệu liệu này, các công ty phải dừng sản xuất vắc-xin cúm thông thường - thủ phạm giết 250.000-500.000 người mỗi năm.
Khó khăn nói trên chủ yếu nằm ở bản chất phức tạp của quá trình bào chế vắc-xin cúm. Quá trình này liên quan tới việc nuôi cấy virus trong trứng gà và chỉ mang lại một lượng hạn chế kháng nguyên - thành phần chủ chốt của một vắc-xin và gây phản ứng miễn dịch. Do vậy, tăng lượng kháng nguyên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng bởi lượng kháng nguyên cần để tạo ra phản ứng miễn dịch ở người cần lớn hơn lượng kháng nguyên của vắc-xin cúm thông thường.
Một cách giải quyết có thể là dùng tá dược - các hợp chất được thêm vào vắc-xin để tăng cường phản ứng miễn dịch - hoặc tiêm vắc-xin dưới da chứ không phải vào cơ như thông thường. Giải pháp lâu dài là sáng chế công nghệ tốt hơn và thôi không sản xuất kháng nguyên từ trứng gà. Nguyên nhân là sẽ thiếu nguồn trứng gà để sản xuất vắc-xin nếu cúm gia cầm buộc các quốc gia giết hàng loạt gà. Tạo kháng nguyên trong các bình inox được coi là một giải pháp tương lai nhưng phải mất 5 năm nữa mới được sử dụng rộng rãi.
-
Minh Sơn (Theo Reuters, AP, AFP, NewScientist)