Thuỵ Sĩ thông qua Luật Nghiên cứu Tế bào gốc
Theo hãng tin Thuỵ Sĩ ATS, hai phần ba số người tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Thuỵ Sĩ đã đồng tình với việc sử dụng tế bào gốc trong nghiên cứu khoa học. Thuỵ Sĩ vừa tán thành luật mới cho phép nghiên cứu y học về tế bào gốc lấy từ phôi thai người song cấm nhân bản vô tính người.
Năm tới, các nhà khoa học Thuy Sĩ được phép sử dụng phôi thai người để lấy tế bào gốc. Trong ảnh: Một nhà khoa học đang thực hiện thí nghiệm với tế bào. |
Có đến 66,4% cử tri ủng hộ Luật Nghiên cứu Tế bào gốc, còn số người phản đối chỉ chiếm 33,6%. Thậm chí, phần lớn người dân sống ở vùng nông thôn Thuỵ Sĩ đều ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc. Như vậy, Luật Nghiên cứu Tế bào gốc của Thuỵ Sĩ sẽ có hiệu lực từ tháng 3 năm 2005. Theo Luật, tất cả các đề án nghiên cứu phải được phê chuẩn trên cơ sở đạo đức và khoa học, đồng thời cấm việc sử dụng phôi thai để nhân bản. Các nhà nghiên cứu được phép sử dụng phôi thai thừa để lấy tế bào gốc phục vụ việc thụ tinh nhân tạo.
Như vậy, Thuỵ Sĩ là nước hạn chế nghiêm ngặt nhất về nghiên cứu tế bào gốc: chỉ được sử dụng tế bào phôi thai người thừa ra trong quá trình thụ tinh nhân tạo, không được nhân bản phôi thai người để lấy tế bào gốc.
Cuộc trưng cầu dân ý nói trên được tổ chức khi một số tổ chức tôn giáo, môi trường và nhân đạo thu thập chữ ký của người dân, đòi tổ chức nhằm bãi bỏ điều luật này do lo sợ những sai phạm có thể phát sinh từ việc nghiên cứu tế bào gốc. Trong khi đó, Chính phủ Thuỵ Sĩ lại khuyến khích người tham gia bỏ phiếu chấp nhận luật này, vì nó đề ra những giới hạn rõ ràng và nghiêm túc so với một số nước khác về việc sử dụng phôi thai và tế bào gốc nhằm mang lại hy vọng chữa trị bệnh tim, bệnh liệt và bệnh liệt rung (Parkinson). Hội đồng Liên bang Thuỵ Sĩ nhận định: xét về những đau đớn do các căn bệnh nan y trên gây ra, thật là sai lầm khi cấm nghiên cứu tế bào gốc. Nghiên cứu tế bào gốc không đồng nghĩa với nhân bản như một số đối tượng phản đối luật nghĩ.
Ảnh chụp thí nghiệm cấy tế bào phôi. |
Theo ông Yvan Arsenijevic, chuyên gia nghiên cứu tế bào gốc ở người lớn của Bệnh viện Jules Gonin ở thành phố Lausanne (Thuỵ Sĩ), Luật quy định nghiêm ngặt là do có những vấn đề đạo đức liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc. Song cuối cùng thì luật này vẫn cho phép các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tế bào gốc. Giới ủng hộ luật nghiên cứu tế bào gốc ở Thuỵ Sĩ cho rằng, phải mất một thời gian dài thì những kỹ thuật tế bào gốc mới được áp dụng vào chế tạo dược phẩm. Tuy nhiên, ngành dược vẫn được lợi gián tiếp khi các trường đại học và viện nghiên cứu theo đuổi việc nghiên cứu tế bào gốc.
Thuỵ Sĩ là quê hương của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và các công ty sinh học lớn như Novartis và Roche. Do vậy, Chính phủ nhận định ngành công nghiệp nước này sẽ bị ảnh hưởng nếu cấm hoàn toàn nghiên cứu tế bào gốc. Năm 2003, Quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua điều luật cho phép thực hiện nghiên cứu tế bào gốc. Nhưng theo Hiến pháp Thụy Sĩ, nếu chưa được cả nước ủng hộ thì điều luật này sẽ không có hiệu lực. Ông Pascale Steck, quan chức Uỷ ban Trưng cầu Dân ý, cho biết, vài năm tới, Thuỵ Sĩ sẽ tiến hành bỏ phiếu về nhân bản phục vụ y học.
Tại Mỹ, Tổng thống Bush cũng vừa phê chuẩn cấp quỹ liên bang cho nghiên cứu 78 dòng tế bào gốc tồn tại từ ngày 9/8/2001. Hiện chỉ còn khoảng hơn 20 dòng tế bào gốc còn tồn tại.
Các nước châu Âu cho phép nghiên cứu tế bào gốc bao gồm Thuỵ Điển, Phần Lan, Hy Lạp và Hà Lan. Anh và Bỉ đã cho phép nhân bản phôi thai người để lấy tế bào gốc. Hà Lan, Pháp, Đan Mạch và Tây Ban Nha chỉ cho phép nghiên cứu phôi thai người thừa ra trong quá trình thụ thai nhân tạo. Đức và Áo chỉ cho phép nghiên cứu những tế bào gốc nhập khẩu từ nước khác.
Tế bào gốc phôi thai người được hình thành sau khi thụ tinh và sẽ chuyển thành mô trong cơ thể. Tế bào gốc lấy từ phôi thai thì linh hoạt hơn tế bào gốc của người lớn. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng tế bào gốc lấy từ phôi thai người có thể được dùng để phục hồi mô mới hoặc chữa bệnh. Tuy nhiên, lấy tế bào gốc từ phôi thai người cũng có nghĩa là giết phôi thai, và theo các nhóm phản đối là lấy đi mạng sống con người.
-
Minh Thương (Tổng hợp)