Ngày 19/11: Liên hợp quốc bỏ phiếu về nhân bản vô tính
Vào ngày 19/11 tới đây, Ủy ban Luật của Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc cấm hay không cấm việc nhân bản vô tính phôi thai người.
Nhân bản vô tính: sự chọn lựa giữa khoa học và đạo đức. Trong ảnh: đưa một nhân của tế bào vào trứng để thực hiện nhân bản vô tính |
Trong diễn biến liên quan đến nhân bản vô tính, ngày 31/7/2001, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm toàn bộ mọi hình thức nhân bản phôi thai người, kể cả cho mục đích y học. Dự luật cấm nhân bản người này đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ phiếu áp đảo: 265 Hạ nghị sĩ đồng ý cấm nhân bản người, chỉ có 162 người ủng hộ. Ai vi phạm luật có thể bị ngồi tù tới 10 năm và bị phạt 1 triệu USD. Tuy nhiên, do Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn nên dự luật này chưa trở thành luật. |
Theo giới ngoại giao quốc tế, từ ngày 2/11 (ngày bầu cử Tổng thống Mỹ) đến nay, các nước vẫn không đạt được thoả hiệp về vấn đề trên. Hiện đang có sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước nước xoay quanh vấn đề cấm hay không cấm nhân bản vô tính phôi thai người.
Hiện đang có 2 dự thảo nghị quyết được đưa ra trước Liên hợp quốc để thảo luận. Dự thảo của Costa Rica đề xuất cấm hoàn toàn nhân bản vô tính, cả nhân bản sinh sản và nhân bản liệu pháp. Trong khi đó, dự thảo của Bỉ cấm nhân bản vô tính người nhưng lại cho phép các nước quyền quyết định sử dụng phôi thai người vào việc nghiên cứu. Mỹ ủng hộ nội dung dự thảo của Costa Rica, nhưng Anh lại tán thành nội dung dự thảo của Bỉ.
Theo một nhà ngoại giao giấu tên, các cuộc thương lượng đang tiếp diễn, song nhiều đại biểu muốn chọn phương pháp bỏ phiếu. Tuy nhiên, dường như ít có khả năng đạt được thoả hiệp trong các cuộc thương lượng nói trên.
Trước tình hình đó, LHQ quyết định sẽ bỏ phiếu kín về việc xúc tiến kế hoạch xây dựng hiệp ước chống sinh sản vô tính do Costa Rica đề ra. Người phát ngôn của LHQ Djibril Diallo cho biết, do không đạt thoả thuận về việc này, Ủy ban Luật của LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 19/11 tới.
Nhóm các nước do Mỹ đứng đầu kiên quyết phản đối việc nhân bản vô tính phôi thai người, kể cả nghiên cứu tế bào gốc. Các nước này đang tìm cách cấm nhân bản vô tính và lập luận rằng, nhân bản vô tính phục vụ việc nghiên cứu y học chính là lấy đi cuộc sống con người.
Trong khi các thành viên LHQ cơ bản đồng ý tiến tới ký hiệp ước cấm nhân bản vô tính người, một số nước vẫn tiếp tục sử dụng phôi thai nhân bản vô tính để lấy tế bào gốc phục vụ nghiên cứu y học. Nhiều nhà khoa học lập luận rằng, phương pháp này mang lại hy vọng chữa hàng trăm căn bệnh hiểm nghèo như Alzheimer (chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi), ung thư, tiểu đường và hư hại tuỷ sống.
Vấn đề “cấm hay không cấm nhân bản vô tính” ở Mỹ lại càng trở nên sôi động hơn khi mới đây, ngày 2/11, bang California đã tổ chức trưng cầu dân ý “Luật nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi thai”. Luật này sẽ cho phép chính quyền bang California dành khoản kinh phí 3 tỷ đô la cho việc nghiên cứu nhân bản vô tính. Nói rõ hơn, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này được cấp 300 triệu đô la mỗi năm trong thời gian suốt 10 năm. Kết quả trưng cầu dân ý tỏ ra khá bất ngờ khi có đến 59% người dân bang California tỏ ý đồng thuận. Do đó, hiện có tin các công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đang đổ xô về bang California để hòng tranh thủ khoản kinh phí này.
Việt Nam với vấn đề sinh sản vô tính |
Theo Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ QH thông qua ngày 9/1/2003, Điều 7 “Các hành vi bị nghiêm cấm” có quy định rõ nghiêm cấm nhân bản vô tính người. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 “Về sinh con theo phương pháp khoa học”, Điều 6 quy định: “Nghiêm cấm hành vi sinh sản vô tính”. Thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28/5/2003 của Bộ Y tế “Hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học”, điều 4 quy định: “Nghiêm cấm thực hiện hành vi sinh sản vô tính”. Trong khi đó, vào cuối năm 2003, Việt Nam đã có dự án xây dựng một phòng thí nghiệm về nhân bản vô tính tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc với kinh phí vài triệu USD. Theo nguồn tin từ Bộ Khoa học - Công nghệ, liên quan đến cuộc họp của Liên hợp quốc về việc thảo luận và thông qua luật cấm chế tạo phôi người bằng phương pháp nhân bản vô tính (cloning), TS Phạm Hữu Giục, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ nói: "Bộ KH&CN sẽ bàn với Bộ Y tế để đề xuất với Chính phủ quan điểm của Việt Nam về lĩnh vực mới này". |
-
Minh Thương - Bích Vân (Tổng hợp)