Chất dẻo sinh học từ... khoai tây
Khoai tây hiện đang được nghiên cứu để làm nguồn nguyên liệu sản xuất chất dẻo sinh học. Loại chất dẻo mới có thể thay thế các túi nilon, túi nhựa vốn gây hại môi trường.
Khoai tây không chỉ là thức ăn mà còn góp phần bảo vệ môi trường khi có thể dùng chúng để chế tạo chất dẻo sinh học (Ảnh: Theo Softpedia News) |
Chất dẻo mới này có thể sẽ được ứng dụng một cách rộng rãi, như làm các chai nhựa có thể tái chế được, làm thảm, làm nệm ghế. Ở nhiều nước, như Nhật Bản và Vương quốc Anh, họ còn sản xuất bộ đồ ăn (dao, đĩa, thìa…) bằng nhựa làm từ khoai tây.
Các đại diện nông nghiệp, các nhà hoạt động vì môi trường và các nhà khoa học hầu hết đều nhất trí rằng việc dùng khoai tây chế tạo chất dẻo là việc làm có ý nghĩa về mặt công nghệ và kinh tế, đặc biệt đối với các nhà sản xuất và những người trồng khoai tây ở tiểu bang Maine, Mĩ.
Tuy nhiên, chế tạo chất dẻo sinh học từ khoai tây cũng có mặt trái của nó đối với môi trường. Đó là việc trồng khoai tây đòi hỏi yêu cầu về năng lượng trong quá trình sản xuất như sử dụng máy móc trong canh tác, công tác tưới tiêu, sản xuất phân bón và các loại thuốc trừ sâu…đều cần dùng đến nhiên liệu hóa thạch.
Chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học ước tính là khoảng 50 triệu đôla, nhưng vẫn còn một số vấn đề kĩ thuật cần phải hoàn chỉnh.
- Mạnh Đức (Theo Softpedia News)