Mật ong: Kháng khuẩn, kháng viêm phi thường
Với việc tìm ra penicillin và các loại thuốc kháng sinh khác trong thế kỷ XX, các đặc tính làm lành vết thương của mật ong gần như bị quên lãng. Tuy nhiên, giá trị này của mật ong sẽ được tôn vinh trở lại nhờ một nhà nghiên cứu tại New Zealand.
Con người đã biết tới các đặc tính làm lành vết thương của mật ong trong hàng nghìn năm. Người Hy Lạp cổ đại cũng như nhiều dân tộc khác đã sử dụng nó. Thậm chí cho tới Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, mật ong vẫn được sử dụng để điều trị vết thương do có tính kháng khuẩn.
Làm việc tại Phòng Nghiên cứu Mật ong thuộc ĐH Waikato ở đảo North của New Zealand, giáo sư hoá sinh Peter Molan đã tìm ra một loại mật có những tính năng đặc biệt làm lành vết thương. Ông chỉ ra rằng mật được làm từ hoa của cây bụi manuka bản địa ở đảo quốc này có đặc tính kháng khuẩn cao hơn nhiều so với các loại mật ong khác. Ông nói: ''Các loại mật ong chứa hydro peroxide ở mức khác nhau. Đây là chất được tạo ra từ một enzyme mà ong bổ sung vào mật hoa. Ở mật manuka và họ hàng gần gũi jellybush của nó mọc ở Australia, có một thứ gì khác ngoài hydro peroxide và không có loại mật nào giống như thế được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới''.
''Thứ khác biệt đó'' rất khó có thể xác định. Ngay cả hiện tại, sau hơn 20 năm nghiên cứu, Peter Molan thừa nhận ông vẫn không biết chính xác nó là chất gì. Tuy nhiên, ông đặt cho nó một cái tên: "nhân tố manuka độc nhất vô nhị", hay UMF. Ông đã tìm ra một phương pháp đo hiệu quả kháng khuẩn của mật ong bằng cách so sánh khả năng kháng khuẩn của manuka UMF với một chất khử trùng tiêu chuẩn (carbolic, hoặc phenol). Kết quả thật đáng ngạc nhiên: Phạm vi hoạt động của mật ong manuka rất rộng, tiêu diệt cả vi khuẩn, nấm và động vật nguyên sinh. Molan cho biết: ''Mật manuka tiêu diệt mọi sinh vật gây nhiễm trùng''.
Trên thực tế, mật manuka UMF có thể tiêu diệt cả những loại vi khuẩn kháng kháng sinh - một vấn đề mà các bệnh viện trên toàn thế giới phải đối mặt! Chẳng hạn, staphylococcus aureas là loại vi khuẩn nhiễm trùng vết thương phổ biến nhất và chúng nhạy cảm nhất với mật ong. Điều tương tự cũng xảy ra đối với vi khuẩn MRSA kháng kháng sinh. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Waitako cho thấy ngay cả ở ngoài phòng thí nghiệm, mật manuka UMF có tính chất làm lành vết thương đáng kinh ngạc.
Bác sĩ Julie Betts đã sử dụng mật ong điều trị thành công các vết loét ở chân và loét điểm tì do nằm liệt giường. Julie cho biết mật ong giúp làm lành vết thương sau phẫu thuật, đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường. Bà nói: ''Mật ong còn có tác dụng kháng viêm. Vì vậy, nếu tôi muốn làm nhiều điều khác ngoài việc kiểm soát vi khuẩn trong vết thương đó, tôi sẽ sử dụng mật ong''.
TS Glenys Round, chuyên gia ung thư, cũng phát hiện mật ong là một phương thuốc điều trị hiệu quả. Bà nói: ''Chúng tôi đang sử dụng mật ong để điều trị vết thương nơi ung thư xâm nhập qua da. Kết quả thật tuyệt vời''. Gần đây hơn, bà đã thành công trong sử dụng gạc mật ong đắp lên vết thương hoặc vết loét do liệu pháp xạ trị gây ra. Trong quá khứ, phần lớn những bệnh nhân này đã thử nhiều phương pháp điều trị thông thường mà không có hiệu quả. Đó chính là lý do tại sao bác sĩ thử nghiệm mật ong. Phần lớn bệnh nhân rất hạnh phúc khi được điều trị bằng mật ong.
Theo Julie Betts, các bệnh nhân không gặp phải bất kỳ vấn đề nào khi được điều trị bằng mật ong. Bà cho biết: ''Tôi nghĩ rằng con người thường thích các phương thuốc tự nhiên. Do vậy, họ rất hạnh phúc khi sử dụng nó. Vấn đề chúng ta gặp phải là mọi người không hiểu cơ chế hoạt động của mật ong. Họ nghĩ rằng mọi loại mật ong đều cho kết quả tương tự song điều đó không luôn đúng''.
Nhà nuôi ong Bill Bennett ở cách bệnh viện vài kilomet cũng có chung quan điểm. Ông và vợ đã điều hành Công ty Summerglow Apiaries, một trong vài công ty cung cấp mật ong manuka UMF có đăng ký tại New Zealand. Họ sản xuất 8-12 tấn mật manuka mỗi năm và xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Loại mật ong này được kiểm tra kỹ lưỡng ba lần trong suốt quy trình sản xuất để khẳng định sự tồn tại của nhân tố UMF. Chỉ sau đó, nó mới được dán nhãn ''mật manuka UMF''. Bill Bennett cho biết: ''Dường như manuka từ một vài vùng ở New Zealand tạo ra một loại mật hoa có tính chất đặc biệt này. Trên thị trường có nhiều loại mật ong mauka không mang tính chất đặc biệt đó".
Comvita, một công ty chuyên sản xuất dược phẩm tự nhiên của New Zealand, hiện đưa mật manuka UMF tiến thêm một bước nữa. Comvita đã thành lập một đơn vị dược phẩm mới để đưa loại gạc mật ong công nghệ cao ra thị trường quốc tế. Loại gạc này giống như một miếng cao su, có thể chạm vào mà không bị dính. Ray Lewis thuộc Comvita cho biết: ''Nhiều loại vết thương không thể điều trị trước kia hiện được làm lành bằng mật ong. Nhu cầu của thế giới về chăm sóc vết thương mang lại doanh thu 2-6 tỷ USD. Vì vậy nếu chúng tôi nắm được một phần nhỏ của nhu cầu đó, chúng tôi sẽ thu được lợi nhuận''.
-
Minh Sơn (Theo Guardian)