Cá cảnh trốn thoát đe doạ hệ sinh thái biển
Nhiều tổ chức, trong đó có LHQ, thúc đẩy hoạt động bắt cá cảnh để xuất khẩu, coi đó là biện pháp quản lý bền vững các hệ sinh thái biển cũng như tăng thu nhập cho một số vùng nghèo đói trên thế giới. Tuy nhiên, mặt trái là ngành này đe doạ tới hệ sinh thái ở những nơi khác nếu cá cảnh được phóng thích vào môi trường tự nhiên.
Doanh thu của ngành cá cảnh trên toàn thế giới ở vào khoảng 25 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng 14%/năm. Đa phần số tiền này chảy tới các nước đang phát triển nơi sinh sống của những loài sinh vật biển nhiệt đới được mọi mọi người ưa thích chẳng hạn như cá vây hoàng đế. Các quốc gia chẳng hạn như Australia, New Zealand và Mỹ mới chỉ bắt đầu nhận ra việc cá cảnh thoát vào môi trường tự nhiên là một vấn đề quan trọng. Đầu năm nay, một cuộc khảo sát cho thấy 16 loài cá nhiệt đới, không phải là bản địa, được tìm thấy tại 32 địa điểm dọc bờ biển Đông Nam của Florida. Nguyên nhân chủ yếu là do con người thả cá cảnh từ bể nuôi vào đại dương.
Nhà sinh học bảo tồn Dianna Padilla thuộc ĐH New York cho biết: ''Việc buôn bán sinh vật biển làm cảnh được khuyến khích phát triển như một ngành công nghiệp xanh, một giải pháp để cứu chúng và phương tiện tăng thu nhập của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, cho tới nay, chi phí môi trường của những sinh vật trốn thoát vẫn chưa được tính tới''. Các loài cá du nhập có thể gây hại cho các hệ sinh thái theo một số cách. Chúng có thể cạnh tranh thức ăn và đẩy các loài bản địa tới bờ vực tuyệt chủng. Ngoài ra, cá du nhập có thể biến đổi các môi trường sống theo những cách thức có hại đối với cá bản địa. Chẳng hạn như cá catfish phá vỡ hệ thực vật và biến đổi bờ biển, làm cho các loại cá khác không thể cư ngụ được.
Cá nhập cư cũng có thể mang các căn bệnh lạ hoặc có thể là động vật săn mồi hiếu chiến, đe doạ trực tiếp tới cá bản địa. Cá chuối phàm ăn của Trung Quốc, dài tới 1m (snakehead, tên khoa học là Channa argus), đã săn bắt cá và động vật lưỡng cư bản địa tại một số bang ở Mỹ, trong đó có Maryland và hiện giờ là Virginia. Ngành nuôi cá cảnh được coi là nguồn gốc của các loài nước ngọt xâm hại chẳng hạn như cá chuối. Một số loài chẳng hạn như cá sư tử (Pterois volitans), hiện được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển Đông Nam của Mỹ, có gai độc và thậm chí là mối đe doạ đối với con người.
Nhà sinh học biển Brice Semmens thuộc ĐH Washington cho biết: ''Phóng thích các loài cá phi bản địa giống như chơi bài roulette của Nga với các hệ sinh thái biển nhiệt đới''. Semmens là trưởng nhóm của dự án khảo sát gần đây mà phát hiện 16 loài phi bản địa ở ngoài khơi bờ biển Florida. Thực vật biển nhập cư cũng là mối đe doạ lớn. Tảo biển Caulerpa taxifolia sinh trưởng nhanh, còn được gọi là tảo huỷ diệt, là một loài thực vật cảnh phổ biến. Kể từ những năm 1980 nó đã xâm lược nhiều vùng bờ biển Địa Trung Hải và phải tiêu tốn hàng chục triệu USD mới diệt trừ được chúng khỏi vùng biển California.
Mặc dù có tiềm năng đe doạ tới hệ sinh thái song các nhà chức trách cũng như chuyên gia ít quan tâm và không coi ngành kinh doanh sinh vật cảnh là nguồn gốc của loài động thực vật biển xâm hại. Cho tới nay, họ quan tâm nhiều hơn tới nước dằn của ngành vận tải biển, coi đó là nguồn chủ yếu du nhập sinh vật xâm hại. Nước dằn được chứa trong khoang tàu thuỷ để tăng sự ổn định. Một con tàu có thể hút nước dằn (cùng với vố số sinh vật biển) tại một vùng rồi xả nước đó ở một vùng khác. Cuộc khảo sát do Semmens tiến hành cung cấp thêm bằng chứng rằng sinh vật biển du nhập có nguồn gốc từ ngành kinh doanh sinh vật biển làm cảnh. Nhóm của ông không tìm thấy mối liên hệ nào giữa nguồn gốc của cá biển phi bản địa ở Florida kể từ năm 1999 với các tuyến vận tải biển tới vùng này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện những loài phi bản địa phổ biến, như cá vây hoàng đế, cá tang vàng và cá batfish là những sinh vật biển được người nuôi ưa thích. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng. 1/3 tổng số các loài thuỷ sinh trong danh sách 100 động, thực vật xâm hại nguy hiểm nhất là với thuỷ sinh cảnh hoặc thực vật ở ao hồ. Theo Padilla, bước đi đầu tiên nhằm làm chậm tốc độ lây lan của động, thực vật cảnh là giáo dục mọi người về nguy cơ cũng như những vấn đề liên quan tới việc du nhập các loài không được mong muốn. Bước tiếp theo là phát triển hệ thống cấp giấy chứng nhận để làm rõ loài nào có nguy cơ xâm hại thấp.
Công chúng đóng vai trò quan trong việc ngăn chặn sự xâm hại của các loài lạ bằng cách không phóng sinh chúng từ bể nuôi vào môi trường nước tự nhiên.
Nếu họ không muốn nuôi nữa, họ có thể trả chúng về cho một số cửa hàng kinh doanh sinh vật cảnh hoặc giết chúng bằng cách... đông lạnh.
Ngành kinh doanh sinh vật cảnh có thể trợ giúp bằng cách dán nhãn cảnh báo về nguy cơ trốn thoát vào môi trường tự nhiên của sinh vật.
-
Minh Sơn (Theo National Geographic)