'Giải mã' rượu vang của pharaoh Tutankhamun
Khi chết đi, hoàng đế Ai Cập cổ đại Tutankhamun mang theo mình rất nhiều của cải, nô lệ, và tất nhiên là cả rượu vang nữa. Ông nghiện rượu chăng? Không hẳn thế, bởi vì rượu vang là thứ giúp cho chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị pharaoh này được dễ dàng hơn. Hay ít ra thì ông ta cũng tin như vậy.
Vài nét về Tutankhamun |
Theo ước tính, Tutankhamun (Vua Tut) cai trị Ai Cập từ năm 1334 đến năm 1325 trước CN. Rất có thể ông là vị hoàng đế thứ 12 của triều đại thứ 18 của Ai Cập. Lúc mới sinh ra, Tutankhamun được đặt tên là Tutankhaten, có nghĩa là "Hình ảnh sống động của Aten", giúp cho ông được sánh ngang hàng với Akhenaten, vị pharaoh dị giáo có khả năng là bố đẻ của Tutankhamun. Sau hai năm lên nắm quyền, ông đổi tên thành Tutankhamun, có nghĩa là "Hình ảnh sống động của Amun", người trị vì thành Heliopolis thượng Ai Cập. Cái tên này còn có thể được phát âm là Tutankhamen hoặc Tutankhamon. Đến cuối triều đại của Akhenaten, Ay và Horemheb - hai vị quan lớn trong triều, nhận thấy rằng không thể để cho một vị hoàng đế dị giáo tiếp tục cai trị đất nước. Họ tiến hành ám sát Akhenaten và Smenkhkare (chú Tutankhamun) và đưa cậu bé chín tuổi lên ngôi, nhưng thực ra hai người này mới là kẻ trị vì thực thụ của Ai Cập. Ngay sau khi lên ngôi, dưới sự chỉ đạo của Ay và Horemheb, Tutankhamun ra lệnh trở lại với tôn giáo cổ truyền thống của Ai Cập. Lý do duy nhất mà Tutankhamun không được xếp vào danh sách các vị pharaoh cổ điển của Ai Cập là Horemheb đã quán xuyến hết mọi việc trong triều, kể cả việc dựng bia ghi lại quá trình khôi phục tôn giáo cổ Amun và xây dựng lại đền thờ. |
Người Ai Cập cổ đại tin vào cuộc sống ở thế giới bên kia.
Những tài sản hoặc vật dụng ưa thích đều được chôn theo người chết để tống tiễn linh hồn vào vương quốc bóng tối. Bình rượu vang là một trong những thứ của cải như thế.
Trên thực tế, rượu vang là một sản phẩm cực kỳ quan trọng, thường được sử dụng trong nghi lễ đám tang và trong đền thờ để thờ cúng thần linh. Đồng thời, đây cũng là thức uống thường ngày của vua chúa và tầng lớp quý tộc.
Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Barcelona (Tây Ban Nha) là những người đầu tiên phân tích thành công cặn rượu vang lấy từ một số bình gốm trong mộ Tutankhamun, dựa trên một phương pháp chưa bao giờ áp dụng đối với mẫu khảo cổ. Họ phân tích mẫu bình gốm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Ai Cập tại Cairo và Bảo tàng Anh tại London (Anh). Mỗi chiếc bình mang theo một dòng chữ ghi về nơi xuất xứ, người sản xuất và năm sản xuất của rượu vang. Dòng chữ mà nhóm nghiên cứu đọc được trên một chiếc bình có nội dung như sau: "Năm thứ 5. Rượu vang tại nhà của Tutankhamun, người trị vì phía Nam dòng sông Tây. Do chủ cửa hàng rượu vang Khaa sản xuất."
Tuy nhiên, chiếc bình lại không cho biết thứ rượu đựng bên trong là vang trắng hay vang đỏ.
Các nhà nghiên cứu khác cũng đã thử xác định cặn rượu vang từ các mẫu khảo cổ bằng cách phân tích một dấu hiệu nhận biết rượu vang là acid tartric - chất ít khi xuất hiện ở thứ quả nào khác ngoài nho. Tuy nhiên, phương pháp của họ không đủ chi tiết hoặc đủ nhạy để phát hiện ra loại acid này. Nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha đã áp dụng một phương pháp hoàn toàn khác - ghép hai công nghệ lại với nhau để mang lại kết quả vừa cụ thể lại vừa chuẩn xác.
Họ lần lượt sử dụng phép ghi sắc chất lỏng và đo quang phổ khối lượng, kỹ thuật xác nhận chất màu nâu sẫm ở dưới đáy chiếc bình gốm đích thực là rượu vang. Tuy nhiên, để xác định được rượu trong bình là vang đỏ hay vang trắng, các nhà khoa học phải dùng cách khác: Họ tìm kiếm malvidin glucoside, chất chống ôxy hóa trong rượu vang lúc mới sản xuất, giúp cho rượu có màu đỏ. Khi rượu đã để lâu, hợp chất này bị polymer hóa, tạo thành một chất ổn định có màu nâu sẫm. Lấy một mẩu chất này từ đáy bình rượu vang, nhóm nghiên cứu hòa tan bằng dung dịch alkaline để giải phóng acid syringic dẫn xuất. Nhờ đó, họ xác định được loại rượu trong bình là vang đỏ.
Khánh Hà (Tổng hợp)