Ô nhiễm hoá chất, động vật lên tiếng phản đối
19:49' 28/06/2004 (GMT+7)

''Hoá chất của các ngài đang xâm nhập thân thể chúng tôi'' là thông điệp mà đại diện mười loài động vật chào đón các vị bộ trưởng môi trường tại Hội nghị môi trường của EU diễn ra hôm nay (28/6) tại Luxumbourg.

Sản xuất song không biết tác hại

Gấu Bắc cực vẫn vô tư lự song có biết đâu hoá chất tích tụ trong cơ thể đang dần huỷ hoại chính nó.

Các vị bộ trưởng sẽ có cuộc thảo luận đầu tiên về Dự luật Đăng ký, đánh giá và cấp phép lưu hành hoá chất trong EU (còn được gọi là REACH). Bức thông điệp của mười loài động vật trên, trong đó có con người, đề cập tới sự thật rằng các hoá chất do con người sản xuất đang tích tụ trong cơ thể của nhiều loài, bao gồm động vật biển, động vật cạn có vú cũng như chim muông. Thông điệp bày tỏ sự rất bất bình bởi con người thậm chí còn không biết ảnh hưởng lâu dài của phần lớn hoá chất mà họ tạo ra.

Karl Wagner, giám đốc Chiến dịch DetoX của Quý Quốc tế Vì Thiên nhiên (WWF), cho biết: ''Có tới 43 hoá chất bền và tích tụ sinh học được tìm thấy trong cơ thể của tôi, bao gồm chất chống cháy, chất làm mềm nhựa, chất chống nước và thậm chí là các loại thuốc trừ sâu đã bị cấm cách đây nhiều năm. Ngay cả động vật ở những nơi cách xa nguồn ô nhiễm, như gấu Bắc cực và chim cánh cụt tại Nam cực, cũng bị nhiễm các hoá chất công nghiệp''.

Chương trình thảo luận của các bộ trưởng môi trường EU sẽ tập trung vào một khía cạnh quan trọng của REACH: Tiến trình cấp phép. Đây là một phần của dự luật mới mà sẽ buộc các nhà sản xuất phải xin phép nếu muốn sử dụng những hoá chất có đặc tính tồi tệ nhất như hoá chất ô nhiễm cơ thể của người và động vật. WWF, nhóm Hoà Bình Xanh, tổ chức Những Người Bạn Trái đất... đã viết thư gửi các bộ trưởng, kêu gọi tăng cường thủ tục này nhằm đảm bảo mọi hoá chất gây ra những vấn đề nghiêm trọng, trong đó có cả hoá chất phá vỡ hoóc-môn, sẽ được giải quyết thông qua thủ tục cấp phép.

Ngoài ra, việc sử dụng các hoá chất gây mối lo ngại cao sẽ bị loại trừ vào lúc có hoá chất mới an toàn hơn. Cơ quan hoá chất mới sẽ tiến hành các nghiên cứu độc lập về những hoá chất an toàn hơn nhằm thay thế hoá chất độc hại. Michael Warhurst, quan chức cấp cao về chính sách hoá chất tại WWF, nói: ''Các bộ trưởng có cơ hội tăng cường REACH để đảm bảo nó thực sự xác định và loại bỏ những hoá chất tồi tệ nhất vào bất cứ lúc nào có hoá chất an toàn hơn. Chỉ khi đó, REACH mới khuyến khích việc đổi mới và sản xuất các hoá chất an toàn và xanh hơn''.

REACH là dự thảo luật của châu Âu nhằm xác định và loại bỏ các hóa chất độc hại nhất. Nếu được thông qua, nó sẽ có hiệu lực tại tất cả các nước thuộc EU. Theo dự luật này, các nhà sản xuất hoá chất sẽ buộc phải gửi hồ sơ đăng ký chứa dữ liệu an toàn của những hoá chất được sản xuất với sản lượng trên một tấn mỗi năm tới một cơ quan quản lý hoá chất trung ương. Các loại hoá chất được sản xuất ít hơn sẽ cần ít thông tin hơn. Sau đó, các chuyên gia sẽ đánh giá dữ liệu an toàn. Các hoá chất gây lo ngại cao sẽ bị loại trừ và thay thế bằng hoá chất an toàn hơn nếu ngành hoá chất không tỏ rõ khả năng kiểm soát đầy đủ nguy cơ khi sử dụng, hoặc giá trị kinh tế xã hội thấp hơn các nguy cơ đó.

Gậy ông đập lưng ông

Động vật hoang dã và con người phơi nhiễm với hàng nghìn hoá chất song lại thiếu những thông tin an toàn cơ bản. 86% trong tổng số 2.500 hoá chất được sử dụng với số lượng lớn không có đủ thông tin an toàn, công khai để đánh giá. Nhiều hoá chất có tiềm năng gây nguy hiểm, can thiệp vào hệ thống hoóc-môn của động vật và con người. Những hoá chất khác không phân huỷ trong tự nhiên. Trái lại, chúng tích tụ trong cơ thể sinh vật.

Mười động vật tới Luxembourg để chào đón các bộ trưởng môi trường châu Âu là gấu Bắc cực, chuột, cá hồi, chim cánh cụt, cá heo, chim cắt, ếch, cá sấu Mỹ, gấu trúc và con người. Các nhà khoa học Na Uy gần đây đã tìm thấy chất chống cháy chứa brôm (Deca BDE) ở cơ thể gấu Bắc cực trên quần đảo Spitsbergen xa xôi. Họ cho rằng Deca BDE là chất độc thần kinh, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của động vật cũng như con người. Trong khi đó, PFOS - sản phẩm phụ của hoá chất chống nước và chống bẩn - tích tụ ở mức cao nhất trong cơ thể chuột rừng hoang dã tại Khu Bảo tồn Tự nhiên gần Antwerp. Nó được coi là chất gây ung thư.

Các chất chống cháy có brôm được tìm thấy trong thịt cá hồi tại các vùng hồ xa xôi trên núi thuộc sáu quốc gia châu Âu và Greenland. Chim cánh cụt Adelie ở Nam cực bị ô nhiễm các chất PCN - hoá chất từng được sử dụng trong sơn, dầu bôi trơn và chất bảo quản. Chất sinh ung thư PFOS xâm nhập vào các loài cá heo ở Địa Trung hải. Chất chống cháy có tẩm brôm tích tụ ở mức cao trong trứng của chim cắt tại Thuỵ Điển. Chim cắt là loài động vật hoang dã bị nhiễm loại chất chống cháy có gốc deca. Deca được tin là độc tố thần kinh. Bên cạnh đó, các loài chim tại châu Âu và Bắc Mỹ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuốc trừ sâu DDT hiện đã bị cấm.

Cá sấu Mỹ bị rối loạn sinh sản và số lượng loài này đã suy giảm do thuốc trừ sâu. Bisphenol A, được sử dụng để sản xuất chất dẻo polycarbonat, trong đó có chai sữa cho trẻ sơ sinh bú, gây hiện tượng... đảo ngược giới tính ở cá sấu Mỹ. Số lượng các loài ếch trên khắp thế giới suy giảm mạnh do dị tật chẳng hạn như có thêm chân hoặc chân mọc ở vị trí sai lệch. Atrazine, một loại thuốc diệt cỏ hiện đã bị cấm ở EU bị nghi là thủ phạm.

Các cuộc kiểm tra 47 người, trong đó có 39 nghị sĩ châu Âu, cho thấy sự hiện diện của 76 loại hoá chất khác nhau. Số hoá chất cao nhất được tìm thấy trong cơ thể một người là 54 trong khi con số trung bình là 41. Ít nhất có 13 hoá chất được tìm thấy trong cơ thể của mọi đối tượng được kiểm tra, đó là phthalates, PFC, chất chống cháy có brôm, PCB và thuốc trừ sâu. Các hoá chất ngày càng bị nghi ngờ liên quan tới nhiều loại ung thư, dị ứng và vô sinh.

Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 5/2004 tại châu Âu cho thấy 83% người châu Âu lo ngại về sự tích tụ của hoá chất trong cơ thể con người và động vật. Cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy 69% người châu Âu sẵn sàng chi thêm một euro mỗi năm cho các hàng hoá tiêu dùng hàng ngày nếu ngành hoá chất xác định và loại bỏ các loại hoá chất độc hại nhất.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đập nước đe dọa các hệ sinh thái nước ngọt (24/06/2004)
Chúng tôi, lính cứu hỏa tình nguyện! (22/06/2004)
Báo động Đỏ: Vi khuẩn kháng kháng sinh! (21/06/2004)
2005: Lâm Viên Cần Giờ xuất khẩu khỉ đuôi dài? (20/06/2004)
"Làn đường tình yêu" cho báo bờm (18/06/2004)
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang