Đập nước đe dọa các hệ sinh thái nước ngọt
10:09' 24/06/2004 (GMT+7)

Thế giới đang đối mặt với một thách thức lớn: Cung cấp nước và năng lượng cho số dân ngày càng tăng cũng như giảm đói nghèo. Hiện có 2 tỷ người không được sử dụng điện, trong khi khoảng 1,2 tỷ người thiếu nước uống sạch. Khi áp lực giải quyết nhu cầu nước sạch và điện tăng lên, nhiều nhà hoạch định chính sách coi việc xây dựng đập nước là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, mặt trái là chúng cũng gây ra những thiệt hại lớn về môi trường.

Lợi...

Đập nước giúp nhiều người được dùng nước sạch.

Trên toàn thế giới có hơn 45.000 đập nước lớn tại trên 150 quốc gia và 1.500 đập nữa hiện đang được xây dựng. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội do cung cấp nước cho nông nghiệp và sản xuất điện năng.

50% các đập lớn được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu. Ước tính 30-40% tổng số 271 triệu hecta đất canh tác toàn thế giới phụ thuộc vào các con đập. Tính tổng thể, các đập nước cung cấp nước cho 12-16% sản lượng lương thực thế giới.

Với tư cách một nguồn cung cấp nước ổn định, các con đập cũng đóng vai trò quan trọng với 12% đập lớn được thiết kế để cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp.

Thuỷ điện hiện cung cấp 19% tổng sản lượng điện thế giới với ít khí nhà kính phát thải.

Ngoài ra, nhiều đập nước còn được xây dựng để kiểm soát lũ, góp phần cứu sinh mạng của hàng triệu người.

... Và chi phí kinh tế-xã hội

Nhiều đập phục vụ đa mục đích, kết hợp một số chức năng nói trên. Tuy nhiên, những đập nước đó có thể dẫn tới tình huống mâu thuẫn, chẳng hạn như mức nước trong hồ chứa được giữ ở mức cao để sản xuất điện sẽ làm giảm khả năng kiểm soát lũ. Theo Uỷ ban Các Đập nước Thế giới (WCD), hiệu quả của đập nước lớn không có gì lạc quan, làm dấy lên câu hỏi "Liệu lợi ích thực sự có phù hợp với những lợi ích được dự đoán hay không?".

Chẳng hạn, xét về khía cạnh lợi nhuận, các đập tưới tiêu có xu hướng hoạt động yếu kém. Bên kia của các đập nước, chính hệ thống tưới tiêu được sử dụng trên toàn thế giới có hiệu suất sử dụng nước chỉ có 38% (đánh giá của LHQ vào năm 2003) và có tới 1.500 tỷ lít nước bị lãng phí mỗi năm. Sự lãng phí không thể chấp nhận này cần được giải quyết khẩn cấp.

Các đập nước lớn cũng cần nhiều vốn xây dựng và có thể làm cạn nguồn tài chính của nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo nhất. Đối với việc xây dựng đập thuỷ điện, mỗi một megawatt công suất lắp đặt cần khoảng một triệu USD. Để thu hút các nhà đầu tư, nhiều dự án đập được phát triển để xuất khẩu điện năng cho các nước phát triển hơn nhằm giúp họ thu hồi vốn đầu tư cũng kiếm lợi nhuận. Dự án đập Mphanda Nkuwa ở Mozambique sẽ cung cấp điện cho Nam Phi trong khi đập Nam Theun II ở Lào sẽ cung cấp điện cho Thái Lan. Cả hai dự án có công suất lắp đặt dự kiến là trên 1.000MW và cần vốn đầu tư trên một tỷ USD. Số tiền này làm ngân sách nhà nước càng co hẹp. Chẳng hạn vào năm 1999, thu ngân sách từ thuế ước tính là 211 triệu USD và Mozambique là 393 triệu USD vào năm 2001.

Người ủng hộ những dự án này cho rằng đầu tư vào dự án lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển, nếu không nói là trực tiếp thông qua hiệu ứng ''nhỏ giọt''. Tuy nhiên, trên thực tế lại có sự hoài nghi về việc liệu các khoản đầu tư đó có phải là cách hiệu quả nhất để đạt những mục tiêu phát triển đối với các vùng nghèo nhất hay không.

Quan điểm của những người ủng hộ đang bị chỉ trích. Chẳng hạn, mặc dù thừa nhận rằng tiến bộ xã hội đối với các nước nghèo nhất không thể tách rời khỏi sự phát triển kinh tế song Uỷ ban Thế giới về Xu hướng Xã hội của Toàn cầu hoá (năm 2004) cho rằng tiến bộ về kinh tế không có nghĩa là tiến bộ về xã hội. Mặc dù về nguyên tắc, các dự án có thể bù đắp cho sự thất bại của hiệu ứng nhỏ giọt bằng các quy định cụ thể về chia sẻ lợi nhuận và giảm đói nghèo song điều này thường không xảy ra.

Đập Tam Hiệp đang được xây dựng ở Trung Quốc.
Cùng lúc đó, có những tác động xã hội lớn, trực tiếp và gián tiếp, liên quan tới việc xây dựng các con đập lớn. Tác động xã hội trực tiếp liên quan tới việc di dân, bởi xây dựng đập và hồ chứa lớn cần nhiều đất, thỉnh thoảng đó là đất nông nghiệp màu mỡ hoặc đất có tầm quan trọng về lịch sử hoặc văn hoá. Ngoài ra, còn có tác động xã hội liên quan tới tái định cư. WCD ước tính mức di dân toàn cầu do các đập nước là 40-80 triệu người. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), con số thống kê chính thức tại Trung Quốc là 10,2 triệu người từ năm 1950 tới 1990. Dự án đập Tam Hiệp (Trường Giang) phải di dời tới 1,2 triệu người. Trong một thế giới ngày càng chật chội, việc cạnh tranh về đất đai và tài nguyên trở nên khắc nghiệt hơn, làm cho các nước ngày càng khó tìm ra các địa điểm xây dựng đập tiềm năng mà không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít tới dân cư. Ngày càng khó tìm đất phù hợp để bồi thường cho người phải di dời mà không gây xung đột với các cộng đồng lâu đời ở vùng tái định cư. Việc tái định cư dân nông nghiệp tại các khu vực đô thị có thể gây ra nhiều vấn đề mới về mặt xã hội.

Cũng có một loạt tác động gián tiếp liên quan tới đập nước lớn. Các cộng đồng sống ở vùng hạ lưu của các con đập, đặc biệt là cộng đồng phụ thuộc vào đồng bằng ngập lũ tự nhiên để kiếm kế sinh nhai như trồng trọt, chăn nuôi và ngư nghiệp, bị ảnh hưởng nhiều nhất khi các đập được xây dựng ở thượng lưu. Chẳng hạn, ở Tây Bắc Nigeria, đập Bakolori trên sông Dokoto làm giảm mức lũ trung bình 50%, dẫn tới việc co hẹp diện tích trồng trọt 53%. Trong trường hợp đập Manantali trên sông Senegal, 500.000-800.000 người không thể tiếp cận với các đồng bằng ngập lũ phì nhiêu lâu nay vẫn hỗ trợ kế sinh nhai của họ. Một ví dụ nữa là sông Tocantins ở Brazil - nơi sau khi xây dựng đập Tucurui, sản lượng cá đánh bắt giảm chừng 60%, làm số ngư dân giảm mạnh. Những tác động ở vùng hạ lưu này là vấn đề trung tâm của việc quản lý các lưu vực sông, đặc biệt là nhiều phức tạp từ lưu vực sông xuyên biên giới phát sinh.

Về mặt hợp tác quốc tế quản lý các lưu vực sông, những nước nằm ở thượng nguồn không chịu hợp tác vì họ nhận được ít quyền lợi từ việc làm đó. Hai ví dụ là Trung Quốc, nước ở thượng nguồn, không tham gia Uỷ ban Sông Mekong và Guinea ở lưu vực sông Senegal không phải là thành viên của Tổ chức Lưu vực Sông Senegal. Do vậy, về mặt kinh tế, các đập nước mang lại nhiều lợi ích song khiến cho nước chủ nhà chịu những chi phí về xã hội.

Tác động môi trường của đập nước?

Đáy sông Danube khô cằn ở Dunakiliti do việc xây dựng đập Gabcikovo ở Hungary gây ra.

Tác động môi trường liên quan tới những đập nước được chứng minh một cách thuyết phục bằng tư liệu và gần đây, mọi người càng quan tâm nhiều hơn tới ảnh hưởng kinh tế và xã hội từ những tác động môi trường này.

Các tác động đó thay đổi về quy mô và tính nghiêm trọng song thường là rộng khắp trên toàn lưu vực sông. Đập nước cắt rời các con sông khỏi đồng bằng ngập lũ của chúng và đất ngập nước, làm giảm tốc độ dòng chảy. Chúng tác động tới hình thái di cư của cá và những môi trường chẳng hạn như thác nước, ghềnh, bờ sông và đất ngập nước. Những môi trường trên là nơi kiếm ăn và sinh sản quan trọng đối với nhiều loài thuỷ sinh cũng như động vật cạn, góp phần duy trì các chức năng sinh thái khác, như lọc nước.

Do làm chậm dòng chảy, các đập nước ngăn cản trầm tích trôi xuống vùng châu thổ, cửa sông, rừng ngập lũ, đất ngập nước và biển nội địa, do đó ảnh hưởng tới các loài sinh vật cũng như giảm độ phì nhiêu của đất canh tác. Chẳng hạn như hoạt động đánh cá ven bờ phụ thuộc vào lượng trầm tích thượng nguồn để bổ sung chất dinh dưỡng. Sau khi đập cao Aswan được xây dựng trên sông Nile, lượng phosphat và silicat bị cuốn tới khu vực ven bờ biển giảm 4-18% so với trước khi xây đập. Hậu quả là lượng dinh dưỡng sụt giảm cùng với sự gia tăng độ mặn trong vùng châu thổ này do dung lượng dòng chảy giảm. Chất dinh dưỡng ít làm giảm mạnh sản lượng cá đánh bắt.

Trầm tích bị giữ lại cũng ảnh hưởng tới các hoạt động của bản thân đập và rút ngắn tuổi thọ dự kiến của chúng. Tại Mỹ, mỗi năm có 2km3 dung tích hồ chứa bị mất do trầm tích bị giữ lại với chi phí 819 triệu. Trầm tích lắng đọng trong hồ chứa vẫn là một bài toán chưa có lời giải, liên quan tới việc quản lý và khai thác đập nước.

Việc các đập cản nước sẽ làm giảm chu kỳ lũ vốn thường đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ngập nước và ven bơ dưới hạ lưu, khiến cho môi trường ngập nước và ven bờ cũng như những loài liên quan biến mất.

Hoạt động của các đập nước cũng ảnh hưởng tới chất lượng nước. Chẳng hạn như các đập cổ hơn có xu hướng xả nước được dự trữ ở đáy hồ. Nước đó lạnh hơn và ảnh hưởng bất lợi tới các loài đã thích ứng với nước ấm hơn.

Sông bị bồi đắp bên dưới đập Mettur ở Ấn Độ.

Những thay đổi về mức oxy và chất dinh dưỡng hoà tan cũng tác động tới các loài cá xuôi dòng. Thời gian và lượng nước xả ra từ các đập nước không thể giống các chu kỳ lũ tự nhiên của hệ thống sông. Cuối cùng, nước và trầm tích giữ lại ảnh hưởng tới chất lượng nước cũng như khả năng xử lý nước của sông (khả năng phân huỷ chất ô nhiễm hữu cơ). Nước di chuyển chậm trong các hồ chứa bị phân tầng thay vì hoà trộn với nhau với nước ở đáy thường bị thiếu oxy. Tầng nước thiếu oxy này tạo ra khí sulphid hydro độc hại, làm giảm chất lượng nước. Ngoài ra, nước thiếu oxy được xả ra từ đập bị suy giảm khả năng xử lý chất thải ở phạm vi 100km xuôi dòng. Nguyên nhân là khả năng xử lý chất thải của nước sông phụ thuộc trực tiếp vào mức oxy hoà tan.

Không chỉ có đập nước gây tác động mà còn có cả cơ sở hạ tầng liên quan, như đường xá dẫn tới công trường xây dựng, đường dây tải điện hoặc kênh tưới tiêu. Các đập nước thường là một bộ phận của các kế hoạch phát triển vùng - nơi nhiều đập được đặt trong cùng lưu vực hoặc nơi nước được chuyển từ lưu vực nhiều nước tới lưu vực thiếu nước. Quy mô lớn của việc dẫn nước xuyên lưu vực gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Việc dẫn nước đòi hỏi phải xây dựng những đường ống dài. Hai trong số những dự án dẫn nước phức tạp nhất hiện đang được tiến hành ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tây Ban Nha cũng có một dự án lớn ở miền Nam - Bắc song kế hoạch này đang được xem xét lại.

Với sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp, tài nguyên nước ở miền Bắc Trung Quốc đã giảm mạnh. Sông Hoàng hà trong vùng này chỉ còn chảy nhỏ giọt ở một số nơi và hiện không thể chảy ra biển trong trên 200 ngày mỗi năm. Sự khan hiếm nước ở miền Bắc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh đã dẫn tới sự ra đời của một trong những kế hoạch dẫn nước tham vọng nhất trên thế giới. Dự án dẫn nước từ miền Nam tới miền Bắc với kinh phí 12 tỷ USD sẽ dẫn nước từ sông Dương tử đi 1000km tới lưu vực sông Hoàng hà, sông Hoài và Hải hà ở miền Bắc.

Đồng cỏ ngập lũ cung cấp nguồn cá quan trọng gần hồ Chad, châu Phi.

Tất cả những tác động nói trên đã làm mất đa dạng sinh học nước ngọt giảm khả năng sản xuất hàng hoá và dịch vụ của các hệ sinh thái nước mà con người phụ thuộc. Mặc dù chưa thể xác định tác động tương đối của đập nước từ dữ liệu hiện nay song rõ ràng rằng chúng và cơ sở hạ tầng liên quan chẳng hạn như kênh mương cũng như kế hoạch tưới tiêu góp một phần lớn vào sự suy thoái hệ sinh thái nước ngọt. Một thước đo mà có thể được sử dụng để đại diện cho tác động của đập nước và kênh dẫn là mức độ chia cắt của các con sông và mức dòng chảy ở lưu vực.

Đánh giá 227 lưu vực sông lớn trên thế giới cho thấy 37% tổng số sông lớn bị ảnh hưởng mạnh bởi sự chia cắt và thay đổi dòng, 23% bị ảnh hưởng vừa phải và 40% không bị ảnh hưởng. Về tổng thể, các hệ thống sông bị chia cắt mạnh và vừa phải chiếm gần 90% tổng khối lượng nước chảy qua số sông được phân tích. Những con sông lớn duy nhất còn được chảy tự do trên thế giới tập trung ở vùng lãnh nguyên Bắc Mỹ và Nga cũng như vùng ven biển châu Phi và Mỹ La-tinh. Về mặt sinh thái, việc chia cắt các con sông khiến cho các phần khác nhau của lưu vực sông không còn được liên thông, làm thay đổi căn bản hệ sinh thái và ảnh hưởng tới các loài động - thực vật. Điều này hoàn toàn có thực đối với những loài có thói quen di cư trên những quãng sông dài chẳng hạn như cá catfish khổng lồ (Pangasianodon gigas) ở lưu vực sông Mekong. Đã từng là một loài cá quan trọng đối với ngư nghiệp ở miền Bắc Thái Lan, kể từ năm 2001, không có một con catfish khổng lồ nào được đánh bắt.

Nhìn khắp các lưu vực sông, về mặt đa dạng sinh học nước ngọt, rõ ràng là một số loài có nguy cơ cao. Chẳng hạn như cá heo sông nằm trong số những thú có vú bị đe doạ nhiều nhất trên thế giới. Bốn trong số năm loài thú nước ngọt có vú ở châu Á bị đe doạ nghiêm trọng hoặc bi đe doạ theo sách đỏ của IUCN. Những loài này bao gồm cá heo sông Dương tử, cá heo không vây sông Dương tử, cá heo sông Indus và cá heo sông  Ganges. Loài thứ năm, cá heo sông Irrawaddy, được tìm thấy ở sông Irrawaddy và sông Mekong. Cả hai con sông này nằm trong số những con sông bị lâm nguy trong phân tích của WWF. Sự suy thoái môi trường và thay đổi dòng chảy do đập nước gây ra chính là những mối đe doạ chính đối với các loài này.

Các con sông lâm nguy!

Cá heo nước ngọt Irrawaddy ở sông Mekong bị đe doạ.

Do nhu cầu tích nước đã được đáp ứng và việc xây dựng các đập thuỷ điện ở phần lớn các nước phát triển đã chậm lại, với một số ngoại lệ như Tây Ban Nha và Nhật Bản, một số quốc gia như Mỹ thậm chí đang phá một số đập để phục hồi các con sông.

Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, đập nước thường là một trong những lựa chọn đầu tiên của chính phủ nhằm tăng lượng nước cho canh tác, sinh hoạt và sản xuất điện năng. Uỷ ban Quốc tế về Các Đập nước lớn (ICOLD) đã kêu gọi tăng gấp đôi số các đập toàn cầu. Tuy nhiên, liệu có khả thi hay không khi làm điều đó mà không ảnh hưởng tới các chức năng sinh thái cơ bản của sông? Các hàng hoá và dịch vụ do các hệ sinh thái nước ngọt cung cấp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là ở hạ lưu các đập nước mới?

Công nghệ đập nước đã được cải tiến theo thời gian. Ngày nay, một đập lớn có thể được xây dựng theo cách ít gây hại cho môi trường hơn so với trong quá khứ. Việc tránh xây dựng các đập lớn trên phần sông chính và thiết kế đập tốt hơn có thể tối thiểu hoá các tác động. Cửa thông cho cá đi qua, sử dụng dữ liệu thuỷ văn để cải thiện dòng chảy tự nhiên cũng như chú trọng về nhiệt độ, mức oxy thích hợp của nước được xả ra khỏi đập có thể cải thiện hoạt động của đập lớn. Điều không may là việc thiếu các dữ liệu thuỷ văn và sinh học tại nhiều vùng trên thế giới có thể dẫn tới những dự đoán không đáng tin cũng như biện pháp giảm nhẹ tác động không đầy đủ.

Nỗ lực của ngành xây dựng đập nước nhằm cải thiện các tiêu chuẩn đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, quy mô khổng lồ của một số đập tại những lưu vực sông có giá trị đa dạng sinh học cao làm cho chúng không thể tránh khỏi việc gây ra các tác động lớn, đặc biệt là tại vùng châu thổ và hạ lưu. Một số sông lớn chẳng hạn như Colorado, Rio Grande và Hoàng hà không thể chảy ra biển trong hàng trăm ngày và điều này chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn.

Phân tích mang tên "Các dòng sông lâm nguy" của Quỹ Quốc tế Vì Thiên nhiên (WWF) cho thấy lưu vực sông Dương Tử ở Trung Quốc có nhiều đập mới nhất đang được hoạch định hoặc xây dựng (46 đập), tiếp theo là lưu vực La Plata ở Nam Mỹ (27 đập), lưu vực sông Tigris và Euphrates ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq (26). Ba con sông tiếp theo là sông Salween ở Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar, sông Kizilirmak ở Thổ Nhĩ Kỳ và sông Ganges ở Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ và Bangladesh.

Bồ nông bị đe doạ ở châu thổ Kizilirmak.

Lưu vực sông Dương Tử là một trung tâm đa dạng sinh học cả về mặt đất và nước ngọt với 322 loài cá và 169 loài động vật lưỡng cư. Tuy nhiên, nhiều loài đang bị đe doạ khi dân số đông và nhu cầu nước cũng như năng lượng đã dẫn tới việc xây dựng nhiều đập với tốc độ nhanh. Ngày nay, 46 đập cao trên 60m đang được xây dựng hoặc hoạch định, bao gồm đập Tam Hiệp. Một số loài bị đe doạ do sự biến đổi dòng sông cũng như môi trường gần bờ bao gồm cá sấu Trung Quốc - loài cá sấu bị đe doạ nghiêm trọng nhất trên thế giới, cá heo không vây - giống cá heo duy nhất thích nghi với nước ngọt trên Trái đất (số lượng của chúng hiện đang giảm nhanh), và cá heo mỏ sông Dương tử hay baiji (hiện chỉ còn vài chục con). Nhiều loài chim chẳng hạn như cò đang bị đe doạ và nguồn cá sụt giảm.

Thác Epupa trên sông Kunene ở Namibia bị đe doạ do dự án phát triển thuỷ điện.

Lưu vực sông La Plata là lưu vực lớn thứ hai ở Nam Mỹ sau Amazon và là nơi cư trú của hơn 110 triệu người. Lưu vực này được chia sẻ bởi Brazil, Bolivia, Paraguay, Uruguay và Argentina. Nó có ba tiểu lưu vực là Parana, Uruguay và Paraguay. Parana là con sông bị chia cắt mạnh với nhiều đập và công trình thuỷ lợi. hai sông còn lại, Paraguay và Uruguay, có ít đập hơn. Sông Paraguay là mạch máu trung tâm của Pantanal, hệ sinh thái ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới. Các vùng đất ngập nước của Panatal là một hệ thống phức tạp gồm đầm lầy, đồng bằng ngập lũ, phá và các kênh thoát nước liên thông. Hệ động thực vật nơi đây cực kỳ đa dạng, bao gồm 80 loài thú có vú, 650 loài chim và 400 loài cá. Hiện chúng đang bị đe doạ bởi Dự án Hidrovia. Hidrovia bao gồm việc kênh hoá hơn 3.500km sông Parana và Paraguay. Ngoài Hidrovia, có sáu đập lớn hiện đang được xây dựng và 21 đập nữa đang được hoạch định ở vùng thượng lưu sông Paraguay, bao gồm đập Corpus trên phần chính của sông Parana. Nó sẽ làm ngập lụt 380km2.

Lưu vực sông Tigris và Euphrates được chia sẻ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Jordan. Điểm yếu của nó là thiếu nước và có nguy cơ sa mạc hoá cao. Kể từ những năm 1950 các nước này đã phát triển đập nước. Sự suy thoái nguồn nước trong lưu vực đặc biệt đáng lo ngại đối với những vùng đất ngập nước đa dạng chẳng hạn như đầm lầy Mesopotamian ở Iraq. Sự suy giảm nguồn cá cũng có tác động nghiêm trọng tới những người phụ thuộc vào chúng. Về mặt tổng thể, lưu vực hiện bị biến đổi bởi các đập nước và kênh tưới tiêu. Với 26 đập nước mới hiện đang được hoạch định hoặc xây dựng ở thượng nguồn, nguồn nước ở hạ lưu cũng như cơ chế thuỷ văn sẽ bị biến đổi lớn.

Lời kết

Để tránh thiệt hại quy mô lớn, tiến trình ra quyết định xây dựng đập nước cần tính đến các nhu cầu, sự lựa chọn và đánh giá tác động. Cơ quan Quản lý Lưu vực Sông Hợp nhất (IRBM) cung cấp các công cụ để đánh giá và tránh những tác động lớn đối với lưu vực sông. Uỷ ban Các Đập nước thế giới (WCD) đã cung cấp một loạt hướng dẫn nhằm cải thiện việc ra quyết định song những hướng dẫn này hiện không được thực hiện ở phần lớn các quốc gia.

WWF kêu gọi các chính phủ và nhà phát triển đập nước áp dụng những hướng dẫn của WCD và đảm bảo nhu cầu nước, năng lượng được đáp ứng theo một cách thức bền vững, không phá huỷ các hệ sinh thái mà cung cấp nguồn nước sạch và ổn định.

  • Minh Sơn (Tổng hợp từ WWF)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chúng tôi, lính cứu hỏa tình nguyện! (22/06/2004)
Báo động Đỏ: Vi khuẩn kháng kháng sinh! (21/06/2004)
2005: Lâm Viên Cần Giờ xuất khẩu khỉ đuôi dài? (20/06/2004)
"Làn đường tình yêu" cho báo bờm (18/06/2004)
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang