Chàng trai Rami Abi Ali tuổi "bẻ gãy sừng bò" cố hết sức dùng mặt sau của xẻng để dập lửa. Bên cạnh anh, người bạn dùng tay bơm nước từ cái bình đeo trên lưng. Sau vài phút, ngọn lửa dịu dần rồi tắt hẳn. Hai chàng lính cứu hỏa tình nguyện chui qua bụi rậm, tìm đến "kẻ thù" mới trên "chiến trường" chống lửa.
Đây chỉ là một vụ cháy rừng tương đối nhỏ, và nhóm tình nguyện viên khoảng 20 người chỉ mất chừng một tiếng là đã khống chế được ngọn lửa. Mặt đất nghi ngút khói được phun nước từ xe chữa cháy, sau đó nhóm tình nguyện viên tập hợp dụng cụ lại rồi trèo lên xe, về quán cà phê của làng để "uống chút gì man mát." Giống như hầu hết các vụ cháy rừng khác ở Li-băng, vụ cháy này cũng xảy ra do nông dân nhóm lửa để phát quang vườn cây hoặc đồng cỏ.
Ít người + Bất cẩn = Thảm họa
|
Ngôi làng Ramlieh thanh bình nằm trong thung lũng của... thần lửa. |
Pedro Regato, người phụ trách Chương trình Rừng Địa Trung Hải của Quỹ Quốc tế Vì Thiên nhiên (WWF), giải thích: "Nông dân khắp vùng Địa Trung Hải dùng lửa để phát quang đất đai. Nhưng họ thường không kiểm soát nổi ngọn lửa, vì thế gây nên thiệt hại khủng khiếp. Mỗi năm lại có một vùng rộng lớn trong khu vực trở thành mồi cho thần lửa, gây nên hiện tượng mất đa dạng sinh học, khô hạn, đất xâm thực trên cánh đồng thâm canh, và tạo ra nhiều tác động xấu về mặt kinh tế."
Cũng như các vùng khác trên Địa Trung Hải, trong suốt một thập kỷ qua, nạn cháy rừng ở Li-băng đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết trước tác động của việc thay đổi phương thức sử dụng đất. Trước đây, người dân địa phương thường lấy cành cây bụi trong rừng làm củi đun khiến cho tầng cây thấp khô trong rừng mỏng đi rất nhiều. Giờ đây họ chuyển sang dùng điện, vì thế tầng cây tán thấp cứ dày lên mãi và trở thành nguồn nhiên liệu lý tưởng cho những vụ cháy rừng. Bên cạnh đấy, ngày càng có nhiều đất đai bỏ hoang. Nhiều người rời bỏ quê hương trong chiến tranh, và vì thế công việc đồng áng truyền thống giờ đây không còn mang lại nhiều giá trị kinh tế nữa. Vì có ít người đỡ đần công việc, những người nông dân còn lại ngày càng hay dùng lửa để phát quang đồng ruộng.
Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên... thảm họa. Chỉ riêng năm ngoái, trên đất nước nhỏ bé này đã có sơ sơ... 15.000 vụ cháy xuất phát từ những đám lửa ngoài-tầm-kiểm-soát do nông dân nhóm lên. Khu rừng thông và sồi quanh ngôi làng nhỏ Ramlieh trên đỉnh núi Li-băng là một trong những "nạn nhân" chớp nhoáng của cháy rừng: Biến mất hoàn toàn sau vài giờ hoành hành của ngọn lửa. Monir Bu Ghanem, sinh viên quản trị kinh doanh 22 tuổi có mặt tại vụ cháy năm 1992, nhớ lại: "Thực sự là một cú sốc lớn đối với tôi. Tôi rất thích ngồi chơi dưới tán cây rừng hoặc thám hiểm các thung lũng và thác nước. Thế rồi đột nhiên tất cả biến mất."
Phải "làm một cái gì đấy"
|
Cứu hỏa là công việc khó khăn và gian khổ. | Quyết tâm làm "một cái gì đấy" để khắc phục thảm họa, Monir thành lập một nhóm trồng rừng gồm bốn người bạn. Họ bắt đầu ươm hạt và trồng lại cây rừng, trước hết là xung quanh Ramlieh, sau đó là trên khắp Li-băng. Trong suốt thập kỷ qua, họ đã trồng được 250.000 cây trên phạm vi toàn đất nước. Monir cho biết: "Chương trình tái trồng rừng của chúng tôi rất thành công. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã nhận ra rằng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn thế nữa. Vấn đề quan trọng hơn chính là bản thân các vụ cháy."
Một trong những vấn đề khiến nhiều người phải trăn trở là cuộc chiến chống lại thần lửa lại gặp khó khăn từ việc thiếu nhân lực và hợp tác từ chính... lính cứu hỏa, dân quân và các Bộ ngành trong chính phủ. Giờ đây là một tổ chức từ thiện mang tên Hiệp hội Bảo tồn và Phát triển Rừng (AFDC), nhóm của Monir... giải quyết tất cả các rắc rối nói trên. Monir giải thích: "Chúng tôi xây dựng một hệ thống vai trò và trách nhiệm rõ ràng đối với các nhóm khác nhau tham gia dập lửa cháy rừng. Và trong thời gian mười năm qua, chúng tôi đã huấn luyện cho dân làng kỹ năng phát hiện nơi có cháy, huy động họ và tiến hành dập lửa."
Những chàng "lính" trẻ măng tơ
|
Ngọn lửa nhỏ này có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nông dân và trở thành thảm họa. |
Việc thành lập tổ chức cứu hoả tình nguyện không hẳn là một ý tưởng mới, nhưng điều đáng nói ở đây là độ tuổi của các tình nguyện viên. Rami là một tình nguyện viên trẻ điển hình như thế - khi tham gia nhóm cách đây bốn năm, Rami chỉ mới là một cậu bé 13 tuổi. Trong nhóm của Rami có rất nhiều học sinh phổ thông, ngoài ra nhiều trẻ em trong làng cũng tha thiết muốn được tham gia. Tình nguyện viên được chuyên gia của AFDC và dân quân huấn luyện, sau đó làm việc cho nhóm cứu hỏa của làng. Thông thường, các nhóm này "độc lập tác chiến", nhưng khi ngọn lửa quá lớn thì họ sẽ liên lạc với lực lượng dân quân để được giúp đỡ.
Dập lửa là công việc nặng nhọc đối với các chàng trai trẻ này. Mỗi năm, một người trung bình phải "chiến đấu" với 20 đám cháy, và thường phải mất từ vài giờ cho tới vài ngày để dập tắt lửa. Ngoài ra, tình nguyện viên còn có nguy cơ dẫm phải mìn nằm vương vãi trong rừng. Rami nói: "Tôi không thấy sợ, bởi vì tôi đã được huấn luyện phương pháp dập lửa. Tôi cảm thấy sung sướng vì có thể góp phần của mình vào công tác cứu hỏa. Hồi đầu, bố tôi rất lo lắng khi tôi tham gia cứu hỏa trong những vụ cháy lớn, nhưng giờ đây ông ấy biết là chúng tôi đã giỏi rồi nên không có vấn đề gì nữa. Giờ đây, mọi việc đơn giản hơn so với hồi tôi mới bắt đầu. Trước đây, chúng tôi phải mang theo xẻng và rìu của riêng mình, lại không có dụng cụ phun nước phù hợp hay quần áo bảo hộ. Nhưng sau khi AFDC nhận được hỗ trợ của WWF, chúng tôi đã được trang bị tốt hơn với đồng phục và giày ủng bảo hộ."
Mỗi năm, các tình nguyện viên lại giảm bớt diện tích rừng bị cháy xuống rất nhiều. Tại Ramlieh, trong số 30 vụ cháy của năm 2003, chỉ có bảy vụ bùng lên thành đám cháy lớn mà thôi. Tuy nhiên, chống cháy không phải là giải pháp lâu dài, mà cách tốt nhất vẫn là làm sao cho không có đám cháy nào. Vì vậy, AFDC đang tổ chức giáo dục cho nông dân về các hoạt động quản lý lửa tốt hơn, chẳng hạn như đốt vào mùa đông hoặc mùa xuân, khi cây cối xanh tốt và ẩm ướt, chứ không phải là vào mùa thu khô ráo.
"Tôi lại có ước mơ lớn hơn!"
|
Trồng rừng sao cho kịp với tốc độ... cháy rừng! |
Và AFDC đang thu những thành quả đầu tiên. Monir cho biết: "Chúng tôi thường đi và tiến hành điều tra mỗi lần bắt gặp nông dân dùng lửa để phát quang ruộng đồng. Nhờ vậy, chúng tôi đã ngăn được một số nông dân đốt lửa, còn một số khác thì gọi điện và báo rằng họ vừa mới nhóm lửa nhưng không cần đến chúng tôi vì họ có thể tự kiểm soát được ngọn lửa." Ngoài ra, các tình nguyện viên trẻ tuổi còn tác động rất lớn đến nông dân - nhiều nông dân không còn đốt nương rẫy nữa, bởi vì họ không muốn con mình phải gặp nguy hiểm khi đám cháy bùng lên.
Nhìn chung, đối với năm sinh viên đại học nuôi giấc mơ ban đầu là khôi phục khu rừng cho làng Ramlieh, đây là một thành công lớn. Giờ đây, AFDC đang được công nhận là một tổ chức bảo tồn cấp quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục và xây dựng năng lực. Thành viên của AFDC bao gồm 400 tình nguyện viên và 15 nhân viên thường trực hoạt động rải rác tại trụ sở ở Beirut và chín văn phòng ở các làng khác nhau trên khắp đất nước Li-băng. Bên cạnh trồng cây, cứu hỏa và công tác giáo dục, trung tâm ban đầu đặt tại Ramlieh đã được mở rộng thêm một trung tâm du lịch sinh thái và hội nghị môi trường. Tổ chức AFDC còn hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương nhằm thành lập những hoạt động bền vững mang lại giá trị cho rừng và bảo vệ rừng lâu dài.
Và Monir vẫn còn nhiều kế hoạch khác cho tương lai. Anh nói: "Chúng tôi đã trải qua một quá trình chống cháy rừng và tái trồng rừng lâu dài tại các khu vực bị cháy. Nhưng tất cả chỉ mới ở cấp độ địa phương và khu vực mà thôi. Li-băng cần phải có chính sách cấp độ quốc gia nhằm bảo vệ rừng và chống cháy rừng. Để đưa chính phủ tham gia vào chương trình nghị sự là một việc khó. Sau 20 năm bị nội chiến tàn phá, chính phủ còn có nhiều mối quan tâm lớn đối với các vấn đề kinh tế, xã hội, nhưng tôi tin là sẽ thành công. Nhiều người đã cười tôi khi tôi bảo họ về kế hoạch của mình. Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi bị đối xử như là những đứa trẻ chứ không ai nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Thành quả mà chúng tôi vừa đạt được đã vượt quá những gì chúng tôi tưởng tượng mười năm trước đây. Giờ đây, chúng tôi chỉ có một ước mơ lớn hơn mà thôi!"
Rừng và cháy rừng ở Địa Trung Hải |
Rừng Địa Trung Hải là một trong những trung tâm đa dạng thực vật của Trái đất, chiếm khoảng 10% thực vật có hoa trên thế giới trong khoảng hơn 1,6% bề mặt Trái đất. Nằm giữa vùng chuyển tiếp của châu Âu, châu Phi và châu Á, khu vực toàn cây bần, sồi xanh, tuyết tùng, thông và ô-liu này là quê hương của khoảng 25.000 loài thực vật, trong đó có 13.000 loài đặc hữu. Rừng ở đây còn cực kỳ đa dạng về mặt động vật, trong đó có cả những loài thú có vú lớn như gấu nâu, sói, báo, tinh tinh Barbary và linh miêu Iberia.
Ban đầu, rừng bao phủ khoảng 82% diện tích Địa Trung Hải; nhưng ngày nay, con số này chỉ còn lại 17% dưới tác động của hoạt động con người, đặc biệt là cháy rừng. Mỗi năm, tại Địa Trung Hải có tên 50.000 vụ cháy rừng khiến cho 600.000-800.000ha bị thiêu rụi, tương đương với diện tích đảo Crete hoặc Corsica (1,3%-1,7% tổng diện tích). Các vụ cháy rừng này tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Hy Lạp: Diện tích cháy rừng trung bình hàng năm tại các nước này đã tăng gấp bốn lần kể từ những năm 1960. Cháy rừng do nông dân đốt để làm nương chiếm tới hơn 95% các vụ cháy tại Địa Trung Hải. |
Khánh Hà (Tổng hợp) |