Báo động Đỏ: Vi khuẩn kháng kháng sinh!
21:02' 21/06/2004 (GMT+7)

Báo động đã chuyển sang màu đỏ, khi các loại vi khuẩn bệnh viện kháng loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã xuất hiện một cách độc lập tại ít nhất tám quốc gia khác nhau.

Báo động đỏ!

Khuẩn Staphylococcus aureus.

Khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) đã trở thành một vấn đề toàn cầu vì chúng kháng phần lớn các loại kháng sinh, ngoại trừ vancomycin. Vancomycin là giải pháp cuối cùng để tiêu diệt loại khuẩn này. Một loại MRSA kháng vancomycin được phát hiện vào năm 1997. Cho tới nay, giới khoa học cho rằng khả năng kháng thuốc này chỉ tồn tại ở một loại MRSA.

Mark Enright thuộc ĐH Bath (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với mọi người vẫn nghĩ trước kia. Đó chỉ còn là thời gian, có lẽ là vài năm, trước khi kháng sinh vancomycin không thể tiêu diệt được vi khuẩn tại một số khu vực. Đã có ba trường hợp tại Mỹ song chúng tôi tin rằng tình trạng này sẽ trở nên phổ biến hơn''.

MRSA là một dạng Staphylococcus aureus kháng kháng sinh - loại vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong mũi hoặc da của người khoẻ mạnh. Chúng có thể gây nhiễm trùng da, như mụn nhọt. Những bệnh nhiễm trùng đó thường được điều trị mà không cần kháng sinh. Tuy nhiên, dạng khuẩn trên cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và trong vòng 50 năm qua, chúng đã kháng nhiều loại kháng sinh.

Enright và nhóm của ông đã nghiên cứu 101 mẫu MRSA hoặc là kháng hoàn toàn hoặc từng phần vancomycin. Các mẫu được thu thập từ tám quốc gia Pháp, Anh, Na Uy, Ba Lan, Mỹ, Nhật Bản, Thuỵ Điển và Trung Quốc. Họ đã phân tích một số gien của chúng để giải mã dạng MRSA nào kháng vancomycin (gọi là VISA). Kết quả cho thấy có chín dạng khuẩn VISA và chúng đã tiến hoá từ năm loại MRSA khác nhau. Trước kia, tất cả vi khuẩn VISA được cho là bắt nguồn từ một loại MRSA. Nhóm nghiên cứu tin rằng tình trạng kháng vancomycin sẽ trở nên phổ biến hơn khi loại kháng sinh này được sử dụng để điều trị cho nhiều người nhiễm MRSA.

Kháng kháng sinh, tại sao?

Các loại kháng sinh.

Kháng sinh là một trong những phát hiện quan trọng nhất đối với sức khoẻ con người trong thế kỷ XX, giúp cứu nhiều mạng sống. Điều quan trọng hiện nay là cần bảo vệ sự hiệu quả của kháng sinh để điều trị nhiều loại bệnh do vi khuẩn gây ra ở người. Khi penicillin được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, penicillin là một "phép màu", nhanh chóng làm biến mất những vết thương nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau khi các công ty dược bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1943, các loại vi khuẩn kháng thuốc cũng xuất hiện!

Có bốn nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh:

Thứ nhất: Sử dụng không đúng kháng sinh để điều trị những bệnh không phải do vi khuẩn gây ra đang góp phần vào sự lan rộng của vi khuẩn kháng thuốc. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, 1/3 tổng số đơn thuốc kháng sinh dành cho bệnh nhân ngoại trú là không cần thiết. Kháng sinh không gây hại cho virus. Khi mọi người uống kháng sinh để điều trị các bệnh do virus gây ra chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh, chúng tấn công vi khuẩn ''tốt'' trong cơ thể. Hậu quả là số vi khuẩn có lợi giảm và cơ thể người uống cung cấp điều kiện thuận lợi để vi khuẩn ''xấu'' sinh sôi.

Thứ hai: Bệnh nhân không tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ. Mặc dù kháng sinh có hiệu quả trong việc tấn công vi khuẩn nhạy cảm song một số vẫn có thể sống sót đặc biệt là nếu bệnh nhân không uống đủ lượng thuốc cần thiết để làm việc đó. Những loại vi khuẩn kháng thuốc còn sống này nhân lên và việc tiêu diệt chúng trở nên khó khăn hơn nhiều. Vi khuẩn kháng thuốc cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Lời khuyên của bác sĩ là nếu được kê đơn một loại kháng sinh, hãy uống tất cả thuốc theo chỉ dẫn ngay cả khi cảm thấy tốt hơn. Không nên sử dụng kháng sinh còn thừa để điều trị một dạng bệnh khác.

Thứ ba: Kể từ những năm 1950, nông dân đã sử dụng kháng sinh, kể cả các kháng sinh dành cho người, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ bổ sung kháng sinh vào thức ăn để trung hoà hiệu ứng của các điều kiện nuôi nhốt chật chội, vệ sinh kém, cũng như làm động vật tăng trưởng nhanh.

Tại Mỹ, mỗi năm có tới 1/3 tổng lượng kháng sinh được sản xuất được bổ sung vào thức ăn động vật. Lượng kháng sinh nhiều khi không đủ để chữa bệnh cho vật nuôi và dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở mầm bệnh lây truyền qua thực phẩm, gây ra vấn đề sinh thái lớn cũng như đe doạ sức khoẻ con người. Những vi khuẩn kháng kháng sinh thông thường đó tồn tại trong quá trình giết mổ và chế biến, khiến người tiêu dùng có nguy cơ nhiễm chúng khi ăn hoặc thậm chí chạm vào thịt hoặc động vật sống. Nếu chúng gây ra các bệnh nghiêm trọng ở người, kháng sinh thông thường sẽ không có hiệu quả.

Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng dẫn tới hiện tượng kháng thuốc ở những vi khuẩn không phải là mầm bệnh. Tuy nhiên, những vi khuẩn đó có thể chuyển gien kháng thuốc của chúng cho vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, kháng sinh còn được sử dụng để phun lên thực vật để tiêu diệt vi khuẩn. Dư lượng kháng sinh trên các quả và rau này có thể tấn công vi khuẩn tốt trong ruột người và tiếp tay cho vi khuẩn có hại, kháng thuốc sống sót.

Trung tâm Khoa học Quyền lợi Công chúng, Quỹ Bảo vệ Môi trường và Liên minh các nhà khoa học (UCS) của Mỹ đã tổng kết những bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp đang gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn cư trú trong cơ thể người. Nhiều vi khuẩn kháng không chỉ một mà nhiều loại kháng sinh. Chẳng hạn, sự phổ biến kháng năm loại kháng sinh của vi khuẩn salmonella đã tăng từ 0,6% năm 1979 lên 34% năm 1996.

Ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một vấn đề phức tạp, cần một giải pháp nhiều mặt. Cần phải giải quyết nó ở cả cấp quốc gia lẫn quốc tế và trên nhiều lĩnh vực từ quy định, buôn bán cho tới giáo dục. Một số giải pháp là tăng cường giám sát, khuyến khích mọi người đưa ra sáng kiến thiết lập hệ thống chăn nuôi không phụ thuộc vào kháng sinhnghiên cứu các loại thuốc thú y mới.

Thứ tư: Sự sẵn có của kháng sinh không cần kê đơn tại một số quốc gia cũng gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Nhiều người đã uống kháng sinh để trị cảm lạnh mà không biết rằng nó chỉ có hiệu quả đối với bệnh nhiễm khuẩn. Sử dụng quá liều cũng dẫn tới sự xuất hiện của nhiều dạng vi khuẩn kháng thuốc.

Giải quyết vấn đề

Theo các nhà khoa học, kháng kháng sinh là không thể tránh khỏi song có nhiều biện pháp khả thi để làm chậm tốc độ của vấn đề này. Các biện pháp trên nhiều mặt trận đang được thực thi, bao gồm cải thiện việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bào chế kháng sinh mới và sử dụng thuốc hiệu quả hơn. Barbara E.Murray thuộc ĐH Texas cho biết cả các biện pháp đơn giản cũng có tác dụng, chẳng hạn như nhân viên y tế rửa tay thường xuyên hơn, xác định và nhanh chóng cách ly bệnh nhân có các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc, cải thiện hệ thống thoát nước cũng như đảm bảo nước sạch ở các nước đang phát triển.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia cần chia sẻ thông tin về tình trạng kháng kháng sinh cũng như nâng cao ý thức của công chúng, bác sĩ, bác sĩ thú y và nông dân về vấn đề này bằng nhiều hình thức chẳng hạn như thảo luận trực tiếp hoặc phát tờ rơi. Các chuyên gia cũng yêu cầu WHO, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Văn phòng Bệnh dịch Động vật Quốc tế phối hợp để thu thập dữ liệu, tiêu chuẩn hoá các phương pháp kiểm tra và soạn thảo quy tắc sử dụng kháng sinh ở vật nuôi.

Minh Sơn (Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
2005: Lâm Viên Cần Giờ xuất khẩu khỉ đuôi dài? (20/06/2004)
"Làn đường tình yêu" cho báo bờm (18/06/2004)
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang