"Làn đường tình yêu" cho báo bờm
17:02' 18/06/2004 (GMT+7)

Đã từng có thời đi lang thang ở đa phần châu Phi và châu Á, ngày nay chỉ còn khoảng 12.000 báo bờm (cheetah) trong tự nhiên, tập trung phần lớn ở miền Đông và Nam châu Phi. Nhiều cá thể đang tìm cách sinh tồn trên đất canh tác, nơi chúng thường xuyên xung đột dữ dội với con người.

Từ sứ giả báo bờm...

Báo bờm có tỷ lệ sinh sản thành công rất thấp.

Báo gê-pa (guépard, hay cheetah, tên khoa học là Acinonyx jubatus), còn gọi là báo bờm, được Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Công ước Buôn bán quốc tế Các Loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) liệt vào danh sách các loài bị đe doạ. Khi con người gia tăng về số lượng và sự phát triển cướp đi ngày càng nhiều môi trường tự nhiên cũng như con mồi của chúng (chủ yếu là linh dương), số phận của động vật thuộc họ mèo này trông thật ảm đạm.

Trước tình hình này, một con báo thuần hoá tên là Byron, còn được gọi là ''sứ giả báo bờm'', thường xuyên được đưa tới các trường học và các cuộc gặp gỡ với nông dân, cộng đồng địa phương tại Nam Phi như là một phần của sáng kiến nhằm giành được trái tim và khối óc của mọi người. Byron đang đóng một vai trò quan trọng trong một kế hoạch đầy tham vọng: bảo tồn và phục hồi số lượng báo bờm ở miền Nam châu Phi. Trong các chuyến thăm, mọi người được khuyến khích đứng gần một trong những động vật săn mồi hoàn hảo nhất của tự nhiên. Họ được phép vuốt ve bộ lông và chiếc đuôi mềm mại của Byron với hy vọng điều đó sẽ làm cho họ thấy được vẻ đẹp tuyệt vời cũng như thúc đẩy họ ủng hộ kế hoạch bảo tồn báo bờm.

Tuy nhiên, thay đổi quan điểm của con người đối với báo bờm chỉ là một phần của chương trình cứu loài động vật cạn chạy nhanh nhất này. Loài mèo lớn trên cũng có một số vấn đề về di truyền - sự đa dạng nghèo nàn trong chính loài này và thiên hướng nhiễm bệnh cũng như sinh sản không thành công. Các nhà nghiên cứu và bảo tồn đang đề xuất một số biện pháp hoà trộn sự đa dạng về di truyền trong số các cá thể báo bờm còn lại càng nhiều càng tốt nhằm tăng cường huyết thống cũng như tạo ra sức đề kháng. Họ cũng đang thử nhiều cách mới để cải thiện khả năng sinh sản.

 

Một số chuyên gia tin rằng vấn đề di truyền của báo bờm có thể xuất hiện cách đây 10.000 năm, khi sự thay đổi về khí hậu có lẽ đã làm suy giảm mạnh số lượng của chúng. Sự cố trong tiến trình tiến hoá này có lẽ đã dẫn tới sự giao phối cận huyết giữa số báo bờm còn sống sót. Những người khác lại đổ lỗi cho nạn săn bắn quá mức đã bắt đầu cách đây hơn một thế kỷ. Môi trường sống bị phân tán và thuốc trừ sâu cũng phần nào đẩy báo bờm tới nguy cơ tuyệt chủng.

... Đến Sổ Báo bờm quốc tế

Trung tâm Động vật hoang dã và Báo bờm De Wildt, nằm ở Tây Bắc thành phố Pretoria (Nam Phi), cứu báo bờm bằng hai cách: Gia tăng tỷ lệ sinh sản thành công và cải thiện chỗ đứng của loài mèo này với con người. Trung tâm do Ann van Dyk thành lập cách đây 30 năm tại trang trại của gia đình bà và được phép bắt, nhân giống và buôn bán báo bờm theo Công ước CITES. CITES là một thoả thuận quốc tế giữa chính phủ của các quốc gia nhằm bảo đảm rằng việc buôn bán động thực vật hoang dã không đe doạ tới sự sống còn của chúng.

Howard G.Buffett, con trai của nhà triệu phú Warren Buffett, cũng tham gia bảo tồn báo bờm. Buffett gặp Van Dyk cách đây chừng sáu năm, sau khi anh xem một chương trình truyền hìnhi về nỗ lực bảo tồn báo bờm của Van Dyk. Anh ưa thích dự án bảo tồn tới mức đã mua một trang trại gần De Wildt và thành lập các cơ sở nghiên cứu cũng như nhân giống báo bờm. Trang trại cũng giữ những cá thể bị bắt trên những nông trường không thân thiện cho tới khi được thả vào những trang trại thân thiện. Việc nhân giống chọn lọc nhằm bảo tồn báo bờm liên quan tới các cuộc xét nghiệm máu và ADN. Chương trình cũng cấy các vi mạch vào báo bờm mới sinh trong nuôi nhốt cũng như những cá thể bị bắt hoặc được di chuyển khỏi những nơi có nguy cơ bị săn bắt. Vi mạch phát ra các tín hiệu điện tử để theo dõi nơi ở của báo bờm.

Lịch sử sinh sản của mỗi cá thể được lưu trong Sổ Báo bờm quốc tế nằm tại Vườn thú quốc gia ở Washington. Cuốn sách ghi lại số hiệu cũng như mọi ca sinh, tử, nhập khẩu và chuyển giao báo bờm. Theo Van Dyk, đánh dấu bằng vi mạch là một phương pháp theo dõi những con báo bờm bị bắt và được sinh ra trong nuôi nhốt khi chúng được chuyển tới các khu bảo tồn tự nhiên hoặc trại chăn nuôi. Nó bảo đảm rằng báo bờm không bị buôn bán trái phép hoặc được sử dụng làm mục tiêu cho những người đi săn giải trí. Ghi lại chi tiết mỗi cá thể - công việc mà De Wildt đã làm trong nhiều năm - thực sự giúp ích cho chương trình nhân giống chọn lọc của trung tâm này.

Mặc dù rất nhanh nhẹn với khả năng tăng tốc từ 0 tới 72km/giờ trong vòng 2 giây và có thể đạt tới vận tốc 114km/giờ, báo bờm lại tương đối yếu và không thể chống lại những động vật săn mồi cạnh tranh. Nghiên cứu thuộc dự án De Wildt cho thấy tỷ lệ sinh sản thấp trong số cá thể báo bờm đực. Tỷ lệ sống của báo con cực thấp trong tự nhiên và dường như chúng dễ mắc các căn bệnh lây nhiễm của họ mèo. Tất cả đều là do sự đa dạng nghèo nàn về gien. Báo bờm cũng không sinh sản dễ dàng trong điều kiện nuôi nhốt, làm cho nỗ lực gia tăng số lượng loài này trở nên khó khăn. Tuy nhiên, cách đây vài năm, De Wildt đã đạt được bước đột phá trong lĩnh vực này.

Từ làn đường tình yêu...

Van Dyk giải thích rằng những con báo bờm đực, còn trẻ, sống theo nhóm và thường tấn công báo bờm cái đơn độc trong các khu đất rào. Để khắc phục vấn đề này, một làn đường tình yêu đã được tạo ra - nơi báo đực có thể lũ lượt đi qua các khu đất rào có báo cái. Khi một cặp tỏ vẻ quan tâm tới nhau, con đực sẽ được thả vào chuồng của báo cái để giao phối. Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, các chuyên gia phải nghiên cứu cẩn thận dòng dõi của chúng để tránh giao phối cận huyết. De Wildt đã ghi lại chi tiết của mọi báo bờm trong nhiều năm, nhằm đảm bảo rằng chỉ có động vật thuộc dòng dõi khác và từ các vùng khác của Nam Phi mới được ghép đôi vì mục đích nhân giống.

Van Dyk cho biết: ''Bằng cách này, chúng tôi có thể củng cố loài báo báo bờm. Tiến trình sẽ mất một thời gian dài song chúng tôi cần tạo ra báo gêpa có hệ di truyền tốt hơn''. Thông qua nhân giống chọn lọc, De Wildt cũng có thể nhân giống báo bờm vua tuyệt đẹp và rất hiếm. Báo bờm vua có những nét khác biệt, thậm chí trước đây các nhà khoa học cho là một loài khác. Trên thực tế, gien trội của báo bờm vua lại là gien lặn của báo bờm bình thường.

Chương trình nâng cao ý thức của người dân về báo bờm trong nỗ lực bảo tồn loài này mới được bắt đầu gần đây song đang mang lại những kết quả đầy hứa hẹn. Do thói quen săn bắn bằng cách rượt đuổi con mồi với tốc độ cao nên báo bờm thích những vùng đất rộng, nơi chúng dễ bị con người phát hiện và gặp nguy hiểm. Khả năng săn mỗi tinh nhanh khiến cho chúng trở thành vật đáng ghét trong con mắt của các chủ nuôi gia súc. Đây chính là lĩnh vực mà Byron tham gia. Con báo được thuần hoá này là sứ giả cho đồng loại của nó tại các cuộc gặp gỡ với con người.

... Đến tương lai của báo bờm?

Về bản chất, báo bờm là những động vật hiền lành và dễ được thuần hoá. Người Ai Cập cổ đại đã nuôi chúng làm thú cảnh. Tại Ấn Độ, báo bờm được sử dụng làm động vật đi săn trước khi tuyệt chủng tại đó. Van Dyk cho biết cô vô cùng cảm động khi thấy nhiều trẻ em chạm tay vào báo con Byron tại cơ sở đào tạo Spier ở Cape. Cô nhìn thấy những vẻ mặt hạnh phúc của chúng và nhận ra rằng để cứu báo bờm, mọi người phải bắt đầu từ trẻ em.

Hiện báo Byron đang được đưa tới các trường học nơi học sinh có thể chạm vào nó. Đây là một phần của dự án giáo dục nhằm dạy trẻ em về các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng như bảo vệ thiên nhiên. Van Dyk cũng có kế hoạch làm thay đổi quan điểm của nông dân và các cộng đồng địa phương. Cô nói: ''Hy vọng của chúng tôi là nhiều người sẽ có ý thức bảo vệ báo bờm sau khi nhìn thấy một con báo bờm ở ngay trước mắt, nhìn vào đôi mắt mềm mại, chạm và vuốt ve nó.

Dự án bao gồm việc thuyết phục nông dân bắt giữ những con báo bờm gây phiền nhiễu chứ không phải giết chúng. Họ nhận được 1.300 USD cho mỗi con báo. Sau đó, động vật bị bắt giữ được đưa tới khu đất có rào trên trang trại của Buffett nơi các cuộc kiểm tra ADN và sức khoẻ được tiến hành trong khi chờ đợi được đưa tới các khu bảo tồn và trang trại sẵn sàng bảo tồn báo bờm. Báo bờm được giữ trong các khu đất rào và được sử đụng để ghép đôi với các cá thể được nhân giống trong nuôi nhốt nhằm tăng số lượng cũng như hệ gien của chúng. 79 báo bờm đã được cứu bằng cách này. Các chủ đất nào chấp nhận thu nạp báo bờm bị bắt giữ và bảo vệ chúng trên trang trại của họ sẽ nhận được các biển hiệu từ De Wildt công bố rằng họ thân thiện với báo bờm.

Một báo bờm đang đánh chén linh dương.

Một khía cạnh quan trọng của dự án là nhốt hai con báo đực trong một khu đất rào trên trang trại của Buffett có diện tích chừng 1.000ha nơi chúng tự do săn linh dương. Mục đích của thí nghiệm là chứng tỏ rằng báo bờm có thể sống sót trên một vùng đất hẹp như vậy. Theo các quy định của chính phủ Nam Phi, chỉ có thể giữ báo bờm trên những khu đất có diện tích ít nhất là 5.000ha với đủ con mồi để chúng sinh tồn ít nhất là hai năm. Bằng cách chứng minh rằng có thể giữ báo bờm an toàn trên những vùng đất có diện tích 1.000ha, De Wildt hy vọng các nhà chức trách sẽ cho phép trung tâm này phân phố báo bờm tới nhiều chủ đất hơn, những người hiện bị loại trừ do diện tích đất của họ hạn chế. Thí nghiệm sẽ kéo dài trong vòng hai năm.

GS Kobus Bothma, giám đốc Trung tâm Quản lý Động vật Hoang dã tại ĐH Pretoria cho biết giữ báo bờm trong các vùng đất nhỏ hơn 5.000ha có nghĩa là chúng không thể tự cung tự cấp con mồi như trong các vùng bảo tồn lớn. Do vậy, phải bảo đảm rằng các vùng đất nhỏ có đủ con mồi và việc nhân giống cần được kiểm soát.

  • Minh Sơn (Theo National Geographic) 
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dịch tả: Nỗi kinh hoàng của nước Anh thế kỷ XIX (16/06/2004)
Sứ mạng 11 năm của tàu thăm dò Cassini-Huygens (15/06/2004)
Mơ ước đã lâu: Biến nước biển thành nước ngọt (14/06/2004)
Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì? (10/06/2004)
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang