Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất?
03:32' 04/06/2004 (GMT+7)

David Scott (Mỹ) là một trong 12 nhà du hành vũ trụ đã từng bước đi trên Mặt trăng. Ông trở thành bạn thân của Alexei Leonov (Nga), và cả hai quyết định viết về cuộc chạy đua vũ trụ. Trò chuyện cùng David Scott...

Ông có còn nhớ việc đi bộ trên Mặt trăng?

David Scott.

- Đó là một nơi tuyệt đẹp và điều đáng chú ý nhất là cách các bạn nhanh chóng thích ứng với môi trường ở đó. Quả là tuyệt vời khi được ở trong một môi trường hoang sơ như thế. Có một số nơi trên Trái đất đẹp không kém song khoảng cách và sự hoang vắng là một đặc điểm nữa vốn khó có thể mô tả bằng lời. Bạn cần một nhà thơ hoặc một hoạ sĩ để thưởng thức. Công việc của chúng tôi là thám hiểm. Một nhà thơ có thể miêu tả nó và để lại nó như một di sản.

Ông đã trao cho chúng tôi một di sản khoa học vĩ đại: Đó là hạ cánh xuống Mặt trăng. Ông phát hiện ra khoáng chất olivine mày xanh trong một hòn cuội gần miệng Spur mà khẳng định nguồn gốc của Mặt trăng. Một nhà thơ có lẽ đã bỏ qua điều đó.

- Thật là hồi hộp khi là một phần của một thứ gì đó quan trọng, song phải nói thật là tôi không ý thức được tầm quan trọng của hòn đá cuội này vào thời điểm đó. Đó là một trường hợp khám phá khoa học kiểu cổ điển - một thứ gì đó chúng ta nhặt lên chỉ bởi vì chúng ta biết nó khác biệt. Đó là nhờ một phần trong chương trình huấn luyện về địa chất của chúng tôi: khi nhìn thấy một thứ gì đó khác biệt, bạn phải nhặt nó. Từ mẫu tí hon, chúng tôi phát hiện Mặt trăng là một phần vỏ Trái đất bị thổi bay trong một vụ va chạm với một vật thể khác.

Liệu có phải cuộc chạy đua vũ trụ chỉ đơn thuần là một sản phẩm của hoạt động chính trì thời kỳ đó? Ông có biết ơn rằng cuộc chiến tranh lạnh đã xảy ra hay không? 

Chương trình Apollo (kéo dài từ năm 1963 tới năm 1972) được thiết kế nhằm đưa con người lên Mặt trăng và mang họ an toàn trở về Trái đất.

Sáu tàu Apollo (Apollo 11, 12, 14, 15, 16 và 17) đã đạt được mục tiêu này. Apollo 7 và 9 là tàu quanh theo quỹ đạo quanh Trái đất để thử nghiệm module chỉ huy và module Mặt trăng, không chuyển về Trái đất dữ liệu liên quan tới Mặt trăng.

Apollo 8 và 10 thử nghiệm nhiều bộ phận trong khi quay theo quỹ đạo quanh Mặt trăng và truyền về Trái đất hình ảnh bề mặt Mặt trăng. Apollo không hạ cánh xuống bề mặt mà chỉ chụp ảnh do tai nạn.

Sáu con tàu trên lại hạ cánh xuống Mặt trăng và mang về một kho dữ liệu khoa học cũng như gần 400kg mẫu thu từ Mặt trăng. Các thí nghiệm trên Mặt trăng bao gồm cơ học đất, thiên thạch, địa chấn, dòng nhiệt, từ trường và thí nghiệm gió mặt trời.

Các module chỉ huy của các tàu Apollo hiện được trưng bày tại nhiều địa điểm ở Mỹ và thế giới. Các module Mặt trăng của Apollo được điều khiển lao xuống Mặt trăng nhằm tạo động đất nhân tạo trên đó để phục vụ thí nghiệm địa chấn.

- Câu trả lời của tôi là có và có. Tôi là người may mắn vì đã ở đúng nơi, đúng lúc. Tổng thống Kennedy muốn thể hiện những lợi ích của một xã hội dân chủ và cách xã hội đó thúc đẩy sự phát triển của công nghệ. Động lực bay tới Mặt trăng được chính trị thúc đẩy. Dù có đúng như thế thì tôi vẫn nghĩ Kennedy thật dũng cảm khi tuyên bố vào tháng 5/1961 rằng Mỹ sẽ ở trên Mặt trăng vào cuối thập kỷ ấy. Nhiều điều đang giày vò ông ấy, bao gồm thất bại của Mỹ trong việc xâm lược Vịnh Con Heo của Cuba vào tháng 4 trước đó. Hồi ấy, Liên bang Xô Viết (cũ) đã thử nghiệm một quả bom hydro lớn gấp ba lần quả bom mà nước Mỹ có, đang mở rộng khắp thế giới và đi đầu trong công nghệ vũ trụ. Tất cả những nhân tố này làm cho Kennedy đưa ra một quyết định mà nhiều người can ngăn. Quả Kennedy có tầm nhìn rộng, bởi vào năm 1961 chúng tôi vẫn không biết lên Mặt trăng bằng cách nào.

Chương trình vũ trụ của Mỹ bị cản trở như thế nào sau khi vụ hoả hoạn trên tàu con thoi Apollo 1 vào năm 1967 đã giết các nhà du hành Ed White, Gus Grissom và Roger Chaffee?

- Mọi người tin rằng chúng tôi có những vấn đề lớn: không chỉ có hoả hoạn mà con tàu đó còn có trục trặc. Tuy nhiên, có lẽ thảm hoạ đáng sợ này làm chúng tôi hít một hơi thật sâu và sửa chữa những trục trặc hẳn đã có thể gây ra những bi kịch khác sau đó. Điều chúng tôi lo lắng là liệu Quốc hội có tiếp tục ủng hộ chương trình này hay không... 

Ông đã bao giờ nghĩ rằng Mỹ sẽ bị đánh bại trong cuộc đua lên Mặt trăng?

- Tôi nghĩ rằng ý nghĩ đó rất gần. Trong cuốn sách của chúng tôi, Alexei say sưa nói về điều đó bởi anh ấy có lẽ hẳn là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng nếu Liên bang Xô Viết (cũ) không thất bại. Họ chuẩn bị phóng một phi hành đoàn bay quanh Mặt trăng vào đầu tháng 12/1968. Họ hoãn lại kế hoạch đó do phi thuyền thử nghiệm không người lái đang gặp khó khăn khi trở lại Trái đất. Chúng tôi đã bay quanh Mặt trăng vào cuối tháng 12 trên tàu Apollo 8. Nước Mỹ đã làm được điều đó trước tiên.

Cái chết của Sergei Pavlovich Korolev (ảnh trên)vào năm 1966 đã ảnh hưởng sâu sắc tới chương trình vũ trụ của Liên Xô (cũ).

Cái chết của Sergei Pavlovich Korolev vào năm 1966 đã ảnh hưởng sâu sắc tới chương trình vũ trụ của Liên bang Xô Viết (cũ). Ông là người thầy vĩ đại của chương trình vũ trụ Xô Viết và mọi thứ có lẽ đã khác nếu ông còn sống. Các nhà lãnh đạo Xô Viết có một niềm tin như vậy vào Korolev. Ông là tất cả: kỹ sư, nhà khoa học và chính trị gia. Ông đã tự điều khiển tốt đẹp toàn bộ chương trình. Nhiều nhân tố quyết định tới kết quả song Liên bang Xô Viết (cũ) đã mất rất nhiều khi Korolev qua đời.

Tinh thần giành thắng lợi trong cuộc đua này có bao giờ làm lu mờ yêu cầu giảm thiểu nguy cơ?

- Tôi không nghĩ là mọi người ở NASA chịu những rủi ro đặc biệt: tính toán rủi ro là phong cách của chúng tôi. Tới Mặt trăng thật là khó và cần sự tận tâm hoàn toàn. Có lẽ một trong những điều sai lầm của chúng tôi là làm cho nó trông có vẻ dễ dàng.

Các nhà du hành vũ trụ Mỹ đồng cảm với các phi hành gia Xô Viết hay sự cạnh tranh và cuộc chiến tranh lạnh hoàn toàn chi phối họ?

 
 

- Chúng tôi tới từ cùng một thế giới và luôn quan tâm tới công việc mà những nhà du hành Xô Viết đang làm. Tôi gặp các nhà du hành vũ trụ Xô Viết đầu tiên tại triển lãm hàng không Paris 1967. Đó là Pavel Belyayev và Konstantin Feoktistov. Khi chúng tôi gặp hai người này, chúng tôi rất hoà hợp với nhau và chính trị đã biến mất. Nói thật là chúng tôi thực sự không biết nhiều về chương trình vũ trụ của Xô Viết. Chúng tôi biết Vladimir Komarov đã bị chết khi trở lại khí quyển Trái đất vào năm 1967, bởi sự kiện này được báo chí đưa tin. Chúng tôi không biết nhiều về các vấn đề mà họ đang gặp phải với động cơ đẩy mà thực sự là nguyên nhân ngăn cản họ.

Ông gặp Alexei Leonov như thế nào?

- Sau Appollo 15, tôi nhận ra dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz là chương trình thách thức tiếp theo. Hợp tác với một quốc gia nữa trong không gian là một cơ hội lớn. Tôi gặp Alexei tại Moscow năm 1973. Anh ấy chuẩn bị bay trên còn tàu này. Sau Apollo-Soyuz vào năm 1975, tôi gặp anh ấy một lần nữa. Sau đó vào tháng 12/1993, chúng tôi ăn trưa sau một hội nghị và anh ấy bắt đầu kể cho tôi những câu chuyện của anh ấy. Chà, thật là tuyệt vời! Đó là sự khởi đầu cho dự án viết sách chung của chúng tôi.

Trong cuốn sách, Leonov nói rằng các ông dùng ''những từ khó nghe'' khi các ông gặp nhau. Làm thế nào mà các ông vượt qua những bất đồng đó?

Alexei Leonov.

- Tôi không nghĩ là chúng tôi thực sự dùng những từ khó nghe. Chúng tôi nói chuyện thông qua phiên dịch của anh ấy trong cuộc thảo luận kéo dài đầu tiên của chúng tôi. Do vậy, tôi không nghĩ là chúng tôi la hét. Tuy nhiên, chúng tôi có một cuộc tranh luận sôi nổi về các chương trình vũ trụ và chính trị. Điểm chốt lại là chúng tôi thích nhau. Sự tương đồng nhiều hơn sự bất đồng. Chúng tôi vượt qua chính trị bởi chúng tôi thực sự hoà đồng và thích bay. Anh ấy nhanh nhẹn, thông minh và vui nhộn. Điều mỉa mai là với tư cách là những phi công lái máy bay chiến đấu, chúng tôi có lẽ đã bắn hạ lẫn nhân nếu tình hình ở Hungary leo thang vào năm 1956.

Cả ông và Leonov đã gặp nguy hiểm trong chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ. Có phải điều này đã làm hai người xích lại với nhau hay không?

- Đúng vậy, cả hai chúng tôi đã gặp những sự cố đe doạ tới tính mạng. Tuy nhiên, đó là những sự cố khác nhau. Alexei gặp khó khăn khi trở lại Voskhod 2 sau khi trở thành người đầu tiên đi bộ trong không gian. Anh ấy bị kẹt khi trở lại buồng không khí của phi thuyền này. Vượt qua thách thức này, cần sự quyết tâm cao. Trong phi thuyền Gemini 8, Neil Armstrong và tôi phải cố gắng kiểm soát con tàu đang rơi này.

Điều đó nghe có vẻ giống như chuyện mạo hiểm?

Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

- Không đến mức như vậy! Chúng tôi không biết vấn đề là gì và tàu Gemini của chúng tôi gắn với tàu Agena sau khi thực hiện phiên diễn tập ghép nối đầu tiên trong không gian. Tàu Agena có trục trặc trước đó, do vậy chúng tôi cho rằng nó gây ra sự tròng trành. Trên thực tế, Gemini là vấn đề. Kiểm tra từng thứ trong một môi trường đầy căng thẳng, chúng tôi tìm ra một giải pháp. Sau đó, chúng tôi biết được một trong những tên lửa đẩy của Gemini khai hoả sai và để ngăn chặn điều đó, Neil khai hoả động cơ sử dụng cho quá trình trở lại khí quyển. Đây là nỗ lực cuối cùng để ổn định con tàu và nó đã có hiệu quả.

Lúc đó ông có sợ không?

- Bạn không được phép sợ vào lúc đó, mà phải giữ bình tĩnh để phân tích tình hình. Nếu bạn sợ hãi, mọi thứ sẽ hỏng bét. Tại West Point, tôi được dạy là phải lạnh lùng trước áp lực. Trong chương trình vũ trụ cũng tương tự như vậy. Neil đã làm một công việc tuyệt vời giúp chúng tôi hạ cánh song nghĩ lại tôi đoán rằng chúng tôi gần tiến tới tình trạng bất tỉnh.

Ông đã luyện tập như thế nào để xử lý tình huống trong những giây phút đó?

- Mọi người không hiểu phi hành đoàn đã dành nhiều thời gian như thế nào trong phi thuyền mô phỏng. Chúng giống như những sứ mạng thực cùng với những trục trặc giả đinh. Giáo viên biết giải pháp song chúng tôi thì không. Sau đó, họ nói: ''Pin số 1 bị hỏng và các anh bỏ qua nó''. Chúng tôi đáp lại: ''Được rôi, chúng tôi sẽ không bỏ qua điều đó lần tới". Chưa bao giờ có sự khiển trách hoặc xúc phạm. Đó là một kiểu giáo dục mở và hiệu quả.

Ông đã mô phỏng những giải pháp được sử dụng cho tai nạn của tàu Apollo 13 hay không?

- Không, chúng tôi thực sự thử nghiệm các giải pháp đó trong không gian. Khi tôi ở trên tàu Apollo 9, chúng tôi đã thử nghiệm hai phần của con tàu này - module chỉ huy và module Mặt trăng - và sử dụng LM cũng như động cơ của nó làm phi thuyền cứu hộ khẩn cấp. Nhờ vậy mà chúng tôi đã đưa Apollo 13 trở về Trái đất. Chúng tôi hoạch định mọi thứ. Chúng tôi uống một cốc bia vào buổi đêm và hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu điều này hoặc điều kia xảy ra trước khi chúng tôi bắt đầu bay. NASA nghĩ về mọi tình huống mà mọi người không biết.

Thật là buồn khi phải rời Mặt trăng sau Apollo 15. Ông cảm thấy thế nào?

- Thật là buồn bởi Mặt trăng đã trở thành một "người bạn thân thiết". Mọi người cho rằng chúng tôi cảm thấy bị cô lập song không phải vậy. Đồng nghiệp của tôi - Jim Irwin ở đó. Bạn muốn ở lâu hơn nhưng bạn biết bạn phải ra đi.

Ông đã nói rằng bảo vệ Trái đất là rất quan trọng. Từ Mặt trăng, ông thấy Trái đất thế nào?

- Tầm quan trọng của Apollo không phải là việc chúng tôi đặt chân lên Mặt trăng mà là chúng tôi nhìn thấy Trái đất từ Mặt trăng. Khi làm điều đó, bạn hiểu vị trí của Trái đất trong vũ trụ. Nó thật mong manh và là điểm duy nhất, rất nhỏ mà con người có thể sống trên đó. Bạn nghĩ: ''Mình nên chăm sóc nó hoặc mình sẽ không thám hiểm thêm nữa''.

Liệu ông có ngạc nhiên không khi thấy kể từ khi đó, con người vẫn chưa trở lại Mặt trăng?

- Tôi nghĩ có lẽ phải mất 10-15 năm nữa. Mặc dù vậy, chẳng có lý do gì để không trở lại. Không có động lực chính trị và như bạn biết đấy, khoa học không nhận được tiền. Khoa học tạo ra nhiều thứ cho thế giới song khi nói tới chuyện tài trợ cho khoa học, thế giới lại không muốn biết.

Chẳng có gì giống như thách thức bay tới Mặt trăng. Tuy nhiên, khi bạn đã ở đó, bạn biết bạn sẽ không trở lại. Bạn không từ bỏ mà tìm kiếm những điều mới mẻ. Al Bean của tốp Apollo 12 trở thành một nghệ sĩ thành công và Jack Schmitt của Apollo 17 trở nên thượng nghị sĩ Mỹ. Về mặt lịch sử, các sứ mạng của chúng tôi chỉ là một chấm thời gian nhỏ.

  • Minh Sơn (Theo NewScientist)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang