Ô nhiễm cadmium: Báo động từ gạo hương lài Thái Lan
03:53' 04/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thật ra, gạo hương lài (gạo jasmine) Thái Lan chỉ là một trong các dấu vết đầu tiên của vụ ô nhiễm kim loại nặng cadmium ở tỉnh Tak của nước này. 110.000 người ở Tak có nguy cơ ngộ độc cadmium, song đây là một phát hiện muộn những... hai năm. Chưa hết, phản ứng của Bộ Nông nghiệp Thái Lan vào cuối tuần trước cũng bị xem là muộn thêm những hai tháng! Tại sao vậy?

Báo động từ gạo hương lài "ngon nhất Thái Lan"

Tỉnh Tak ở phía Bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 426km, nằm ở lòng chảo sông Ping, phía Tây giáp biên giới Myanmar với các dãy núi và sông Moei.

5.700 người được cảnh báo không dùng tiếp các loại cây lương thực mọc trên vùng đất sinh sống của họ, do các cơ quan chức năng đã xác định mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của kim loại nặng cadmium (Cd) trong khu vực này. Trong đó, có 500 người đang có nguy cơ bị loãng xương và tổn hại thận do ngộ độc cadmium. Họ đều là cư dân ở lòng chảo Huai Mae Tao, huyện Mae Sot, tỉnh Tak.

Trước đó, vào ngày 17/1/2004, báo The Nation đưa tin: Viện Quốc tế Quản lý Nước (IWMI) - một tổ chức môi trường thế giới đã cho biết khoảng 110.000 người ở tỉnh Tak có nguy cơ nhiễm phải những căn bệnh nguy hại do tích tụ cadmium trong cơ thể với mức cao hơn tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Theo báo cáo năm... 2002 của IWMI, kết quả khảo sát đất và tài nguyên nước tại Phra That Phadaeng và Mae Tao ở khu vực lòng chảo Huay Mae Tao (huyện Mae Sot, tỉnh Tak) đã cho thấy vùng này bị ô nhiễm cadmium hết sức nặng nề. Nghiên cứu 154 ruộng lúa ở tám làng trong khu vực, IWMI cho biết đất bị nhiễm cadmium cao hơn 94 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc tế. IWMI cũng nghiên cứu nồng độ cadmium có trong gạo, tỏi và đậu nành sản xuất tại đây. Kết quả: Nhiễm cadmium cao hơn mức Tiêu chuẩn châu Âu cho phép! Cụ thể: Có 0,1-44 miligam cadmium trong 1kg gạo, cao hơn tiêu chuẩn an toàn là 0,043 miligam/kg gạo. Trong tỏi và đậu nành, độ cadmium cao hơn khoảng 16-126 lần tiêu chuẩn được phép.

Vì vậy, IWMI đã dự báo nạn ô nhiễm cadmium có thể ảnh hưởng đến 5.756 cư dân thuộc tám ngôi làng trong khu lòng chảo này, và cả với 106.413 cư dân của huyện Mae Sot - những người tiêu thụ trực tiếp gạo từ các làng trên. Ngay sau đó, Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan đã thành lập một ủy ban điều tra về vấn đề này... 

Tới ngày 27/2/2004, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Prapat Panyachatraksa đã công bố: Loại gạo jasmine của Phra That Phadaeng ở huyện Mae Sot, tỉnh Tak - từng đoạt nhiều giải thưởng gạo jasmine ngon nhất Thái Lan trong hai năm 2002, 2003 -  đã bị phát hiện có chứa cadmium ở mức không thể chấp nhận được!

Kể ra, khẳng định trên của Bộ trưởng Prapat dù có "sát sạt" và thẳng thắn song đã muộn mất hai năm, kể từ khi IWMI có kết luận về vụ này vào năm 2002.

Đừng ăn gạo nhiễm cadmium!

Dù chưa rõ đâu là nguồn gây ô nhiễm, song các giả thuyết đều tập trung vào hai công ty khai thác mỏ kẽm trong khu vực: Padaeng Industry Plc, và Tak Mining Co. Cả hai công ty này đã phủ nhận khả năng chính họ phải chịu trách nhiệm về vụ ô nhiễm, và đã thuê trường Đại học Chulalongkorn tiến hành riêng một cuộc nghiên cứu về nguồn gây ô nhiễm.  

Hồi tháng 7/2003, Thái Lan cũng đã báo động về tình trạng tích tụ cadmium trong cá mực, sau khi Liên minh châu Âu từng cảnh báo về độ cadmium của mực xuất khẩu từ Thái Lan đã vượt quá Tiêu chuẩn châu Âu. Thoạt đầu, các quan chức liên quan của Thái Lan biện bạch rằng phần lớn mực xuất khẩu của nước mình thật ra được đánh bắt từ "những vùng biển lân cận". Theo cục trưởng Cục Tài nguyên ven bờ Thái Lan Maitree Tuduangsawad, ô nhiễm cadmium trong mực và một số loài hải sản có vỏ đã trở thành vấn đề trong hơn một thập kỷ nay tại các vùng biển... quanh Thái Lan.

Tuy vậy, một hệ thống quan trắc môi trường được thiết lập sau đó đã cho thấy tình hình ô nhiễm môi trường ở Vịnh Thái Lan là "không thể coi thường", do có nhiều nhà máy nằm dọc bờ Vịnh.

Nhà sinh vật học hải dương Thon Thamrongnawasawat, thuộc Đại học Kasetsart, nói: "Mực chủ yếu ăn các phiêu sinh vật là loài dễ tích tụ cadmium, và ăn những cá nhỏ chuyên ăn phiêu sinh vật. Việc ăn những con mực tích tụ cadmium sẽ làm "chuyển giao" kim loại nặng này sang người dùng". Vì vậy, theo ông Thon, việc quản lý tốt hơn  các nước thải từ nhà máy, xí nghiệp sẽ giúp hạn chế nạn ô nhiễm cadmium trong môi trường biển.       

Điều đáng nói là vào năm 2002, IWMI đã không tìm thấy mức tích tụ đáng ngại của cadmium nơi nguồn nước ngầm và cả nơi nhánh sông Mae Tao, hay cả ở các ao được khảo sát nằm gần các mỏ kẽm từng bị nghi là nguồn gây rò rỉ kim loại nặng này. Các xét nghiệm tiến hành trên các mẩu cá thu được từ các nguồn nước trong khu vực cũng không cho kết quả tích tụ cadmium ở mức cao!

Mặc dù vậy, theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm, trong 1.180 tấn gạo sản xuất tại Mae Sot, có khoảng 91% đã bị tích tụ cadmium. Trong đó, có chừng 130 tấn là "không an toàn để ăn". 

Trong khi đó, các chuyên gia y tế khẳng định nếu người dân trong vùng vẫn tiếp tục ăn gạo và các loại rau củ trồng ở địa phương bị nhiễm cadmium, họ sẽ mắc phải các bệnh như itai itai (làm mềm hóa và méo mó thể dạng của xương, gây tổn hại cho thận),... liên quan đến sự ngộ độc cadmium.

"Dân làng cần chấm dứt ăn gạo bị nhiễm cadmium. Tuy vậy, cũng chưa đến mức phải hoảng hốt, vì phải cần khoảng mười năm tích lũy đủ độ cadmium trong cơ thể thì con người mới phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe liên quan đến cadmium." - phó cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm Adisak Thongkaimuk, khuyến cáo.

Tuy vậy, theo TS Jaral Trinvuthipong, tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, hầu hết các kết quả xét nghiệm mới nhất đã cho thấy có 8% cư dân ở hai làng này đang phải đối mặt với nguy cơ bị loãng xương và tổn hại thận do bị tích tụ cadmium trong cơ thể. "Tuần tới, chúng tôi sẽ thu thập mẩu máu và nước tiểu của tất cả người dân trong vùng để mang đi xét nghiệm. Từ đó, sẽ xác định được những người cần đến sự chăm sóc về mặt y tế." - ông Jaral nói.

TS Kanoknart Pisutthakul, giám đốc Bệnh viện Mae Sot cho biết: Qua hai vòng xét nghiệm cho 1.850 cư dân địa phương, đã xác định được 142 người bị nhiễm cadmium quá mức. Những người này đang được theo dõi tình hình sức khỏe chặt chẽ, trong đó có năm người đã "có vấn đề" ở thận. Theo TS Kanoknart, cần có ngân khoản hai triệu bạt để tiến hành các xét nghiệm máu và nước tiểu cho hơn 5.000 dân làng.

Dân làng không phải... "chuột thí nghiệm"

Theo báo Bangkok Post ra ngày 30/4/2004, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Somsak Thepsuthin vừa tuyên bố sẽ lập một hội đồng tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm tại Mae Sot. Đây là phản ứng đầu tiên từ phía Bộ Nông nghiệp sau khi tin tức về vụ ô nhiễm đáng chú ý này đã xuất hiện cách nay hơn hai tháng, như chúng ta đã biết ở trên.

Do ngộ độc cadmium, bệnh itai itai gây tác hại nhiều nhất tới thận và hệ xương của bệnh nhân.

Bộ trưởng Somsak cũng nói rằng nông dân trong vùng nên chuyển từ trồng lúa sang trồng... hoa thương mại. Trong khi đó, một quan chức Bộ Nông nghiệp nhận xét là không có bất kỳ một hành động nào được triển khai trước đó để phục hồi đất trồng trọt đã bị ô nhiễm vì cadmium. Còn ông Surapong Kongchantuk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Karen thì khuyến cáo: Bộ Nông nghiệp cần nghiên cứu cẩn thận tất cả các hướng chuyển đổi canh tác tại đây, vì "dân làng không phải là... chuột trong phòng thí nghiệm"!

Phó tỉnh trưởng tỉnh Tak, ông Somchai Hathayatanti, chủ tịch Hội đồng hỗ trợ của địa phương đối với vùng ô nhiễm, cho biết đã có 500 người tìm đến sự giúp đỡ về y tế ở phòng khám di động của tỉnh. Ông cũng xác nhận đã hỗ trợ tiền mua gạo cho 44 hộ không còn gạo an toàn để ăn.

Hội đồng hỗ trợ tỉnh Tak đang xem xét kế hoạch dài hạn về việc sử dụng phân bón hữu cơ và vôi để phục hồi đất nhiễm cadmium; đắp đê và trồng cỏ vetiver để ngăn dòng chảy từ các mỏ vào các nguồn nước tự nhiên; đẩy mạnh dự án thủy lợi tại huyện Mae Sot để mở rộng việc tưới tiêu trong vùng ô nhiễm.

Gạo nhiễm cadmium sẽ được mua lại từ nông dân với giá 8.300 bạt/tấn để thiêu hủy, trích từ nguồn quỹ của địa phương và sự đóng góp của... Công ty Khái thác Mỏ kẽm Padaeng Industry Plc.

Chắc chắn việc giải quyết hậu quả của vụ ô nhiễm cadmium chưa từng có này ở Thái Lan (và có lẽ cũng khá "tiêu biểu" trong khu vực Đông Nam Á) sẽ còn kéo dài, cho dù có hay chưa tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm.  

Kim loại nặng cadmium có lẫn trong phân lân, có thể ảnh hưởng đến môi trường đất. Tại TP.HCM, một công trình nghiên cứu năm 1998 của Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam cho biết nhiều loại rau trồng trên địa bàn Thành phố có sử dụng một số thuốc trừ nấm đã bị ô nhiễm đồng (Cu), kẽm (Zn) trên mức cho phép. Các kim loại nặng khác như chì (Pb), cadmium (Cd) cũng từng thấy xuất hiện trên các loại rau như cà chua, cải bắp, cải bông với hàm lượng vượt mức cho phép nhiều lần.

Cadmium cũng có mặt trong quá trình sản xuất của những nhà máy, xí nghiệp thuộc các ngành mạ điện, nhuộm, hóa chất, nhựa,... Do đó, nếu các nhà máy, xí nghiệp này không xử lý tốt chất thải, cadmium trong đó sẽ được thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặt và cả nước ngầm.

Cây trồng trên các vùng đất gần các khu công nghiệp có thể bị nhiễm kim loại nặng, trong đó có kẽm, đồng, măng-gan, cadmium,... Bởi chất thải chưa xử lý tốt từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tích tụ đáng kể trong nước ngầm và đất quanh vùng, khiến cho trong quá trình hút thức ăn và nước một cách bị động (không theo yêu cầu dinh dưỡng), cây trồng cũng bị tích lũy một lượng kim loại nặng đáng kể. Ăn rau, cây trồng này lâu ngày, sức khỏe người dùng sẽ bị ảnh hưởng. Việc tích lũy cadmium trong cơ thể sẽ làm con người bị thiếu hồng huyết cầu, bị tổn hại ở phổi, cuống phổi, bộ tiêu hoá, gan, và đặc biệt là thận và các bệnh về xương...

Linh Chi

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
EU mới và sự... lộn xộn về chính sách hạt nhân (03/05/2004)
Truy kích HIV tận các "thánh địa"! (01/05/2004)
Phi công bay thử: nghề nguy hiểm (29/04/2004)
Dùng muỗi... "hạt nhân" tấn công bệnh sốt rét! (28/04/2004)
Nghiệm thu chất phụ gia PDP: Tranh cãi nảy lửa! (27/04/2004)
Anh: Thử nghiệm chứng minh thư sinh trắc học (26/04/2004)
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi! (26/04/2004)
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang