Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp
05:03' 29/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tiếp xúc với phóng viên VietNamNet, “ông già Lương” ở Phòng Điện tử Ứng dụng (thuộc Phân Viện Vật lý tại TP.HCM) ngậm ngùi: "Giá như có một cơ chế năng động hơn để những nhà khoa học như tôi có thêm nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội"!

Ông tên Nguyễn Đăng Lương, 67 tuổi, từng học ở CHDC Đức về và hiện vẫn còn gắn bó với công việc ở Phòng Điện tử Ứng dụng.

Nhiều người gọi ông là “ông già Lương”. Trông ông có vẻ khắc khổ. Người ngoài ít ai biết “ông già Lương” này đã từng chế tạo thành công máy ô-zôn ở Việt Nam vào cuối những năm 1980 và sau đó đã góp phần khơi mào cho một thị trường máy ô-zôn những năm sau này.

Câu chuyện "ông già Lương"  kể sau đây được xem như một cách ông góp ý về thực trạng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn TP.HCMVietNamNet đang mở chuyên đề...

"Đường ra" của mấy cái máy ô-zôn

"Hồi ấy, vào năm 1986, Công ty Dịch vụ Dầu khí OSC cần có một máy phát ô-zôn để xử lý nước, do chuyên gia nước ngoài ở dàn khoan không chấp nhận dùng nước sinh hoạt được xử lý bằng clor. Họ yêu cầu gắt gao, nếu không tìm biện pháp khắc phục thì buộc phải nhập nước uống từ... Nhật! Tất nhiên, nước uống nhập khẩu sẽ đắt kinh khủng! Sau đó, GS Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM lúc bấy giờ đã giao nhiệm vụ cho tôi chế tạo một máy phát ô-zôn. Tôi đã chế tạo được ba máy phát ô-zôn mi-ni (công suất 2g/giờ) và các chuyên gia dầu khí trực tiếp đến nghiệm thu đạt yêu cầu. Vào thời đó, làm xong nhiệm vụ cho họ là thôi!" - ông kể.

Việt Nam xếp thứ 94 về chỉ số năng lực KH-CN
Theo báo cáo về Hợp tác xây dựng năng lực ở các nước phát triển (hoàn thành vào tháng 3/2001), do Viện RAND (Mỹ) thực hiện từ đề nghị của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng chỉ số về năng lực KH-CN.

Bảng xếp hạng này chia 150 nước và lãnh thổ thành bốn nhóm. 22 nước được xem là có trình độ KH-CN tiên tiến (Mỹ, Nhật, Đức, Canada,...). Nhóm kế tiếp được xem là có đủ năng lực KH-CN, đứng đầu là Singapore (xếp thứ 23 trong toàn bảng). Trung Quốc xếp thứ 39, và Ấn Độ đứng thứ 45 trong bảng xếp hạng. Nhóm thứ ba gồm 24 nước và lãnh thổ, được đánh giá là có trình độ KH-CN đang phát triển: Indonesia, Mông Cổ, Hong Kong, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Chile, Mexico...

80 nước được xếp vào nhóm tụt hậu về KH-CN,  là những nước có ít số liệu để phản ánh năng lực KH-CN. Việt Nam xếp thứ 94, sau Malaysia, Philippines, Thái Lan, Nepal...

Chỉ số tính toán được tổng hợp từ các thông số: Thu nhập quốc dân theo đầu người; số lượng các nhà khoa học và kỹ sư trên một triệu dân; số bài báo đăng trên các tạp chí KH-CN; chi phí theo nghiên cứu và phát triển (theo tỷ lệ phần trăm GNP), số viện nghiên cứu và các trường ĐH trên một triệu dân; số bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ và châu Âu; và số sinh viên đang theo học ở Mỹ - tính theo đơn vị điều chỉnh.

Dĩ nhiên, các thông số đánh giá và việc xếp loại của bán cáo này vẫn còn nhiều điểm phải bàn cãi. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế do các chỉ số về năng lực KH-CN được tổng hợp từ các chỉ số về đầu tư, hạ tầng và các sản phẩm KH-CN,... (Thu Thảo)

"Đến năm 1993, một học trò cũ của tôi có xuống tàu viễn dương và thấy có một máy phát ô-zôn loại nhỏ, trông giống như cái tủ lạnh, hiệu Mitsibishi. Biết tôi nghiên cứu máy ô-zôn, cậu ấy bèn mua tặng tôi. Lại còn chở về tận cơ quan." - "ông già Lương" kể tiếp - "Tôi mừng lắm, vì hồi còn học ở bên CHDC Đức, tôi đã có dùng máy này. Tôi bèn rã máy ra, học “cách chơi kỹ thuật” của Nhật. Sau đó, tôi làm được hai cái máy giống như của họ. Nhưng cũng chỉ làm theo hứng thú mà thôi, chứ đâu biết để làm gì".

"Không dè đúng vào lúc đó, có một xí nghiệp thuộc SEAPRODEX nhận hợp đồng chế biến thuỷ sản (tôm, mực) thành susi xuất sang Nhật. Hãng Nhật nhập hàng này yêu cầu xí nghiệp không được xử lý sản phẩm bằng clor. Anh Sáu H., giám đốc xí nghiệp này mới yêu cầu hãng nọ của Nhật mang sang cho xí nghiệp mượn một máy ô-zôn. Sau mấy tháng, do hết hợp đồng xuất khẩu nên hãng Nhật rút máy về. Không có máy này, làm sao làm tiếp hàng xuất khẩu được. Sáu H. bèn đề nghị hãng Nhật bán lại cái máy ô-zôn, nhưng họ không chịu. Bí!".

"Thế rồi Sáu H. chạy sang cầu cứu ông Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn chạy sang tìm tôi. Thấy chiếc máy ô-zôn hiệu Mitsubishi đang đặt ở chỗ tôi, Sáu H. đòi mua. Tôi tìm trên Internet, thấy cái máy y vậy giá tới 22.000 USD. Tôi nói với Sáu H.: "Cái máy ô-zôn của tôi là máy second hand, nhưng tôi đã chỉnh trang lại rồi". Tôi kêu giá 7.000 USD. Sáu H. mua liền. Lại còn hỏi "Trả tiền Việt hay tiền đô"! Tôi nói tiền Việt. Đây là vốn liếng khởi đầu để tôi làm tiếp mấy cái máy ô-zôn nữa." - ông Lương tủm tỉm, mắt long lanh như nhớ lại cái thời ban đầu thú vị ấy.

Rồi ông kể tiếp chuyện "đường ra" của mấy cái phát ô-zôn, nghe cũng rất... ly kỳ: "Từ khi xí nghiệp của Sáu H. có được cái máy ô-zôn thì hãng Nhật nọ lại quay sang ký tiếp hợp đồng và còn tăng sản lượng lên nữa. Báo hại cái máy ô-zôn second hand mà tôi đã bán cho Sáu H. không đủ công suất để chạy. Anh ta bèn quay lại tìm tôi, hỏi còn cái máy nào hiệu Mitsibishi nữa không. Tôi mới chỉ cho Sáu H. cái máy ô-zôn của mình làm, công suất 2g/giờ và nói thêm sẽ nhận bảo hành, bảo trì, thay thế phụ tùng nếu máy hư. Sáu H. chịu mua với giá 40 triệu đồng...".

Sao cứ ngậm hoài, dù vú đã móp, sữa đã chua lè?

"Cắc cớ là hai máy chạy ngon lành được khoảng hai tháng thì cái máy ô-zôn Mitsibishi bị “pan”. Sáu H. lại chạy quýnh chạy quáng qua tìm tôi..." - ông Lương cười. 

"Tôi nói sẽ sang xí nghiệp coi nó bị hư gì, nhưng tôi không chịu trách nhiệm thay thế phụ tùng vì, như tôi đã nói trước, đây là máy “nghĩa địa”. Sang bên đó kiểm tra máy, mới hay nó hư ở mỗi một chi tiết là cái ống thuỷ tinh cách điện. Loại phụ tùng này kiếm đâu ra? Thấy Sáu H. thiếu điều mếu máo, tôi thử hiến kế nhờ mấy ông Nhật đang làm ăn với xí nghiệp mua dùm cái ống thuỷ tinh này. Họ chịu mua giúp ở Nhật rồi giao cho xí nghiệp, chỉ lấy tiền hoá đơn mua cái ống là 5.000 USD. Lo xa, Sáu H. mới bảo tôi: "Anh còn “thằng con” thứ hai, tôi mua luôn!" Vậy là tôi đem bán nốt cái máy ô-zôn đã làm lúc trước, cũng với giá 40 triệu đồng".

Ông Nguyễn Đăng Lương: "Cai sữa" cho nhà khoa học, bao giờ? (Ảnh: Thu Thảo) 

"Rồi Sáu H. bảo tôi cứ yên tâm, vì SEAPRODEX có tới 150 xí nghiệp, mỗi “anh” mua một máy thôi là tôi làm mệt nghỉ! Nghe vậy, tôi mừng thầm. Nhưng chờ dài cổ suốt hai năm, vẫn không thấy ai đến mua. Mà Sáu H. cũng không giới thiệu ai đến mua máy. Sau đó, mới thấy có một xí nghiệp cũng thuộc SEAPRODEX lần tìm đến chỗ tôi mua máy ô-zôn. Tôi nhận của họ đặt làm liên tiếp hai máy ô-zôn với giá 60 triệu đồng/máy, công suất phát 5g/giờ, lớn hơn cái máy đã bán cho xí nghiệp của Sáu H.".

"Trong quá trình làm ăn với họ, tôi mới phát hiện một điều đau điếng: Hoá ra, Sáu H. chỉ “phỉnh” tôi để độc quyền máy ô-zôn nhằm chiếm phần lớn hợp đồng làm hàng thuỷ sản xuất khẩu, chớ anh ta không hề hé răng cho ai biết chuyện đã mua máy ở chỗ tôi. Còn xí nghiệp mà tôi mới quen sau này thì lại khác. Họ tích cực quảng bá sản phẩm cho chúng tôi một cách vô tư. Nhờ vậy, chúng tôi có “đường ra” trong chuyện làm máy ô-zôn. Dần dà, do nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng nhái mẫu mã, hoặc nhập máy ô-zôn về bán, khiến thị trường máy ô-zôn xao động một thời. Thậm chí, lúc đó còn có một tác giả trẻ nhái mẫu máy của tôi để đăng ký với... Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật TP.HCM và rồi anh ta (tên M.) cũng được trao một giải (!)...".

Theo Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2010, do Bộ KH-CN công bố hồi giữa tháng 4/2004, cả nước hiện có khoảng 1.100 tổ chức nghiên cứu và hầu hết được bao cấp, hoạt động kém hiệu quả do chủ yếu thực hiện các dự án theo... chỉ đạo.

Với trọng tâm đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động KH-CN, Bộ KH-CN sẽ đẩy mạnh việc chuyển các tổ chức nghiên cứu triển khai công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp nhằm thức đẩy việc gắn chặt nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu với nhu cầu thực tế của thị trường. Do phải tự trang trải kinh phí nên các tổ chức này sẽ phải lựa chọn đúng hướng đầu tư, tạo ra các công nghệ thực sự cần thiết cho thị trường.

Bên cạnh đó, các tổ chức thuần tuý nghiên cứu chiến lược chính sách, đường lối (như các viện), hoặc các đơn vị nghiên cứu cơ bản vẫn hoạt động với sự tài trợ của Nhà nước.

"Dù chẳng ai chứng nhận nhưng tôi có thể tự hào là người đầu tiên làm máy phát ô-zôn ở Việt Nam, mặc dù trên thế giới thì chuyện này "xưa như Trái đất". Ở châu Âu, người ta đã sử dụng máy ô-zôn để xử lý nước từ năm 1905. Còn ở Việt Nam, tôi có tìm tài liệu và được biết chiếc máy phát ô-zôn đầu tiên đến Việt Nam là cái máy phát loại 50g/giờ, do Đức sản xuất nhưng người Pháp mua và mang sang lắp đặt ở Nhà máy Xi măng Kiên Lương vào năm 1965. Họ dùng máy đó để xử lý nước trong sinh hoạt và dùng trong phòng thí nghiệm. Sau này, tôi có mò xuống tận nơi để tìm tung tích cái máy đó. Nhưng mấy ông công nhân già ở nhà máy cho biết: "Đúng là trước năm 1975, có một cái máy như vậy. Còn sau 1975, cái máy đó đã bị dẹp bỏ, không còn dấu tích gì nữa!...".

"Cho tới năm 2002, tôi có đi Trung Quốc. Kinh phí để đi là do một công ty tư nhân đài thọ, chứ ở Viện, chỗ tôi làm thì kinh phí để đi nước ngoài là... khó lắm! Qua Trung Quốc, tôi thấy cách làm của người ta rất tốt..." - ông Lương nói.

Tốt như thế nào, thưa ông? - Chúng tôi hỏi.

"Có thể nói như vầy: Mười mấy năm nay, Trung Quốc đã tiến hành “cai sữa “ bao cấp cho các nhà khoa học nước họ." - ông Lương phân tích - "Nếu như ở Trung Quốc, khi thấy tôi làm máy ô-zôn có hiệu quả, sẽ có Hội đồng Giám định Năng lực của tôi. Xong, họ sẽ cấp tiền để tôi sang các nước có làm máy ô-zôn để học hỏi, tìm hiểu tình hình. Khi về, tôi phải làm một luận văn về việc tôi có ý định phát triển cái máy này như thế nào. Sau đó, Hội đồng này sẽ đứng ra bảo lãnh tín chấp với ngân hàng để cho tôi vay vốn đầu tư, phát triển sản phẩm nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ về quản lý để tôi có thể thành lập công ty mà sản xuất, kinh doanh. Từ giờ phút đó, họ tuyên bố “cai sữa” cho tôi, một nhà khoa học!".

Và thật bất ngờ, "ông già Lương" chợt buông ra một câu kết luận gọn lỏn: "Chứ có đâu như ở ta, bao nhiêu năm rồi cũng cứ phải ngậm "bầu sữa bao cấp" hoài. Ngậm cho đến già, dù vú móp, sữa chua lè... cũng vẫn cứ phải ngậm!" 

  • Nông Khắc Ý
Mô hình KIST ở Hàn Quốc
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang