Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi
22:30' 26/05/2004 (GMT+7)

Các nhà khoa học Nam Phi thừa nhận rằng họ đành phải bó tay trước căn bệnh bí hiểm đang giết chết các cây baobab khổng lồ trên đất nước này. Theo lời các chủ trang trại, đã vài năm nay, cây baobab liên tục bị nám đen và dần chết đi.

Cái chết bí ẩn

Theo GS Mike Wingfield, chuyên gia lâm nghiệp và công nghệ sinh học nông nghiệp thuộc ĐH Pretoria (Nam Phi), có thể thủ phạm là một loại nấm độc hại. Ông cho biết: "Các chủ trang trại tìm đến với chúng tôi và thông báo về hiện tượng cây baobab bị chết hàng loạt. Một năm trước, chúng tôi quyết định tiến hành khảo sát để tìm hiểu về những cây baobab bị chết. Sau khi trèo lên cây để lấy mẫu vật, chúng tôi tìm thấy một vài loài nấm, và thậm chí chúng tôi còn cấy loại nấm này lên cây để xem cây có bị chết hay không. Tuy nhiên, kết quả không phải như chúng tôi nghĩ, vì thế chưa thể kết luận được rằng nấm là thủ phạm giết chết baobab."

Một giả thuyết khác: Nấm chỉ bám vào thân cây khi cây đã mang bệnh từ trước, còn thủ phạm có thể là... sự phá hại của loài voi. Loài voi vặt lá cây làm thức ăn và làm tổn hại đến thân cây, sau đó các sinh vật thứ cấp bắt đầu tấn công cây. Baobab là một loại cây cực kỳ phi thường, giống như loài xương rồng vì có thể sống trong điều kiện khô hạn nhờ tích luỹ nước trong các cành cây khổng lồ của chúng. Ngoài ra, baobab còn nổi tiếng vì khả năng sống lâu tới hàng ngàn năm.

Từ quan điểm của một cuộc nghiên cứu, thật sự rất khó xử lý được vấn đề này. Wingfield cho biết: "Nhìn chung, những cây bị bệnh đều rất lớn, và baobab là giống cây mọng nước chứ không giống như một loại thực vật điển hình. Vì vậy, nếu như bạn dùng đến cưa xích, chúng sẽ phun ra hàng đống nước từ khối ruột mềm mọng nước của chúng. Cây baobab có giá trị rất lớn đối với nhiều cộng đồng dân cư ở châu Phi, và để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh thì cần phải tiến hành những cuộc nghiên cứu khác có quy mô lớn hơn hiện nay."

Một hệ sinh thái khổng lồ

Mỗi cây baobab là một hệ sinh thái, gắn liền với một truyền thuyết.

Tất cả các cây baobab đều là loài sớm rụng, cao khoảng 5-20m, còn tuổi thọ của nó thì vô địch: theo kết quả tính tuổi carbon, cây baobab có thể sống tới 3.000 năm. Baobab chỉ mọc tại các vùng đất thấp tại châu Phi và Australia.

Tại Zimbabwe, có một cây baobab cổ thụ bị rỗng ruột lớn đến mức 40 người lớn có thể trú mưa bên trong. Nhiều thân cây baobab đã được người dân địa phương lợi dụng tạo thành cửa hàng, nhà ở, nhà kho, nhà để xe, thậm chí cả... nhà tù. Baobab là loài cây khác hẳn với nhiều cây khác - thân cây nhẵn và bóng chứ không xù xì, có màu xám hơi hồng và đôi khi có màu đồng. Khi rụng sạch lá, cành cây baobab giống hệt như đám rễ chĩa thẳng lên không trung. Theo truyền thuyết châu Phi, Thượng đế giao cho mỗi loài vật phải trồng một loại cây. Khi linh cẩu được giao nhiệm vụ trồng cây baobab, con vật bất cẩn này đã trồng ngược, vì thế nên cây baobab ngày nay mới có hình dáng đặc biệt đến thế.

Cây baobab rất khó chết - dù bị đốt hay bị tước hết vỏ, cây lại mọc lên một lớp vỏ mới và tiếp tục phát triển. Khi đến tuổi "chầu trời", cây rữa ra từ bên trong và đột nhiên đổ sụp xuống, để lại một đống sợi khiến cho nhiều người nghĩ rằng cây không hề chết, và rồi từ từ biến mất. Một cây baobab già có thể tạo thành hệ sinh thái riêng của nó, bởi vì cây hỗ trợ cho sự sống của rất nhiều sinh vật, từ những động vật có vú lớn nhất cho đến hàng ngàn sinh vật tí hon chạy ra chạy vào trên các kẽ nứt. Chim làm tổ trên cành, khỉ đầu chó ăn trái cây, vượn mắt to  và dơi uống mật hoa rồi thụ phấn cho hoa, còn voi thì húc đổ và đánh chén luôn cả thân cây.

Những truyền thuyết về loài cây thần bí

Dọc dòng sông Zambezi, các bộ lạc tin rằng khi trời đất còn sơ khai, cây baobab mọc rất thẳng và kiêu hãnh. Tuy nhiên, vì một lý do bí ẩn nào đấy, chúng trở nên hống hách với các loài cây nhỏ bé hơn. Thượng đế nổi giận và nhổ cây baobab lên, cắm ngọn chúng xuống đất còn rễ thì chĩa lên trời. Chỉ có ma quỷ mới được phép thưởng thức những bông hoa trắng ngọt ngào của baobab, còn bất cứ ai dám nhặt lấy dù chỉ là một bông hoa cũng sẽ bị sư tử giết chết.

Trông như có bao nhiêu rễ cây đều chĩa hết lên trời.

Tương truyền, có một cây baobab khổng lồ ở Zambia bị ma trăn ám. Trước khi người da trắng xuất hiện, một con trăn lớn sống trong thân cây rỗng và được dân địa phương thờ cũng. Khi họ cầu mưa, mùa màng tươi tốt và săn bắn thuận lợi, con trăn đáp ứng lời cầu khẩn của họ. Người thợ săn da trắng đầu tiên đến vùng đất này đã bắn chết con trăn, và gây nên hàng loạt tai hoạ khủng khiếp. Vào những đêm thanh vắng, người dân địa phương vẫn còn nghe thấy những tiếng huýt gió bí ẩn từ cây baobab cổ thụ.

Tại Vườn Quốc gia Kafue, có một cây baobab được gọi là "Kondanamwali" - cây ăn thịt thiếu nữ. Cây baobab khổng lồ này đem lòng yêu một lúc bốn cô gái xinh đẹp sống trong bóng râm của nó. Khi các cô đến tuổi trưởng thành, họ đi lấy chồng và điều này khiến cho cây thần phát ghen. Một đêm, trong cơn bão tố mịt mùng, cây mở rộng thân và nhốt cả bốn cô gái vào trong. Ngày nay, có một ngôi nhà nghỉ đã được xây dựng bằng cành của cây baobab này. Vào những đêm bão tố, mọi người bên trong nhà nghỉ vẫn rùng mình vì nghe thấy tiếng gào khóc của những cô gái bị cầm tù.

Dọc dòng sông Limpopo, truyền thuyết kể rằng khi một cậu bé được tắm bằng nước dùng để ngâm vỏ cây baobab, khi lớn lên cậu sẽ trở thành một người đàn ông lực lưỡng, như chính bản thân cây baobab vậy. Nhưng không phải tất cả những truyền thuyết đều chỉ là truyền thuyết - một số có cơ sở khoa học rất vững chắc. Chẳng hạn, thổ dân Nam Phi tin rằng phụ nữ sống trong vùng có nhiều cây baobab sẽ có nhiều con hơn những người sống ngoài vùng "phủ sóng" của baobab. Lá cây baobab chứa rất nhiều vitamin, vì thế khi họ ăn súp lá baobab, cơ thể họ sẽ được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, khiến tỷ lệ sinh sản đạt được rất cao. Chính các bác sĩ châu Âu đã kiểm nghiệm điều này!

Cây baobab trong đời sống thổ dân

Cây baobab non rất khác với cây trưởng thành, vì thế thổ dân Nam Phi tin rằng chúng không phát triển như các cây khác mà đột nhiên xuất hiện trên mặt đất với đầy đủ cành lá, rồi một ngày kia lại đột nhiên biến mất. Chẳng trách chúng được coi là... cây thần.

Cây baobab có hoa lớn màu trắng, nở về đêm. Quả của chúng có thể dài tới hơn 30cm, chứa acid tartaric và vitamin C nên có thể pha vào nước để giải khát rất tốt. Ngoài ra, người ta còn rang và xay ra để làm thành một thứ đồ uống giống như cà phê. Trái cây không phải là thứ duy nhất có ích - vỏ cây giã ra còn dùng làm dây thừng, chiếu, túi xách, giấy, dây đàn, mũ chống nước, và quần áo; lá cây có thể luộc ăn; còn phấn hoa có thể dùng làm keo dán.

Lá cây baobab tươi không chỉ dùng làm rau (có vị giống rau chân vịt) mà còn được dùng làm thuốc chữa các bệnh về thận và bàng quang, hen suyễn, chữa vết côn trùng cắn và một số bệnh khác.

Khánh Hà (tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang