Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên
00:55' 22/05/2004 (GMT+7)

Gần 4.000 người Anh trong độ tuổi từ 10 tới 30 có thể đang mang mầm bệnh bò điên (vCJD). Đây là ước tính mới, dựa trên việc phân tích mẫu sinh thiết của người.

Ba mẫu đại diện 3.800 người

Não của người mắc bệnh bò điên.

Trong tổng số 12.674 mẫu amiđan và ruột thừa được lưu trữ từ năm 1995 tới năm 1999, các nhà điều tra đã phát hiện ba mẫu nhiễm vCJD. Ngoại suy nghiên cứu này cho toàn bộ dân số, họ ước tính có 3.800 người Anh đang mang mầm bệnh. David Hilton, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Derriford ở Plymouth, Anh, cho biết: ''Tôi không nghĩ rằng nghiên cứu của chúng tôi suy đoán quá nhiều, song chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu".

Hilton lưu ý rằng chỉ có một trong ba mẫu dương tính phù hợp với hình thái tích tụ prion gây bệnh trong các ca vCJD được khẳng định. Hai mẫu còn lại rất khác biệt. Có thể là do kết quả dương tính sai. Nếu đúng như vậy, điều đó có nghĩa là tỷ lệ người nhiễm bệnh giảm từ 237 ca vCJD trên một triệu dân Anh xuống còn 79 ca/một triệu người.

Lo ngại về kết quả nghiên cứu sơ bộ của Hilton, Cơ quan Bảo vệ Sức khoẻ của Anh đang thu thập hơn 100.000 mẫu amiđan mới để kiểm tra ngẫu nhiên nhằm phát hiện prion gây vCJD. Tuy nhiên, nhiều mẫu mới sẽ thuộc về những trẻ em mà thức ăn của chúng hiện không có các prion của bò được cho là truyền bệnh bò điên (BSE) sang người. Nghiên cứu của Hilton tập trung vào các mẫu được bảo quản từ những người phơi nhiễm cao nhất với thịt bò BSE khi còn nhỏ hoặc thanh niên.

Hilton cho biết chỉ có ba mẫu dương tính trong một nhóm phơi nhiễm cao như vậy, tức là prion gây bệnh bò điên hiếm khi truyền từ bò sang người do cái gọi là rào cản giữa các loài. Số trường hợp vCJD được ghi nhận tiếp tục giảm từ đỉnh điểm 28 bệnh nhân vào năm 2000 xuống còn 18 ca trong năm 2003, và hai ca tính tới thời điểm này trong năm 2004.

Bệnh bò điên: Bí ẩn chưa được giải đáp

Bệnh bò điên vẫn là một bí ẩn đối với giới khoa học bởi căn nguyên của nó không phải là virus, vi khuẩn hay các vi sinh vật khác. Bệnh không đánh động hệ miễn dịch và có thể lây từ loài này sang loài khác. BSE là một thành viên của một nhóm bệnh có tên là bệnh xốp não lây truyền (TSEs). Người ta tin rằng nguyên nhân gây bệnh là do protein prion bị gập sai. Do là thành phần tự nhiên trong cơ thể nên các prion không đánh động hệ miễn dịch như virus hoặc vi khuẩn thường làm để kích thích phản ứng chống bệnh tật.

Nghiên cứu gần đây cho thấy: Chỉ bằng cách chạm vào chúng, các prion ''xấu'' này có thể làm cho những prion khác gập sai. Các tế bào tạo ra protein theo những chỉ dẫn đã được lập trình sẵn trong gien. Tuy nhiên, giống như một chiếc hộp các-tông, protein phải gập lại mới có thể hoạt động và thỉnh thoảng chúng bị gập thành hình dạng không đúng. Trong trường hợp đó, tế bào sẽ nhận ra và phá vỡ protein bị gập sai.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2002, Susan Lindquist thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và đồng nghiệp phát hiện quá trình trên không phải lúc nào cũng xảy ra. Nếu prion gập sai không bị phá vỡ đủ nhanh, chúng tích tụ, làm thay đổi cơ chế chuyển hoá và giết chết tế bào. Trong não, chúng phá huỷ tế bào thần kinh. Tế bào thần kinh chết, vỡ ra, và giải phóng nhiều prion hơn. Một số người có thể nhiễm TSEs do di truyền. Chẳng hạn, bệnh Creutzfeldt-Jakob ở người (CJD, hay nhũn não) xảy ra ngẫu nhiên ở một trong một triệu người. Có sự đột biến gien trong một số gia đình và gây ra 5-10% các ca CJD.

CJD là căn bệnh vô phương cứu chữa và luôn gây tử vong. Nó được lây truyền thông qua cấy ghép mô và truyền máu. Con người có thể mắc một dạng CJD có tên là vCJD (hay dạng BSE ở người) do ăn các sản phẩm thịt bò nhiễm BSE. vCJD gây bại liệt và tử vong. vCJD lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1995. Cho tới nay, có tất cả 141 người đã tử vong do căn bệnh này, tập trung chủ yếu tại Anh. Trái ngược với các dạng CJD truyền thống tác động tới những người ở độ tuổi từ 65 trở lên, vCJD ảnh hưởng tới các bệnh nhân có tuổi trung bình là 29. Thời kỳ mắc vCJD tương đối dài (14 tháng, so với 4,5 tháng ở CJD).

TSEs ảnh hưởng tới mèo, chồn, nai sừng tấm, hươu, bò, cừu và một loạt động vật khác. Thỏ, ngựa và chó dường như có khả năng kháng bệnh song giới khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân. TSEs có thể lây truyền qua đường thực phẩm. Người ta cho rằng bò nhiễm BSE khi người nuôi gia súc sử dụng thức ăn có chứa các phụ phẩm thịt cừu. Một số cừu mắc dạng TSE đặc trưng cho loài này, được gọi là scrapie.

Vào tháng 3/2004, chính phủ Anh đã tuyên bố những người Anh được truyền máu sau năm 1980 sẽ bị cấm cho máu. Quyết định này được đưa ra sau khi có thông báo về trường hợp một người đàn ông đã tử vong do vCJD, có lẽ do đã nhiễm bệnh thông qua truyền máu. Một chuyên gia nói rằng chính phủ nên buộc bác sĩ phải sử dụng những dụng cụ y tế dùng một lần trong một số cuộc phẫu thuật như cắt bỏ amiđan.

  • Minh Sơn (Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Tại sao nhiều người Anh phản đối... lò đốt rác? (07/05/2004)
Đại dương = "thùng rác lớn"! (07/05/2004)
Kền kền rơi hàng loạt vì... thuốc thú y (05/05/2004)
Nhạy cảm san hô: Lời kêu cứu từ biển (05/05/2004)
Koala Úc may hơn... hải cẩu Canada (04/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang