Nhà côn trùng học pháp y Lee Goff:
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi!
13:52' 26/04/2004 (GMT+7)

Lee Goff là người rất thích côn trùng. Ông cũng có mối quan tâm sâu sắc đối với... xác chết. Nhưng điều thực sự làm ông thích thú chính là sự kết hợp giữa hai yếu tố nói trên. Là một nhà côn trùng học pháp y, Goff nghiên cứu quá trình côn trùng thâm nhập một cơ thể sau khi chết. Mặc dù không còn là một lĩnh vực mới mẻ, côn trùng học pháp y cũng chỉ mới đạt được nhiều tiến bộ trong vòng vài thập kỷ qua.

Mỗi xác chết có một câu chuyện riêng.

Giờ đây, với tư cách là trưởng Khoa Pháp y tại ĐH Chaminade (Honolulu, Hawaii), Goff đang trở nên rất nổi tiếng và được mời đi giảng dạy khắp nơi trên thế giới. Ông là một trong chín nhà côn trùng học pháp y duy nhất được Ban Côn trùng học Pháp y Mỹ cấp bằng chứng nhận. Ngoài ra, ông còn là người quản lý của một chương trình triển lãm bảo tàng di động mang tên Côn trùng Hiện trường Tội phạm (Crime Scene Insects - CSI). Goff đã dành cho tạp chí National Geographic một cuộc trao đổi ngắn về lĩnh vực say mê này của ông:.

- Con đường nào dẫn ông đến với côn trùng học tội phạm?

- Tôi đến với sự nghiệp của mình một cách hoàn toàn tình cờ. Năm 1962, tôi đến Hawaii chỉ để... lướt sóng. Và kể từ đấy, tôi không rời Hawaii được nữa: Tôi học và lấy bằng về sinh vật biển, sau đó làm việc cho Phòng Côn trùng học tại một viện bảo tàng địa phương, và trở nên gắn bó với... muỗi và các côn trùng khác. Tôi bắt đầu làm quen với tử thi khi làm việc cho Khoa Bệnh học tại Bệnh viện Quân đội Fort Ord ở Monterey (California, Mỹ) trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Tại đây, công việc sử dụng côn trùng để xác định thời gian chết đã thực sự cuốn hút tôi.

Tôi lấy bằng tiến sĩ côn trùng học ở Papua New Guinea. Vào năm 1982, tôi tham dự một hội nghị côn trùng học và gặp được một người chuyên nghiên cứu côn trùng học pháp y - tôi thực sự say mê công trình của ông ta. Khi về Hawaii, tôi đến gặp người phụ trách khám nghiệm y tế  và bảo rằng tôi muốn quan sát... dòi trong xác chết. Ông ta tưởng tôi bị điên!

- Công trình pháp y đầu tiên của ông là gì?

- Tôi nghiên cứu vòng đời của côn trùng, sự thay đổi của vòng đời theo điều kiện khí hậu, và bắt đầu sử dụng một vài nghiên cứu của mình vào việc dự đoán thời gian chết theo từng loại côn trùng và từng giai đoạn phát triển. Năm 1989, một người bạn làm việc cho FBI mời tôi đến đào tạo cho nhân viên nhóm Phản ứng Bằng chứng (Evidence Response Team) về nghiệp vụ xác định và thu thập côn trùng từ xác chết.

- Lý do nào khiến ông bắt đầu thử nghiệm côn trùng đối với ma tuý?

- Một lần, tôi phải xác định xem trước khi chết, nạn nhân có sử dụng cocaine hay không. Tôi tự hỏi tại sao mình lại không dùng dòi, bọ hay nhộng trên xác chết để thử nghiệm với ma tuý nhỉ. Cuối cùng, tôi quyết định cứ sử dụng xem sao. Trong vòng mười năm qua, tỷ lệ sử dụng ma tuý đã tăng vọt nên có rất nhiều vụ giết người vì liên quan đến ma tuý. Số vụ tử vong vì ma tuý ngày càng nhiều đến mức chúng tôi phải xem xét cả tác động của ma tuý lên... côn trùng.

- Điều gì xảy ra cho côn trùng nếu nạn nhân có sử dụng cocaine hay heroin?

- Cocaine, heroin, ectasy và thuốc lắc, tất cả đều có ảnh hưởng đến đời sống của côn trùng. Chẳng hạn, cocaine làm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khiến cho dòi phát triển nhanh hơn, còn dòi ăn thịt của người nghiện heroin lâu ngày sẽ phát triển chậm hơn so với dòi trên xác chết của người mới nghiện hoặc người chết vì sốc thuốc. Những yếu tố này rất quan trọng khi bạn áp dụng vòng đời để tính toán thời gian chết.

- Ông đã sử dụng những gì để phục vụ thử nghiệm? Ông làm thế nào để nghiên cứu hiện tượng phân rã?

Pháp y là một chuyên ngành khoa học đầy khó khăn, đòi hỏi phải có niềm say mê thực sự.

- Thông thường, chúng tôi sử dụng xác chết của lợn. Một con lợn chết khoảng 20kg có hiện tượng phân huỷ rất giống với người, vì thế có thể sử dụng chúng thay cho tử thi của người. Trong khuôn viên trường đại học và một số khu quân sự, chúng tôi có những khu vực an toàn để cho xác chết được phân huỷ.

Một lần, tôi để một con lợn chết quấn trong chăn tại sân sau nhà tôi cho phân rã, giống như hiện trường một vụ giết người, và quan sát xem lũ côn trùng mất bao nhiêu thời gian mới thâm nhập được qua lớp chăn phủ. Ngoài ra, chúng tôi còn đặt xác lợn trong nhiều môi trường khác nhau - rừng mưa, miệng núi lửa, vũng thuỷ triều - để xem điều kiện môi trường tác động như thế nào đến tốc độ phân rã. Chúng tôi còn treo xác lợn trên cây để xem quá trình phân huỷ có khác gì so với lúc ở trên mặt đất hay không. Chúng tôi chôn xuống đất hoặc đốt để kiểm nghiệm tác động của nhiệt độ lên xác chết. Tốc độ phân huỷ giữa từng điều kiện khác nhau rất nhiều - ở rừng mưa nhiệt đới của Hawaii, xác chết chỉ còn lại xương sau 18 ngày, còn trong môi trường khô cằn hơn, quá trình này có thể mất ít nhất một năm.

- Làm thế nào mà ông xác định được thời gian chết?

- Chúng tôi quan sát các thế hệ côn trùng xâm nhập thi thể. Tại Hawaii, chỉ trong vòng 10 phút sau khi chết, nhặng xanh cái bắt đầu vo ve "thám hiểm" các "cửa ra vào" của cơ thể - mắt, tai, mũi, miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục - rồi tiến hành đẻ trứng. Từ đây, đồng hồ sinh học bắt đầu chạy.

Tử thi có phần nào đấy giống như một hoang đảo núi lửa khô cằn. Khi cây cối bắt đầu nảy mầm đâm rễ, hoang đảo sẽ trở nên hấp dẫn hơn - và tử thi cũng vậy. Khi dòi nở và ăn thịt xác chết, chúng sẽ thu hút thú săn mồi lẫn ký sinh trùng. Sau đó là ruồi, bọ, ong ký sinh, tất cả cùng kéo đến trong vòng vài ngày. Đến ngày thứ năm, danh sách "khách mời" sẽ có thêm ruồi nhà, một số loài bọ khác và hằng hà sa số các loài côn trùng.

Ngay cả khi xác chết chỉ còn trơ lại khung xương, diễn biến xung quanh không phải vì thế mà bớt sôi động. Chất lưu chảy ra khỏi cơ thể đã làm cho tính chất đất ở đấy thay đổi, và lúc này cuộc nghiên cứu sẽ tập trung vào đất để tìm kiếm nấm và tảo. Thậm chí sau một năm rưỡi, vẫn còn rất nhiều dấu vết để lại cùng với sự hiện diện của rất nhiều động vật chân đốt. Tuỳ thuộc vào loại côn trùng có mặt ở đấy và từng giai đoạn phát triển của chúng, bạn có thể đánh giá được thời điểm xảy ra cái chết.

- Có bao nhiêu loài côn trùng xâm nhập xác chết?

- Tại Hawaii có hơn 300 loài sẽ "viếng thăm" xác chết từ khi bắt đầu chết đến giai đoạn xương. Trên đất liền, hơn 600 loài côn trùng có thể sẽ có mặt.

- Ông có thể biết được những điều gì thêm về người chết?

- Chúng tôi có thể biết được sau khi chết, người đó có bị di chuyển hay không. Nếu có bằng chứng về côn trùng thành phố trong một xác chết tìm thấy ở vùng nông thôn, ta biết chắc rằng xác chết đã bị di chuyển. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể biết về nguyên nhân của cái chết. Nếu côn trùng rời khỏi các tuyến đường thâm nhập thông thường, chẳng hạn như đi qua ngực, chúng ta biết rằng còn có một vết thương nào đấy chưa được phát hiện ra. Có lần, tôi tìm thấy máu trong một con rận cua phù hợp với mẫu máu của một nghi phạm hiếp dâm.

- Ông còn là người quản lý của Chương trình triển lãm Bảo tàng di động CSI?

- Vâng, tôi được mời làm quản lý để đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học cho chương trình. Pháp y là một trong những phương pháp tốt nhất để thu hút trẻ em có cái nhìn thiện cảm với khoa học.

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang