(VietNamNet) – Khi tôm chết, người nuôi mới quan tâm đến việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiệu quả và bền vững. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà ngành thủy sản đang hướng tới...
Tại sao tôm chết?
Câu hỏi "Tại sao tôm chết?" bắt đầu được đặt ra từ năm 1994, khi đợt dịch bệnh đầu tiên xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lúc ấy, nhiều vấn đề còn "rất bỡ ngỡ" với cả người nông dân, nhà khoa học cũng như nhà quản lý. Còn bây giờ, đã gần mười năm, nghề NTTS đã có những bước tiến đáng kể. Hiểu biết của nông dân hiện đã khá đầy đủ về sinh học và kỹ thuật nuôi. Hệ thống khuyến ngư phát triển tương đối rộng khắp. Các trung tâm khuyến ngư ở các tỉnh đã có phòng thí nghiệm có thể giúp nông dân kiểm định, chẩn đoán, phân tích môi trường cũng như chẩn đoán bệnh tôm. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi tôm có hiệu quả do người nông dân sáng tạo ra cũng đã được lan truyền khắp vùng… Thế nhưng, tôm nuôi vẫn có lúc chết đồng loạt!
Tính đến ngày 26/3/2004, khi việc thả tôm giống ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đã cơ bản hoàn tất thì có đến 70% diện tích tôm giống bị chết phải thả đợt hai. Nguyên nhân được các ngành chức năng xác định: Do thời tiết không thuận lợi, chất lượng tôm giống không đảm bảo.
Tính đến ngày 1/4/2004, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, đã có 380 ha hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng với số lượng tôm chết từ 70%–100%. Nguyên nhân dẫn đến việc tôm chết hàng loạt được các ngành chức năng xác định là do thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, con giống không đạt yêu cầu, người nuôi tôm đã thả nuôi sớm hơn thời gian quy định.
Kể từ trung tuần tháng 3, tại Long An, dịch bệnh trên tôm sú đã gây thiệt hại đến 10 tỷ đồng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Long An có công văn số 968/CV-UB chỉ đạo tăng cường các biện pháp làm giảm thiệt hại, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên con tôm sú. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân phải tạm ngưng sản xuất, lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ tôm sú giống trên địa bàn tỉnh Long An. Một số loại thức ăn, thuốc chữa bệnh cho tôm chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng cũng không được phép lưu thông trong thời điểm này. Đồng thời, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An tiến hành khoanh vùng dịch, tìm nguyên nhân gây dịch, tăng cường công tác tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn, xử lý và cải tạo lại ao đồng trong vùng nuôi tôm sú. Thế nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Tại sao tôm chết hàng loạt?
Làm gì để... hiệu quả + bền vững!
Đối với các ngành nghề khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt… khi dịch bệnh lan truyền trên diện rộng, gây thiệt hại đáng kể cho dân, là cả một vấn đề cực kỳ lớn. Hầu như các cơ quan chức năng đều vào cuộc. Riêng đối với nghề NTTS, đặc biệt là nuôi tôm sú, chuyện tôm chết giống như “cơm bữa” song các ngành chức năng vẫn “bình chân như vại”. Dường như họ “chưa làm được gì (?)”. Ai cũng bảo: Đã chấp nhận nuôi tôm là chấp nhận rủi ro. Nuôi tôm giống như đánh bạc – 50% thắng, 50% thua (!). Có phải vậy chăng?
Sở dĩ nghề nuôi tôm còn tồn tại và phát triển được là vì giá tôm thương phẩm vẫn còn ở mức cao. Chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và dành cho người có tiền. Đối với nông dân nghèo, ngay cả các hộ nuôi tôm quy mô gia đình, nhiều khi không dám đụng đến một ký tôm sú.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện nuôi tôm ổn định bền vững mà lại chấp nhận nuôi tôm mạo hiểm? Và, biết bao vấn đề khác, theo tôi, ngành thủy sản vẫn còn “nợ” với người NTTS tại Việt Nam. Chẳng hạn, quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ cho NTTS, sản xuất tôm sú bố mẹ nhân tạo để hạ giá thành và giữ ổn định trong sản xuất, sản xuất tôm giống an toàn, sạch bệnh…
Trao đổi với TSKH Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II về chủ đề nuôi tôm hiệu quả và bền vững:
Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực NTTS, ông cho rằng có thể kết hợp hai yếu tố hiệu quả và bền vững?
- TSKH Nguyễn Văn Hảo: Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi rất khó!
|
TSKH Nguyễn Văn Hảo: Phải mở rộng diện tích nuôi nhưng giảm mức độ thâm canh hóa. |
Hiệu quả trong hoạt động sản xuất thủy sản là làm sao cho mức thu hoạch cao hơn mức đầu tư. Để tăng hiệu quả, người ta có xu hướng thâm canh hóa. Phải tăng sản lượng, tăng lợi tức trên một đơn vị diện tích. Thâm canh hóa thường không đi đôi với khái niệm bền vững, bởi thâm canh hoá đồng nghĩa với việc phải khai thác đến mức cao nhất nguồn lợi tự nhiên bằng các giải pháp kỹ thuật. Khai thác kiểu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng nguồn lợi không phải chỉ ở thế hệ này mà có thể ở nhiều thế hệ sau. Trong khi đó, bền vững có nghĩa là một hoạt động sản xuất không làm ảnh hưởng về mặt lâu dài, không làm cho các thế hệ kế tiếp bị ảnh hưởng. Nghĩa là không làm cho các điều kiện tự nhiên, yếu tố sinh thái, điều kiện tổng hợp nói chung có thay đổi.
Do vậy, phương thức nuôi trồng thủy sản hiệu quả bền vững đòi hỏi mỗi việc đầu tư để đạt hiệu quả đều phải cân nhắc đến sự cân bằng của các yếu tố sinh thái tự nhiên. Hiệu quả ở đây được hiểu trong tính chất tương đối, mang tính cách chiến lược lâu dài, chứ không phải là hiệu quả trước mắt. Do đó, chúng ta có thể phát triển thủy sản hiệu quả và bền vững trên quan điểm khai thác có chừng mực, khai thác có cơ sở khoa học nguồn tài nguyên tương đối hạn chế của chúng ta. Làm thế nào cho nguồn tài nguyên này có thể tái tạo lại, bù đắp lại cái mà bằng các giải pháp kỹ thuật chúng ta đã khai thác nó.
Thế nhưng thực tế đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Nếu xét về khái niệm bền vững thì mô hình nuôi tôm vùng chuyển đổi (theo Nghị quyết 09 của Chính phủ) đã phát triển trong mấy năm qua là khá bền vững. Về mặt nuôi trồng, đó là một mô hình quảng canh cải tiến, với hệ thống canh tác mà trong đó người ta cân bằng đầu vào và đầu ra. Nghĩa là chỉ thả tôm và tôm sử dụng thức ăn tự nhiên trong thủy vực, rồi thu hoạch tôm. Người dân sẽ trồng một vụ lúa hoặc luân canh một lĩnh vực khác, để làm cho hệ sinh thái tái cân bằng trở lại sau khi đã lấy đi một sản phẩm nhất định để đưa vào trong sản lượng của con tôm. Thế nhưng xét trên khía cạnh hiệu quả tính trên một đơn vị diện tích, chúng ta có thể làm hơn năng suất 170-200kg/ha/năm. Nghĩa là nếu xét theo khía cạnh kinh tế thì mô hình này thực sự chưa hiệu quả, do năng suất còn có thể đạt 10 tấn/ha/vụ. Như vậy, nhiều người sẽ không đồng ý với cách làm của chúng ta trong quan điểm hiệu quả.
Vấn đề đặt ra là: Nếu chúng ta nhìn kết hợp giữa hai yếu tố bền vững và hiệu quả, liệu có thể kéo dài bao lâu năng suất 10 tấn/ha/vụ? Sẽ kéo dài bao lâu năng suất 200kg/ha/năm?
Theo tôi, nếu chúng ta khai thác hợp lý, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt thì với năng suất 200kg/ha/năm, chúng ta có thể duy trì một thời gian khá dài. Còn với năng suất 10 tấn/ha/vụ, nếu làm nhiều vụ thì khó có thể duy trì được.
Cụ thể nhất, chúng ta nhìn vào vùng ven biển Nam, Trung bộ: Tình hình nuôi tôm hiện nay cho thấy những dấu hiệu khởi đầu cho một sự thoái hoá. Ở đây, do diện tích hẹp và điều kiện tự nhiên không được thuận lợi nên hình thức nuôi chủ yếu là bán thâm canh và thâm canh. Do vậy, hiện tượng tôm chết kéo dài và lan rộng đang diễn ra ở đây. Có thể chúng ta phải nghĩ về một hình thức canh tác khác, ví dụ là luân canh hoặc nuôi một đối tượng khác để làm sao cho hệ sinh thái này khôi phục lại giá trị ban đầu của nó.
Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần làm tăng sản lượng thì chúng ta cũng làm được. Nhưng khía cạnh tính bền vững của hoạt động này sẽ ra sao? Hệ sinh thái ven biển là một hệ sinh thái rất nhạy cảm. Sự mất cân bằng của hệ sinh thái này rất dễ xảy ra nếu không biết cách khai thác một cách hợp lý giữa cái thu thập và cái bổ sung vào. Do đó, chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ và phải có bước đi thích hợp cũng như căn cứ vào trình độ phát triển về kinh tế - xã hội, về cơ sở hạ tầng, nhất là tính nhạy cảm của hệ sinh thái này để có bước đi thích hợp cho hệ sinh thái ĐBSCL.
Tôi nghĩ: Nếu có những giải pháp tích cực, tăng cường công tác khuyến ngư để làm sao tăng năng suất hiện có (170–200kg/ha/năm) lên 300 kg/ha/năm ở mô hình quảng canh cải tiến trên vùng chuyển đổi. Nghĩa là tăng gần gấp đôi sản lượng hiện có, đồng thời vẫn giữ được cân bằng, bảo đảm được tính nhạy cảm của hệ sinh thái này. Đó sẽ là thành công rất lớn, và có như vậy mới có thể giải quyết được việc phát triển hiệu quả và bền vững.
Nghĩa là ông đặt tính bền vững lên trên tính hiệu quả? Người NTTS cần hướng tới mục tiêu ổn định lâu dài?
- Hãy nhìn lại Thái Lan: Diện tích NTTS của Thái Lan không lớn - không quá 50.000 ha. Vậy mà Thái Lan từng đứng đầu trong ngành sản xuất tôm thế giới với sản lượng trên 200.000 tấn/năm. Cách đi của Thái Lan là không cho mở rộng diện tích, nhưng thâm canh hóa trên một diện tích đã được xác định, được tính toán cân bằng với hệ sinh thái chung.
Sở dĩ diện tích thâm canh hóa đó phải được quy hoạch và phải cân đối với tổng diện tích tự nhiên vì có như vậy mới có thể làm sạch khối lượng bẩn do mô hình nuôi tôm công nghiệp làm ra. Nếu không, việc nuôi tôm công nghiệp sẽ làm thoái hóa bản thân môi trường ao của chính nó, đồng thời sẽ làm thoái hóa và ô nhiễm môi trường xung quanh. Do đó, nếu duy trì được một tỷ lệ thích hợp giữa hoạt động NTTS với điều kiện tự nhiên thì có thể duy trì được sự cân bằng. Đó cũng là một khái niệm nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững.
Riêng chúng ta không làm như Thái Lan được vì việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam có tính cách "quần chúng". Hàng triệu ngư dân, nông dân đang tham gia vào hoạt động NTTS này với cơ sở hạ tầng chưa được phát triển. Trình độ dân trí, các hoạt động dịch vụ hậu cần cho nghề nuôi thuỷ sản của chúng ta cũng ở mức hạn chế. Với số lượng quá đông nông - ngư dân tham gia hoạt động này, chúng ta không thể thu hẹp diện tích để thâm canh hóa được. Do đó, bước đi của chúng ta phải khác với Thái Lan. Chúng ta phải chọn lựa hình thức thứ hai: mở rộng diện tích nuôi nhưng phải giảm mức độ thâm canh hóa ở mô hình này để tạo ra được sự cân bằng giữa khai thác và phục hồi của hệ sinh thái ven biển. Đó là cách đi do điều kiện khách quan bắt buộc nhưng cũng là cách đi khá khôn khéo của người Việt Nam.
Chính với mô hình này, nếu giải quyết tốt các vấn đề quản lý thì sẽ cho ra sản phẩm sạch, sản phẩm sinh thái độc đáo duy nhất của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện nay, người nông dân chúng ta còn nghèo mà hoạt động nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế. Do vậy, với năng suất 300kg/ha/năm đã là một nguồn lợi tức khá hấp dẫn. Mô hình này đầu tư rất thấp, chỉ có tiền con giống và các hoạt động cải tạo là chính. Theo tôi, đây là một mô hình phù hợp trong điều kiện hiện nay của chúng ta.
|