Nhân Ngày Nước Thế giới 2004:
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020
22:42' 22/03/2004 (GMT+7)

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chọn ''Nước và các thảm hoạ'' là chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm nay, hướng tới việc tăng cường chuẩn bị đối phó với thảm hoạ ở cấp địa phương, chia sẻ hiểu biết giữa các khu vực và nâng cao nhận thức của công chúng về các thảm hoạ liên quan tới nước.

Mỗi năm, một hoặc nhiều cơ quan của LHQ đứng ra đảm trách việc hướng dẫn kỷ niệm Ngày Nước Thế giới. Năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chiến lược liên cơ quan giảm thiểu thảm hoạ đóng vai trò này. Năm nay, chiến dịch nhân Ngày Nước Thế giới (22/3) còn nhằm thúc đẩy các cộng đồng và các nhà chính trị hành động để ngăn chặn, giảm thiểu các thảm hoạ liên quan tới nước, góp phần giảm đói nghèo và xây dựng sự phát triển bền vững như mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Nước...

Hơn 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thuỷ tai. Trong ảnh: Lũ lụt ở miền Trung.

Nước là yếu tố thiết yếu đối với phát triển và xoá đói giảm nghèo. Khả năng tiếp cận với nước sinh hoạt là nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy nhiên, gần 1,1 tỷ người không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch và đại bộ phận trong số này đang sống ở các nước đang phát triển. Theo Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), tình trạng không được tiếp cận với các dịch vụ cấp nước bền vững là do công tác quản lý cung - cầu yếu kém chứ không hẳn do khan hiếm nước. Hệ thống quản lý nước yếu kém khiến cho nước trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong trên thế giới ngày nay, do quá ít hay quá nhiều nước, hoặc do nước là môi trường truyền bệnh.

Tài nguyên nước ở Việt Nam chỉ có hạn và hiện đang chịu một sức ép nghiêm trọng trước tình trạng ô nhiễm và sử dụng nước quá mức cho phép. Đây là hậu quả chung của các yếu tố gia tăng dân số, phát triển kinh tế và công tác quản lý chưa thoả đáng. Ngoài ra, mức chênh lệch về khả năng tiếp cận với nước giữa các tỉnh, thành đã trở nên rõ rệt hơn. Tỷ lệ hộ được tiếp cận với nước sạch ở khu vực thành thị là 78%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn Việt Nam chỉ có 44%. Những con số này còn tồi tệ hơn vào những lúc lũ lụt và hạn hán.

Ngoài ra, các đợt thiên tai chẳng hạn như lũ lụt nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long hay hạn hán tại Tây Nguyên vào năm ngoái có thể xoá đi những thành quả phát triển mà chúng ta mất nhiều công sức mới đạt được trong nhiều thập kỷ, làm cho tình trạng nghèo đói trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thuỷ tai. Trung bình, mỗi năm có hơn một triệu người cần được cứu trợ khẩn cấp do bị thiên tai. Nhiều người trong số họ vừa mới thoát khỏi cảnh nghèo đói, và chỉ một cơn bão hay một trận lụt có thể làm cho họ bị tái nghèo.

Chiến lược quốc gia thứ hai về Giảm nhẹ thiên tai (2001-2010) của Việt Nam lần đầu tiên đặt vấn đề thiên tai, đặc biệt là thuỷ tai, trong một bối cảnh phát triển rộng hơn. Chiến lược cũng lưu ý tới mối liên quan giữa thiên tai và công cuộc xoá đói giảm nghèo, quản lý môi trường và phát triển công bằng, bền vững. Một chiến lược quan trọng khác, với tên gọi "Chương trình Nghị sự 21" của Việt Nam nhấn mạnh rất rõ rằng để đảm bảo phát triển bền vững, các phương thức phát triển của Việt Nam cần phải kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và quản lý môi trường.

Thách thức hiện nay là hết sức to lớn khi Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp nước sạch cho 85% dân số vào năm 2010 và 100% vào năm 2020. Theo UNDP, cần phải có ba yếu tố để giải quyết được thách thức này:

Thứ nhất, để đảm bảo cung cấp nước sạch cho toàn dân và vệ sinh môi trường tốt cũng như thực hiện phương thức tiếp cận tổng hợp để giảm nhẹ thuỷ tai trong thời gian tới, cần tạo ra nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Bộ Kế hoạch - Đầu tư ước tính: Căn cứ vào mức tiêu thụ nước hiện nay và dự báo về dân số, ngành này cần được đầu tư mức vốn khoảng 147 triệu USD mỗi năm để đạt được chỉ tiêu đề ra cho năm 2020.

Thứ hai, cần xác định ưu tiên về xây dựng năng lực ở những nơi có nhu cầu lớn nhất: trực tiếp giúp các cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, đề ra và thực hiện giải pháp riêng của họ.

Thứ ba, công tác quản lý đối với tài nguyên nước khan hiếm liên quan tới nhiều ngành và đòi hỏi phải huy động nhiều đối tượng tham gia, thực hiện phương thức quản lý tài nguyên nước tổng hợp, cụ thể là các ngành y tế, nông nghiệp và công nghiệp, khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, các cán bộ kế hoạch ở cấp Trung ương, phụ nữ và trẻ em.

... Và các thảm hoạ về nước

Các thảm hoạ liên quan tới nước đã gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế quốc gia và hiện được thừa nhận là trở ngại đối với các  nhiệm vụ phát triển bền vững cũng như xoá đói nghèo. Tổn thất do thiên tai gây ra đang cướp đi nguồn lực của các quốc gia mà lẽ ra được sử dụng cho nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tổn thất đó nghiêm trọng và bi thảm hơn nhiều tại các nước kém phát triển và đang phát triển, đẩy lùi mục tiêu phát triển hàng thập kỷ. Giảm nguy cơ thảm hoạ đồng nghĩa với việc giảm đói nghèo.

Thảm hoạ liên quan tới nước là hậu quả của sự tác động qua lại giữa các sự kiện thuỷ văn - khí tượng khắc nghiệt và hoạt động kinh tế không bền vững của con người tại các vùng bị ảnh hưởng. Thỉnh thoảng, các sự kiện này kết hợp với điều kiện hoặc sự kiện địa chất, gây ra thảm hoạ tự nhiên phức tạp: bão mạnh, sóng thần, lũ lụt, lở đất, lở tuyết và hạn hán.

Dù hạn hán - một trong các thảm họa tự nhiên vẫn xảy ra song con người còn chưa biết bảo vệ tài nguyên nước quý báu trên hành tinh.

Theo WMO, 90% người bị ảnh hưởng bởi những thảm hoạ trên sống tại các nước nghèo nhất. Báo cáo gần đây của Uỷ ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng thay đổi khí hậu và một thế giới ấm hơn có nghĩa là chúng ta sẽ phải chịu nhiều thảm hoạ hơn. Ngoài ra, mọi dạng ô nhiễm nước do thải hoá chất độc hại, gián tiếp hoặc trực tiếp, vào sông suối cũng đặt ra những nguy cơ lớn đối với sức khoẻ và sự thịnh vượng của con người.

Phần lớn các nguy cơ tự nhiên liên quan tới nước có tiềm năng lớn biến thành thảm hoạ nếu hoạt động phát triển không tính tới chúng, hoặc không chấp nhận các biện pháp phòng ngừa. Con người quản lý thảm hoạ bằng cách đánh giá nguy cơ tiềm năng dựa trên kinh nghiệm và đầu tư vào các biện pháp phòng chống. Cảnh báo sớm là yếu tố sống còn trong các chiến lược phòng chống thảm hoạ và kế hoạch hành động ở mọi cấp. Các cơ quan khí tượng và thuỷ văn quốc gia trên khắp thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về nguy cơ đối với các thảm hoạ về nước cũng như cảnh báo sớm về các thảm hoạ sắp xảy ra.

Định rõ vai trò của mọi cơ quan tham gia quản lý thảm hoạ liên quan tới nước, từ cấp quốc gia cho tới cấp địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc phối hợp đối phó với thảm hoạ. Trong tình hình khí hậu thay đổi, thảm hoạ tự nhiên liên quan tới nước sẽ không giảm. Do vậy, giảm nguy cơ thảm hoạ sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào khả năng đối phó của chúng ta. Giảm thảm hoạ về nước đồng nghĩa với việc phát triển khả năng giám sát, dự báo cường độ, thời gian và vị trí cũng như đánh giá và giảm nguy cơ của chúng.

Cảnh báo và dự báo

Tổng thư ký của WMO, ông Michel Garraud, cho biết thiệt hại hàng năm do tổng thiên tai gây ra tăng mạnh trong năm thập kỷ qua, từ 5 tỷ franc Thuỵ Sĩ lên 50 tỷ ngày nay. Tuy nhiên, số người chết do những thảm hoạ như vậy (lũ lụt, hạn hán, bão và các hiện tượng thời tiết khác) có xu hướng giảm do công tác dự báo thời tiết và cảnh báo tốt hơn. Ông Garraud nói: ''Cách đây chừng 30 năm, mỗi năm có 100.000 người thiệt mạng do thiên tai. Hiện, mức trung bình là 50.000-60.000 người''. Các nhà khoa học đã nhất trí rằng không thể tránh được  thảm hoạ tự nhiên song có thể giảm thiểu tác động của chúng thông qua hệ thống cảnh báo sớm và biện pháp phòng ngừa.

Ken Davidson, giám đốc Chương trình Khí hậu Thế giới của WMO, cho biết những tiến bộ về dự báo thời tiết, khí hậu và đánh giá nước trong vài năm qua đóng vai trò to lớn trong việc giảm bớt hậu quả nghiêm trọng của thiên tai. Điều đó đạt được phần lớn là nhờ sử dụng vệ tinh và thông tin được cải thiện. Ông nói: ''Các quốc gia lớn trên thế giới đang khai thác một loạt vệ tinh. Dữ liệu do chúng thu thập được truyền tới Chương trình Theo dõi Thời tiết Thế giới. Do vậy, nhiều quốc gia trên thế giới nhận được thông tin vệ tinh cùng một lúc. Chúng tôi đang cố gắng giúp các nước sử dụng thông tin này để giảm thiểu tác động của thiên tai, giúp mọi người thoát khỏi nguy hiểm cũng như tiến hành các biện pháp cần thiết trước khi thiên tai xảy ra''.

Công nghệ hiện đại đã cải thiện việc dự báo và cảnh báo dài, trung và ngắn hạn. Chẳng hạn, hiện có thể dự đoán các cơn bão nhiệt đới mạnh trước ba ngày, nhờ đó giảm thiểu được số người thiệt mạng,...

  • Minh Sơn (tổng hợp)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Trái đất vắng bóng hổ Sumatra? (17/03/2004)
Đồi mồi Việt Nam, Indonesia: Trước nguy cơ tuyệt chủng... (16/03/2004)
Hoãn chạy thử, nhưng huyện ngóng cổ... chờ máy bay đến! (15/03/2004)
Chó chết vì bệnh thận do ăn Pedigree? (13/03/2004)
Ngưng cho chó, mèo xơi Pedigree và Whiskas! (13/03/2004)
Suy thoái môi trường và thiếu lương thực ở sông Mekong (10/03/2004)
Chủ tịch công ty gia cầm tự tử sau khi bán sản phẩm nhiễm virus! (08/03/2004)
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu? (05/03/2004)
Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4 (05/03/2004)
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang